CHUYÊN MỤC

Ngày 09/12/2020 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó Pháp lệnh quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ; nguồn lực thực hiện; quản lý nhà nước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân, của người có công với cách mạng.
Đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, gồm:
- Người có công với cách mạng bao gồm:
+ Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945.
+ Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
+ Liệt sĩ.
+ Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
+ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
+ Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến.
+ Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993.
+ Người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh.
+ Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học.
+ Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày.
+ Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế.
+ Người có công giúp đỡ cách mạng.
- Thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ (người có công nuôi liệt sĩ là người đã nuôi dưỡng khi liệt sĩ chưa đủ 18 tuổi và thời gian nuôi dưỡng từ 10 năm trở lên).
Chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng:
Tùy từng đối tượng, người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được hưởng chế độ ưu đãi sau:
- Trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần.
- Các chế độ ưu đãi khác bao gồm: Bảo hiểm y tế; Điều dưỡng phục hồi sức khỏe; Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên; Ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; Hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở; Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước; Ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển; ưu tiên giao khoán bảo vệ và phát triển rừng; Vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh; Miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật.
(Pháp lệnh quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng trong từng trường hợp trên).
Những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng:
- Khai báo gian dối, giả mạo giấy tờ để hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng.
- Vi phạm nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm thực hiện các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.
- Lợi dụng việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có cộng với cách mạng để vi phạm pháp luật.
Xử lý vi phạm:
- Người giả mạo giấy tờ để được xem xét công nhận là người có công với cách mạng, hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thì bị thu hồi quyết định công nhận, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi và phải hoàn trả số tiền đã nhận.
- Người khai báo gian dối giấy tờ để được hưởng thêm chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thì bị chấm dứt chế độ ưu đãi được hưởng thêm và phải hoàn trả số tiền đã nhận do khai báo gian dối.
- Người chứng nhận sai sự thật hoặc làm giả giấy tờ cho người khác để được xem xét công nhận là người có công với cách mạng; người lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của người có công với cách mạng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Người vi phạm quy định về quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; lợi dụng chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng để trục lợi: thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021, thay thế Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13.
Quy định chuyển tiếp: kể từ ngày Pháp lệnh có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2021) thì:
- Người hy sinh, người bị thương, người bị bệnh trước ngày 01/7/2021 nếu không đủ điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh này thì được áp dụng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13.
- Người có công với cách mạng là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên chết trước ngày 01/7/2021 thì vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên tại thời điểm người có công với cách mạng chết được hưởng trợ cấp tuất; trường hợp vợ chưa đủ 55 tuổi hoặc chồng chưa đủ 60 tuổi tại thời điểm người có công với cách mạng chết thì trợ cấp tuất được thực hiện theo quy định của Chính phủ./.
Điều 53 Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021) quy định:
*Không xem xét công nhận người có công với cách mạng trong các trường hợp sau đây:
- Tham gia các hoạt động chống phá chế độ, Đảng, Nhà nước;
- Đào ngũ, phản bội, chiêu hồi;
- Đang chấp hành án phạt tù có thời hạn nhưng không được hưởng án treo, tù chung thân, tử hình hoặc bị kết án về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
- Bị tước danh hiệu quân nhân, danh hiệu công an nhân dân;
- Chết, bị thương, bị bệnh do tự mình gây ra; vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định của cơ quan, đơn vị; do tai nạn không phải do hành vi của đối tượng phạm tội gây ra.
*Không xem xét công nhận là người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đối với người bị khai trừ ra khỏi Đảng.
                                                      
Ngoài ra, Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng 2020 còn quy định người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng đang hưởng chế độ ưu đãi thì bị tạm đình chỉ, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi theo quy định sau đây:
(1) Người phạm tội không thuộc các tội xâm phạm an ninh quốc gia và bị phạt tù có thời hạn thì trong thời gian chấp hành hình phạt tù bị tạm đình chỉ hưởng chế độ ưu đãi;
(2) Người xuất cảnh trái phép, mất tích thì bị tạm đình chỉ hưởng chế độ ưu đãi trong thời gian xuất cảnh, mất tích;
(3) Người có công với cách mạng mà tham gia các hoạt động chống phá chế độ, Đảng, Nhà nước; đào ngũ, phản bội, chiêu hồi thì bị chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi;
(4) Người phạm tội thuộc một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc phạm tội khác bị phạt tù chung thân, tử hình thì bị chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật;
(5) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 bị khai trừ ra khỏi Đảng thì bị chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi kể từ ngày bị khai trừ;
(6) Người có công với cách mạng bị tạm đình chỉ hưởng chế độ ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều này vi phạm tội do lỗi cố ý thì thân nhân của họ cũng bị tạm đình chỉ hưởng chế độ ưu đãi.
Người có công với cách mạng bị chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi tại các điểm (3), (4) và (5) kể trên thì thân nhân của họ cũng bị chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi.
                                                                                                                                     Nguyễn Thị Thanh Huyền
           Theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do COVID-19,  từ Điều 38 đến Điều 43 quy định, hướng dẫn điều kiện, quy trình hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Cụ thể như sau:
1. Điều kiện, đối tượng vay vốn:
          1.1. Đối với khách hàng vay trả lương ngừng việc cho người lao động
          a) Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia và đóng bảo hiểm xã hộibắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm ngừng việc,người lao động phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022.
         b) Không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.
         1.2. Đối với khách hàng phải tạm dừng hoạt động vay trả lương cho người lao động để phục hồi sản xuất
         a) Phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022.
         b) Có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh.
         c) Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn.
         d) Không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.
         1.3. Đối với khách hàng hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
          a) Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn.
          b) Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn.
          c) Có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh.
          2. Mục đích vay vốn:
         Vốn vay được khách hàng sử dụng để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022.
          3. Mức cho vay, thời hạn cho vay, thời hạn giải ngân.
          3.1. Vay vốn để trả lương ngừng việc: Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 03 tháng; thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
          3.2. Vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất: Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động. Thời gian hưởng chính sách hỗ trợ tối đa 03 tháng; thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
           3.3. Việc giải ngân của Ngân hàng Chính sách xã hội cho người sử dụng lao động đối với các tháng 5,6,7 năm 2021 được thực hiện 1 lần; thời hạn giải ngân đến hết ngày 05/4/2022 hoặc khi giải ngân hết 7.500 tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho tái cấp vốn tùy theo điều kiện nào đến trước.
4. Lãi suất cho vay
4.1. Lãi suất cho vay: 0%/năm (không phần trăm).
          4.2. Lãi suất nợ quá hạn: 12%/năm.
          5. Bảo đảm tiền vay
          Khách hàng không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay
          6. Hồ sơ vay vốn
          - Giấy đề nghị vay vốn theo mẫu.
          - Danh sách người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội theo mẫu;
          - Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký Hợp tác xã/hộ kinh doanh; Quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có); Giấy phép kinh doanh/Giấy phép hoạt động/Chứng chỉ hành nghề (đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc pháp luật có quy định); Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư (đối với doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài); Giấy ủy quyền (nếu có).
         - Bản sao văn bản về việc người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022 (đối với vay vốn trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh).
          - Phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh.
          - Bản sao thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của cơ quan thuế đối với người sử dụng lao động.
          Người sử dụng lao động tự kê khai, lập danh sách, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với số lao động ngừng việc, số lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; phục hồi sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động; có trách nhiệm hoàn trả vốn vay đầy đủ, đúng hạn cho Ngân hàng Chính sách xã hội và đáp ứng điều kiện vay vốn theo quy định tại Điều 38 Quyết định này.
           Về trình tự thủ tục thực hiện theo thứ tự sau:
          Người sử dụng lao động đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận danh sách người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội. Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động, làm căn cứ để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay.
            Sau đó, người sử dụng lao động gửi hồ sơ đề nghị vay vốn đến Ngân hàng Chính sách xã hội nơi có trụ sở hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc nơi cư trú đối với hộ kinh doanh, cá nhân. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị vay vốn chậm nhất đến hết ngày 25 tháng 3 năm 2022.
          Trong 4 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động, Ngân hàng Chính sách xã hội phê duyệt cho vay. Trường hợp không cho vay thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do đến người sử dụng lao động.
          Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận tái cấp vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện giải ngân đến người sử dụng lao động./.
                                                                                                                                  Nguyễn Thị Thanh Huyền
         Nhằm mục tiêu hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động. Ngày 01/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
         Nguyên tắc hỗ trợ phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền (trừ các đối tượng hưởng chính sách bổ sung quy định tại điểm 7, điểm 8 Mục II  của Nghị quyết) chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.
           Theo đó, Nghị quyết nêu 12 chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do Covid-19 như sau:
           1. Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
          Người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước). Người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng chống đại dịch Covid-19.
           2. Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất
          Người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4/2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4/2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị. Đối với trường hợp đã được giải quyết tạm dừng đóng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết nhưng tổng thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng.
           3. Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động
         Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định. Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 06 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.
          4. Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương
        Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ một lần như sau: Từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng mức 1.855.000 đồng/người; từ 1 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người.
         5. Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc
        Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người.
         6. Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động
       Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động do phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.
          7. Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em
        -  Người lao động tại điểm 4, 5, 6 Mục II đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha.
        - Trẻ em phải điều trị do nhiễm Covid-19hoặc cách ly y tế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được ngân sách nhà nước đảm bảo các chi phí điều trị và tiền ăn theo quy định tại điểm 8 Mục II Nghị quyết này; được ngân sách nhà nước hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em trong thời gian điều trị, cách ly từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
         8. Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0), từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021, thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày.
           Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021, thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày.
          9. Hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch Covid-19trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
          Hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
            10. Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh
         Hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một lần 3.000.000 đồng/hộ.
           11. Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất
         - Cho vay trả lương ngừng việc: Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động, trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022. Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
        - Cho vay trả lương phục hồi sản xuất: Người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 khi quay trở lại sản xuất kinh doanh và người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động theo thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
          12. Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác:
         Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương./.

                                                                                                                                      Nguyễn Thị Thanh Huyền
Pháp luật hiện hành không chỉ quy định chế độ ưu tiên, hỗ trợ đối với thương binh mà con của thương binh cũng được hưởng một số quyền lợi nhất định.
Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7) đang đến gần. Đây là dịp mà Đảng, Nhà nước cũng như toàn xã hội tri ân những người đã hi sinh xương máu cho Tổ Quốc. Nhân dịp này, LuatVietnam sẽ điểm lại một số quyền lợi dành cho con thương binh theo các quy định hiện hành của pháp luật.
 Miễn gọi nhập ngũ
Bên cạnh con của liệt sĩ, thì con của thương binh hạng một; một con của thương binh hạng hai sẽ được miễn gọi nhập ngũ (Theo khoản 2 Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015).
Cộng điểm ưu tiên khi tuyển sinh
- Xét tốt nghiệp THPT: Con của thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81% thì được cộng 0,25 điểm; con của thương binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì được cộng 0,5 điểm (Theo khoản 1 Điều 36 Quy chế thi THPT quốc gia ban hành kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT)
- Xét tuyển đại học: Con thương binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được ưu tiên cộng 2 điểm; con thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81% thì được cộng 1 điểm (Theo điểm a, khoản 1 Điều 7 Quy chế tuyển sinh đại học ban hành kèm theo Thông tư 05/2017/TT-BGDĐT).
Ưu tiên trong tuyển dụng công chức, viên chức
- Tuyển dụng công chức: Con của thương binh, con của người hưởng chính sách như thương binh sẽ được cộng 20 điểm vào tổng số điểm thi tuyển hoặc xét tuyển công chức (Theo điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 24/2010/NĐ-CP).
- Tuyển dụng viên chức: Trường hợp có 2 người trúng tuyển có kết quả thi bằng nhau, tổng số điểm các bài thi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành bằng nhau thì con thương binh là một trong những đối tượng được ưu tiên tuyển dụng (Theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 29/2012/NĐ-CP)
Trợ cấp, miễn, giảm học phí
Con thương binh, con của người hưởng chính sách như thương binh là đối tượng được trợ cấp, miễn, giảm học phí (Theo điểm c khoản 3 Điều 33 Nghị định 75/2006/NĐ-CP).
Xuất ngũ trước thời hạn nếu là công an nghĩa vụ
Con của thương binh hạng một được ưu tiên xuất ngũ trước thời hạn nếu thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân (Theo điểm c khoản 1 Điều 9 Thông tư 38/2016/TT-BCA).
Được cấp thẻ BHYT miễn phí
Con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học, hoặc bị khuyết tật nặng, đặc biệt nặng của thương binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí (Theo điểm k khoản 3 Điều 1 Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC).
 
Hiện nay, pháp luật cũng có những sự ưu tiên nhất định dành cho lao động nữ để đảm bảo sự bình đẳng cũng như khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện cho lao động nữ có việc làm mang tính chất thường xuyên, liên tục.
Theo quy định của Bộ luật lao động 2012, những chính sách ưu tiên lao động nữ bao gồm:
– Bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ.
– Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà.
– Có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hoà cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình.
– Có chính sách giảm thuế đối với người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ theo quy định của pháp luật về thuế.
– Mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ có thêm nghề dự phòng và phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ.
– Nhà nước có kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ.
Theo quy định trên, nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động phối hợp với tổ chức công đoàn lập kế hoạch, thực hiện các giải pháp để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà phù hợp với nguyện vọng chính đáng của lao động nữ, đảm bảo rằng lao động nữ vừa có thể chăm sóc gia đình, vừa có thể trọn làm thời gian tại công ty.
Quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ theo quy định tại Khoản1, Điều 153, Bộ luật Lao động như sau: Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện quyền bình đẳng giữa lao động nữ và lao động nam trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần.
Nhà nước bảo đảm bình đẳng về các lĩnh vực quy định nêu trên trong quan hệ lao động, chính sách ưu đãi, xét giảm thuế.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động ưu tiên sử dụng, tuyển dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp cả nam và nữ; thực hiện các chính sách đối với lao động nữ tốt hơn so với quy định của pháp luật.
Theo đó, Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động phối hợp với tổ chức công đoàn lập kế hoạch, thực hiện các giải pháp để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà phù hợp với nguyên vọng chínhđáng của lao động nữ. Mặt khác, Người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ được Nhà nước giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính.
Như vậy, nhà nước ta luôn có những chế độ ưu đãi và tích cực nhằm tạo điều kiện tối đa nhất cho người lao động nữ.