No Slider camera item document in target location!

CHUYÊN MỤC




A. Quá trình hình thành và phát triển:
Kông Bơ La được tách ra từ xã Nam theo quyết định số 09 ngày 17 tháng 2 năm 1984 của Huyện ủy An Khê, là xã thuộc vùng 3 vùng đặt biệt khó khăn. Theo số liệu thống kê ngày 31/12/2018 toàn xã có 6 thôn, làng với 839 hộ, 3.422 khẩu với 9 thành phần dân tộc anh em (gồm: Kinh, Bahnar, Tày, Nùng, Mường, Thổ, Jarai, Êđê, Dao) cùng chung sống. Trong đó dân tộc kinh 359 hộ, 1.350 khẩu chiếm 42,79%, dân tộc Bana 473 hộ, 2.041 khẩu chiếm 56,38%, dân tộc khác 7 hộ, 31 khẩu,  chiếm 0,83%. Trụ sở hành chính đứng chân trên địa bàn thôn 2, cách trung tâm huyện Kbang 25 km về phía tây nam.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bộ xã qua từng năm đời sống nhân dân từng bước phát triển. Nhờ áp dụng khoa học kỷ thuật, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xác định cây chủ lực trên địa bàn là cây mía, từ đó tạo tiền đề cho bước đột phá về kinh tế trong nhiều năm qua. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 6 đến 7 %, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước. Ngay từ khi thành lập xã, tỷ lệ hộ nghèo trên 80%, nhờ làm ăn phát triển kinh tế tốt, năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo còn 15,26%, trên địa bàn xã đã có điện, đường, trường, trạm đảm bảo sinh hoạt và phát triển.
B. Điều kiện tự nhiên và xã hội:
I. Đặc điểm tự nhiên:
1.Vị trí địa lý: Xã Kông Bơ La nằm về phía Đông Nam huyện Kbang, cách trung tâm huyện lỵ khoảng 14 km, nằm ở toạ độ địa lý từ 14o00'33" đến 14o06'09" vĩ độ Bắc và 108o34'56" đến 108o39'03" kinh độ Đông, có ranh giới tiếp giáp như sau:
- Phía Bắc giáp: Xã Đông, huyện Kbang, tỉnh Gia lai.
- Phía Nam giáp: Xã Cư An, Thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.
- Phía Đông giáp: Xã Đắk HLơ, huyện Kbang, tỉnh Gia lai.
- Phía Tây giáp: Xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia lai.
2. Diện tích tự nhiên.
Tổng diện tích tự nhiên của xã Kông Bờ La là 4.087,14 ha,  trong đó có các loại đất sau:
- Nhóm đất nông nghiệp - NNP: 3953,62 ha, chiếm 96,73 % diện tích tự nhiên của toàn xã.
- Nhóm đất phi nông nghiệp - PNN: 133,52 ha, chiếm 3,27 % diện tích tự nhiên của toàn xã.
- Nhóm đất chưa sử dụng - CSD:  0 ha, chiếm 0 % diện tích tự nhiên của toàn xã.
3. Đặc điểm địa hình, khí hậu:
3.1 Địa hình:
Xã Kông Bơ La có độ cao trung bình từ 427m đến 572m so với mặt nước biển và nằm trên địa hình vùng trung du của Cao Nguyên Gia Lai, nằm ở phía Tây Nam của huyện Kbang. Độ cao dốc về phía Đông và thấp dân từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Địa hình có dạng núi thấp và đồng bằng, bào mòn tích tụ, được tạo thành do hoạt động xâm thực bào mòn của các suối.
* Địa hình đồi thoải: diện tích 413,6 ha, chiếm 10,07% diện tích đất tự nhiên, phân bố hầu hết trên địa bàn xã; dạng địa hình này có độ dốc từ 80 – 150, đất đai chủ yếu là đất nâu tím trên Mắcma Bazơ, đỏ vàng trên Mắcma axít,…tầng đất dày, đất tương đối màu mỡ chủ yếu thích hợp cho trồng cây lâu năm: Cao su tiểu điền, trồng rừng .
* Địa hình thấp ven suối: Độ cao dưới 572m so với mặt nước biển; dạng địa hình này phân bố chủ yếu khu trung tâm xã và dọc hai bên các khe suối, dạng địa hình này có diện tích 3.692,06 ha, chiếm 89,93% diện tích đất tự nhiên; dạng địa hình này thích hợp cho cây trồng ngắn ngày như: Lúa, Mía, Mỳ, Bắp, Rau đậu các loại, cây các loại cây ăn quả…., bố trí dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội.
3.2 Khí hậu, thủy văn:
Xã Kông Bờ La chịu ảnh hưởng của khí hậu huyện Kbang.
Khu vực phía Đông - Đông Nam xã là khu vực sản xuất nông nghiệp và phân bố dân cư, hạ tầng kinh tế xã hội của xã Kông Bơ La. Theo số liệu quan trắc của Trạm khí tượng An Khê, cách trung tâm xã về phía Đông Nam khoảng 45 km, các yếu tố khí tượng của vùng như sau:
- Nhiệt độ trung bình năm: 26,80C.
- Tổng nhiệt độ năm: 9.6000C.
- Tổng lượng mưa trung bình năm 1.300 - 1.500 mm.
- Ẩm độ không khí trung bình: 85%.
- Mùa mưa từ tháng 05 đến tháng 12, chiếm 83% tổng lượng mưa. Mùa khô 4 tháng, từ tháng 1 đến tháng  4.
- Điều kiện nhiệt và ẩm trên cho phép xác định:
+ Mùa vụ canh tác đối với cây trồng cạn không tưới trong vùng kéo dài 8 tháng (tháng 5-12), canh tác phải tưới 4 tháng (tháng 12 -  tháng 4). Căn cứ đặc điểm này sản xuất nông nghiệp có lịch thời vụ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch cho phù hợp với từng loại cây trồng. Tránh những bất lợi do thời tiết gây ra như: giông tố, lũ lụt và hạn hán.
+ Khí hậu của vùng thích hợp với cây trồng nguồn gốc nhiệt đới như cây Cao su, Lúa, Ngô, Mía, đậu, đỗ...
+ Đầu mùa mưa từ tháng 5, lượng mưa trung bình <150mm/tháng, nhất là tháng 6 - 7 lượng mưa <100mm (tiểu hạn); vì vậy cây trồng cạn vụ 01 thường bị ảnh hưởng có năm mất mùa hoàn toàn.
* Thuận lợi:
- Lượng mưa lớn, mùa mưa kéo dài, mùa khô ngắn hơn và ít khắc nghiệt hơn với các xã khác nên rất thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt là cây trồng cần nhiều nước như cây Lúa, Mía, Bắp,...
- Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa; về mùa mưa có đủ độ ẩm, ánh sáng cho các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt; mùa khô không có giá rét, có khả năng đáp ứng đủ ánh sáng cho các loại cây trồng, thuận lợi cho việc phơi nông sản.
* Khó khăn: khó khăn lớn nhất cho sản xuất nông nghiệp là sự phân biệt rõ rệt giữa hai mùa (mùa khô và mùa mưa).
- Sự phân bố ngày mưa và lượng mưa không đều giữa hai mùa, hơn nữa cường độ mưa đầu mùa lớn, do đó tổn thất về xói mòn đất và nước là rất cao, bên cạnh đó về mùa mưa còn có xảy ra lũ quét cục bộ, phá hoại mùa màng các công trình xây dựng và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
II. Tài nguyên:
1. Đất đai:
Theo kết quả điều tra đất trên bản đồ tỷ lệ 1/25.000 huyện Kbang năm 1978 của Viện QH&TKNN và điều tra bổ sung hoàn chỉnh bản đồ đất tỷ lệ 1/100.000 toàn tỉnh Gia Lai năm 2005 của phân viện QH&TKNN Miền Trung. Xã Kông Bơ La có 2 nhóm đất chính, với 3 loại đất: diện tích, phân bố, đặc điểm các loại đất của xã như sau:
1.1. Nhóm đất xám:
* Đất đỏ vàng: Diện tích 413,6 ha chiếm 10,07% tổng diện tích tự nhiên, phân bố ở địa hình cao, dốc làm cho khả năng sản xuất nông nghiệp có hạn chế; một số chân đất có độ dốc nhỏ, tầng đất dày có thể sử dụng trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và hoa màu. Hiện nay, diện tích đất đỏ vàng trên Mắcma axít của xã chủ yếu là đất đồi núi chưa sử dụng và đất rừng sản xuất, một phần nhỏ khai thác vào sản xuất nông nghiệp (chủ yếu làm nương rẫy), một phần được bố trí dân cư và xây dựng hạ tầng.
* Đất nâu tím trên đá Bazan (Ft): diện tích có 3.647,41 ha, chiếm 88,84% diện tích tự nhiên. Đây là loại đất tốt, thích hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là các loại cây công nghiệp ngắn ngày như cây Mía. Hiện nay, một phần diện tích được khai thác trồng cây ăn quả, dâu, gấc, sả Java, một số loại cây hoa màu khác và bố trí dân cư xây dựng cơ sở hạ tầng, phần lớn là diện tích trồng cây nông nghiệp.
1.2. Sông suối mực nước nước chuyên dùng (MNCD):
Diện tích có 35,47 ha, chiếm 0,8% diện tích tự nhiên.
2. Đất lâm nghiệp:
Theo số liệu thống kê năm 2014 xã Kông Bờ La có tổng diện tích đất lâm nghiệp của xã có 191,88 ha, chiếm  4,6% tổng diện tích tự nhiên của toàn xã; trong đó: Đất có rừng sản xuất là 191,88 ha, rừng của xã Kông Bơ La rất có giá trị về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.
Diện tích rừng sản xuất và mật độ che phủ tương đối, nên môi trường của xã khá trong sạch. Hiện môi trường đất, nước, không khí trên địa bàn xã chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm. Tuy nhiên mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã trong tương lai cần quan tâm đặc biệt tới vấn đề bảo vệ môi trường.
3. Mặt nước:
Hiện nay chưa có điều tra chính xác, nhưng qua điều tra sơ bộ nguồn nước ngầm của xã có trữ lượng khá lớn, phân bố ở khá sâu.
Xã Kông Bơ La gồm 2 nguồn nước chính (nước mặt và nước ngầm) tương đối phong phú. Nước mặt chủ yếu phân bố trên các nhánh suối nhỏ trong xã, nhưng do đặc điểm địa hình miền núi và khí hậu khắc nghiệt cùng với chế độ mưa tập trung, nên mùa khô thường thiếu nước, mùa mưa lại thừa nước.
4. Đánh giá lợi thế phát triển dựa trên tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên của xã:
Xã Kông Bơ la nằm trên trục đường đi qua các xã phía Nam huyện  rất có lợi thế trong việc giao lưu trao đổi, mua bán hàng hóa. Là một xã có tài  nguyên đa dạng và phong phú.
Về tài nguyên đất: đây là vùng đất tương đối bằng phẳng, độ phì còn cao,  rất phù hợp để sản xuất nông nghiệp nhất là cây công nghiệp ngắn ngày như Mía, cây thực phẩm, rau đậu các loại, có khả năng xây dựng vùng chuyên sản suất rau xanh an toàn sinh học để cung cấp cho huyện. Bên cạnh đó có điều kiện phát triển chăn nuôi Bò thịt chất lượng cao và phát triển chăn nuôi Heo lai kinh tế và gia cầm các loại.
Về Tài nguyên Rừng: Rừng tuy không lớn nhưng có vai trò rất to lớn trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước ngầm.
Về Tài nguyên nước: Xã có mặt nước ngầm khá dồi đào, phục vụ tốt cho việc đào giếng cung cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân trong vùng.
III. Nhân lực:
 Đến cuối năm 2018 dân số của xã có 3.422 nhân khẩu với 839 hộ, phân bố ở 6 thôn, làng. Trong đó dân tộc kinh 359 hộ, 1.350 khẩu chiếm 42,79%, dân tộc Bana 473 hộ, 2.041 khẩu chiếm 56,38%, dân tộc khác 7 hộ, 31 khẩu,  chiếm 0,83%. Tỷ lệ tăng tự nhiên của xã là 1,4%.
Dân số của xã được phân bố ở 6 thôn làng, theo các trục đường giao thông và các khu sản xuất. Về tình hình nhân lực của xã: đây là nguồn lực quan trọng trong việc tạo động lực nhằm thức đẩy kinh tế - xã hội của xã phát triển nhanh và bền vững; tỷ lệ lao động trong độ tuổi cao, chủ yếu lao động ngành nghề nông nghiệp phần lớn đã qua tập huấn và đào tạo kỹ năng trong các biện pháp canh tác. Nông dân đã mạnh dạng áp dụng một số tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất có hiệu quả góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tăng năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Tuy nhiên bên cạnh đó một bộ phận nông dân, nhất là lao động người dân tộc thiểu số chưa qua đào tạo, chậm tiếp thu áp dụng các giống cây, con mới, một số hộ thiếu lao động, thiếu kinh nghiệm trong sản xuất, vì vậy năng suất lao động đạt thấp.
IV. Đánh giá tiềm năng của xã:
Về tiềm năng đất đai: Với quỷ đất nông nghiệp không lớn, độ phì nhiêu tương đối cao, với các điều kiện về tự nhiên như: nhiệt độ, ánh sáng, lượng mưa rất phù hợp để phát triển một số cây trồng có nguồn gốc nhiệt đới có gía trị hàng hóa cao như Mía, các loại cây tinh bột (Mỳ); Bắp, Rau các loại (Ớt )…; đồng thời phù hợp phát triển chăn nuối gia súc nhất là phát triển Đàn Bò sinh sản, Heo lai kinh tế, chăn nuôi gia cầm các loại…và phát triển trồng rừng kinh tế;
 Về truyền thống văn hóa, là xã có truyền thống cách mạng trong 02 cuộc kháng chiến chống pháp và chống Mỹ; ngày nay có truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc cùng chung sống trên địa bàn xã và gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc đã vượt qua khó khăn thách thức trong lao động và cuộc sống để phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
V. Văn hóa, di tích của xã:
Toàn xã có 6 thôn, làng với 839 hộ, 3.422 khẩu với 9 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống (gồm: Kinh, Bahnar, Tày, Nùng, Mường, Thổ, Jarai, Êđê, Dao). Trong đó dân tộc kinh 359 hộ, 1.350 khẩu chiếm 42,79%, dân tộc Bana 473 hộ, 2.041 khẩu chiếm 56,38%, dân tộc khác 7 hộ, 31 khẩu,  chiếm 0,83%. Nên rất đa dạng về các bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là người đồng bào dân tộc Bana luôn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện nay, trên địa bàn xã có 9 đội cồng chiêng, trên 70 bộ cồng chiêng.
Trên địa bàn xã có 01 Nhà văn hóa xã, 4 nhà văn hóa thôn, 6 nhà rông văn hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTT&DL. Các nhà rông văn hóa luôn được bà con trong làng giữ gìn, bảo vệ và tôn tạo hàng năm, là nơi để mọi người dân trong làng tổ chức các kỳ họp làng, sinh hoạt, văn nghệ, lễ cúng làng,…và là nơi trưng bày những thành tích đạt được trong các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục tể thao và lưu giữ các giá trị văn hóa như cồng chiêng.
Trong những năm qua xã thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con trong thôn, làng giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống vốn có của dân tộc như: Lưu giữ và bảo tồn cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm, truyền cho con cháu, thế hệ trẻ cách đánh cồng chiêng để giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào Tây Nguyên.