No Slider camera item document in target location!

CHUYÊN MỤC

DỊCH BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG.

(ngày đăng bài: 10/06/2021)
Hiện nay bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò đang lây lan trên địa bàn tỉnh Gia Lai và các tỉnh lân cận như Bình Định, Kom tum. Bệnh viêm da nổi cục còn được gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại virrus gây ra trên trâu, bò. Virrus viêm da nổi cục không lây nhiễm và không gây bệnh trên người. Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh.

1.Triệu chứng của bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò:
Trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu : Sốt cao, có thể trên 41độ C, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu. Giảm khả năng tiết sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt (hạch trước vai, hạch sau đùi).
Hình thành các nốt sần có đường kính từ 2 - 5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới.
Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng; để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn.
Các mụn nước, vết hoại tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng và đường tiêu hóa cũng như trong khí quản và phổi.
Chân và các bộ phận vùng bụng khác của cơ thể, như bao da, ức, bìu và âm hộ, có thể bị tiết dịch, khiến con vật không muốn di chuyển.
Trâu bò sau khi mắc bệnh: Bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời. Bò mang thai có thể sảy thai và động dục trong vài tháng.
Một số động vật bị bệnh không biểu hiện triệu chứng nhưng mang virus trong máu và có thể truyền bệnh cho động vật khỏe thông qua côn trùng hút máu.
2. Cách thức phòng chống:
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh Viêm da nổi cục, các biện pháp phòng bệnh chính bao gồm chủ động giám sát để kịp thời phát hiện sớm các trường hợp trâu, bò mắc bệnh, cách ly trâu, bò mắc bệnh và tiêm phòng cho đàn trâu, bò. Người chăn nuôi cần thực hiện đầy đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, cụ thể như sau:
Chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y.
Định kỳ tẩy giun sán cho đàn trâu bò. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn trâu bò như: vắc xin Tụ huyết trùng trâu bò, vắc xin LMLM trâu bò, đặc biệt là vắc xin viêm da nổi cục trâu bò theo khuyến cáo của cơ quan thú y.
Thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi (máng ăn, máng uống), phương tiện vận chuyển. Có biện pháp để tiêu diệt các loài vật chủ trung gian truyền bệnh  như: ruỗi, muỗi, ve, mòng và các loại côn trùng hút máu khác,… tại khu vực chuồng nuôi.
Chăm sóc, nuôi dưỡng tốt; đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho đàn trâu bò.
Giám sát chặt chẽ đàn trâu bò trong quá trình chăn nuôi. Khi phát hiện trâu, bò nghi mắc bệnh cần báo cáo ngay cho Cơ quan Thú y và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Để công tác phòng, chống bệnh viêm da nổi cục đạt kết quả tốt cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, nhất là ý thức chủ động, chấp hành pháp luật về chăn nuôi, thú y của người chăn nuôi, để tiến tới xây dựng một ngành chăn nuôi bền vững, an toàn./.
 
CC VHXH Vũ Anh Tuấn