CHUYÊN MỤC

ttgd.png
Sau 45 năm giải phóng, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng trong hai cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Krong đã chung sức, chung lòng, khắc phục khó khăn, từng bước xây dựng quê hương cách mạng giàu đẹp.
1. Về kinh tế
Kinh tế trên địa bàn xã có bước phát triển khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng nông – lâm nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 26 triệu đồng/người/năm. 
1.1. Về phát triển nông – lâm nghiệp
Tổng diện tích gieo trồng 3.451,5 ha. Tổng sản lượng lương thực 6.684 tấn (Trong đó, thóc 1.037 tấn). Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi phù hợp, giảm diện tích cây lương thực không hiệu quả, xây dựng các vùng chuyên canh cây công nghiệp như mắc ca, cà phê, tiêu, mía, mỳ; triển khai trồng rừng như keo, bời lời,… đối với vùng đất dốc nhằm tăng hiệu quả và thu nhập. Quan tâm xây dựng có hiệu quả các mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Công tác chăn nuôi, thú y, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được quan tâm. Tổng đàn gia súc, gia cầm được duy trì ổn định. Đến nay, tổng đàn gia súc là 4.212 con, trong đó, đàn bò 2.572 con, tỷ lệ bò lai đạt 70%.
Công tác trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng được chú trọng. Thực hiện hỗ trợ trồng rừng cho các hộ, giai đoạn 2015 – 2020 trồng rừng 277 ha. Thực hiện nhận khoán, quản lý, bảo vệ 8.550,65 ha rừng, thường xuyên phối hợp với các công ty lâm nghiệp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quy  định về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
1.2. Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao; kết cấu hạ tầng giao thông thuận lợi. Đến hết năm 2019, xã đã hoàn thành 11/19 tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu đến hết năm 2020 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
1.3. Về thương mại - dịch vụ
Ngành thương mại – dịch vụ trong xã có chiều hướng phát triển ở khu vực trung tâm xã và một số làng; hàng hóa đa dạng và phong phú, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Đến nay, toàn xã có 50 hộ kinh doanh các loại hình thương mại, dịch vụ.
1.4. Thu chi ngân sách và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn
Thực hiện đồng bộ các biện pháp thu ngân sách, khai thác tốt các nguồn thu. Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt so với chỉ tiêu giao. Điều hành công tác chi ngân sách linh hoạt gắn với thực hiện tiết kiệm chi ngân sách, đảm bảo nguồn chi cho hoạt động của cả hệ thống chính trị nhất là chi cho con người và chi cho đầu tư phát triển.
Công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn được chú trọng. Hiện nay, trên địa bàn xã hầu hết các tuyến đường giao thông liên xã, đường từ xã đến các làng được cứng hóa, bộ mặt nông thôn được thay đổi rõ nét, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, nâng cấp, thuận lợi cho người dân trong sản xuất và sinh hoạt.
1.5. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, xây dựng, môi trường
Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản được quan tâm thực hiện. Triển khai tốt công tác rà soát, quản lý quỹ đất công, xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Cấp giấy chứng nhậ quyền sử dụng đất lần đầu cho nhân dân hàng năm được quan tâm thực hiện. Chỉ đạo hoàn thành hỗ trợ thiếu đất sản xuất cho 19 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo chương trình 2085 với diện tích 16,4 ha, góp phần quan trọng giải quyết tư liệu sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Công tác quản lý nhà nước về xây dựng được quan tâm.
Công tác quản lý khoáng sản từng bước đi vào nề nếp. Trên địa bàn xã có 01 mỏ cát được tỉnh cấp phép hoạt động.
Chỉ đạo giải quyết, ngăn chặn vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn. Tổ chức thực hiện các chiến dịch, hoạt động cao điểm vệ sinh môi trường. Chỉ đạo kiểm tra, giám sát và lồng ghép các chương trình dự án hỗ trợ các hộ chăn nuôi xử lý chất thải trong chăn nuôi, qua đó, hạn chế ô nhiễm môi trường khu dân cư.
2. Về văn hóa – xã hội
2.1. Về văn hóa – thông tin – thể thao
Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa, gìn giữ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, như: Không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào Bahnar, các lễ hội, nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đến nay, toàn xã có 76,9% gia đình văn hóa, 08/10 làng đạt khu dân cư văn hóa.
Hoạt động của Đài truyền thanh xã được duy trì, trang thông tin điện tử xã cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân và phục vụ tốt công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị xã.
2.2. Công tác giáo dục, đào tạo
Cơ sở vật chất các trường học được quan tâm đầu tư, nâng cấp, tỷ lệ phòng học kiên cố theo chuẩn giáo dục đạt 100%. Chất lượng giáo dục được nâng lên; duy trì và củng cố phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở; duy trì sỹ số học sinh hàng năm đạt 96,8%; kết quả xét tốt nghiệp trung học cơ sở, tiểu học hàng năm đều đạt chỉ tiêu. Đến nay, xã chưa có đơn vị trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
2.3. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, dân số
Cơ sở vật chất, trang thiết bị Trạm y tế được quan tâm đầu tư; trình độ và thái độ phục vụ người bệnh của đội ngũ y, bác sỹ Trạm y tế xã được nâng lên; mạng lưới y tế từ xã đến làng được củng cố. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, phòng chống dịch bệnh có nhiều tiến bộ, không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn 27,53%, xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2015 – 2020.
Tích cực triển khai thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo hiểm y tế đến các đối tượng thuộc diện tham gia, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách. Đến nay, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%.
Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về dân số, kế hoạch hóa gia đình, quy mô dân số trên địa bàn phát triển ổn định, chất lượng dân số được nâng lên. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,23 %.
2.4. Công tác giảm nghèo, định canh, định cư, giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách xã hội
Công tác giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đưa vào chương trình, kế hoạch hành động của cấp ủy, chính quyền. Hàng năm, UBND xã ban hành kế hoạch, phân công phụ trách giúp đỡ các hộ thoát nghèo; vận động nhân dân, nhất là người Bahnar vay vốn để phát triển sản xuất. Nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã, 100% hộ nghèo, cận nghèo có đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế. Hiện nay, xã Krong có 194 hộ nghèo với 830 khẩu, tỷ lệ 14,39% , 270 hộ cận nghèo với 1.238 khẩu, tỷ lệ 20,03%. Không có hộ gia đình chính sách, người có công thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Kết quả điều tra thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 26 triệu đồng/người/năm.
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm thực hiện các chính sách xã hội, chăm sóc người có công, trợ giúp khó khăn. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, giúp đỡ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm thực hiện có hiệu quả, được đông đảo nhân dân ủng hộ. Riêng giai đoạn 2015 -2020, đã làm mới 19 căn nhà cho 19 đối tượng người có công. Các đối tượng bảo trợ xã hội như trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi,… được thực hiện đúng đối tượng và chế độ chính sách của nhà nước. Triển khai các đề án, kế hoạch về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, triển khai cho người dân tiếp cận, định hướng tham gia làm công nhận, xuất khẩu lao động.
Công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em; công tác gia đình, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đạt kết quả tích cực. Chính sách dân tộc được quan tâm; tự do tín ngưỡng, tôn giáo được đảm bảo.
3. Về quốc phòng – an ninh
3.1.Công tác quốc phòng, quân sự địa phương
Quan tâm xây dựng và kiện toàn lực lượng dân quân vững mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân trong tình hình mới. Chỉ đạo duy trì nghiêm túc chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu, tìm kiếm cứu nạn, quyết tâm tác chiến phòng thủ. Hàng năm, làm tốt công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ. Thực hiện tốt công tác xây dựng lực lượng dân quân, dự bị động viên; thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng huấn luyện. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội và chính sách tồn đọng sau chiến tranh, đảm bảo chặt chẽ, dân chủ, đúng nguyên tắc. Triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới.
3.2. Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội 
Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn được giữ vững; thường xuyên, chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết có hiệu quả các vấn đề phức tạp, nảy sinh trên địa bàn, bảo vệ an toàn các dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, tỉnh, huyện. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với tăng cường, củng cố lực lượng công an xã đấu tranh có hiệu quả các hoạt động tôn giáo trái pháp luật; tăng cường công tác quản lý với việc đầu tư, cho thuê đất, vay lãi cao tại các làng đồng bào Bahnar.
Thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn xã. Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm xã, Ban điều hành mô hình làng tự quản về an ninh trật tự, đi vào hoạt động hiệu quả. Các vụ việc vi phạm được phát hiện và xử lý nghiêm. Kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông. Triển khai đồng bộ cho các cơ quan, đơn vị, các làng thực hiện đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự theo Thông tư 23/TT-BCA của Bộ Công an. Hàng năm, xã và các đơn vị được công nhận đạt chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”.