CHUYÊN MỤC

Phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư

(ngày đăng bài: 12/02/2023)
Những năm qua, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn xã đã từng bước đi vào chiều sâu, đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Hương ước, quy ước được hình thành trong quá trình phát triển lâu dài của mỗi cộng đồng dân cư; là tri thức dân gian được tích lũy, đúc kết từ nhiều thế hệ, không ngừng được bổ sung hoàn thiện và trở thành văn bản quy phạm xã hội, trong đó quy định các quy tắc ứng xử do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội của Nhân dân. Bởi vậy, dù ở thời đại nào thì hương ước, quy ước cũng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và Chỉ thị 24/1998/CT-TTg với chủ trương “khuyến khích xây dựng và thực hiện các hương ước, các quy chế về nếp sống văn minh ở các thôn, xóm” đã trở thành nền móng cho việc xây dựng hệ thống thể chế về hương ước, quy ước, hạt nhân là “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Trên thực tế, những năm qua nhờ phát huy vai trò của hương ước, quy ước mà phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn đã có những chuyển biến theo hướng tích cực: 9/9 thôn, làngđã được công nhận làng văn hoá,và được duy trìtừ khi được công nhận cho đến nay; tỷ lệ gia đình văn hoá hàng năm đạt từ 80% trở lên, năm 2022 là 87%; Sự du nhập của một số đồng bào dân tộc phía bắc vào sinh sống tại địa phương đến nay vẫn giữ được nguyên những giá trị văn hóa đặc sắc và độc đáo của đồng bào dân tộc mình. Đó, là những phong tục tập quán như tục thờ cúng tổ tiên, đám cưới, ma chay...; địa bàn xã có 4 thôn, làng mới được sáp nhập và đa thành phần dân tộc như Kinh, HMông, Mường, Tày, Bahnar,…. nhưng dường như nhân dân không phân biệt dân tộc; phát huy tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế; có hộ làm nông nghiệp, lúa nước thì đổi công,làm nhà mới thì có người giúp gỗ, người góp công,... Uy tín của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và trưởng thôn, làng được nâng lên, góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước
Có được kết quả đó là nhờ việc phát huy vai trò tự quản của cộng đồng tham gia vào việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Trên cơ sở các hương ước, quy ước sửa đổi đã được UBND huyện quyết định có hiệu lực thi hành; hàng năm UBND xã tích cực chỉ đạo thôn thực hiện sửa đổi, bổ sung vào hương ước các nội dung về văn hóa ứng xử, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, những quy định không còn phù hợp sẽ được thay thế bằng những nội dung mới phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại, văn minh. Từ đó, ý thức cộng đồng, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cũng như sự gắn bó, tình làng, nghĩa xóm ở từng khu dân cư được vun đắp và khơi dậy; các tập quán, hủ tục trong cưới xin, ma chay giảm hẳn. Người dân ngày càng ý thức hơn trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thời gian qua, cũng nhờ việc quan tâm xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, mà tại thôn 1, không chỉ đời sống kinh tế của người dân ngày càng khấm khá, mà các phong trào văn hóa, văn nghệ cũng sôi nổi hơn, tình làng, nghĩa xóm ngày càng thêm bền chặt. Bà Hoàng Thị Huyền- trưởng thôn 1 cho biết: Hương ước, quy ước của thôn hiện nay gồm 3 chương, 19 điều. Trong đó, ngoài những quy định chung thì hương ước, quy ước của thôn cũng đề ra những quy định về phát triển kinh tế; xây dựng đời sống văn hóa, vệ sinh môi trường. Hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế, thôn đều chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp. Hương ước thôn không chỉ bảo đảm bình đẳng về quyền lợi cho người dân mà còn giúp người dân nhận thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thắt chặt tinh thần đoàn kết, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, trật tự xã hội...
Không chỉ ở thôn 1  mà cả 9/9 thôn tại xã đều công khai hương ước tại Nhà văn hoá, nhà rông của thôn, làng , vai trò của hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa ngày càng được phát huy. Hàng năm, UBND xã đã chỉ đạo các thôn, hướng dẫn khu dân cư rà soát sửa đổi, bổ sung quy ước, hương ước cho phù hợp với quy định chung và tình hình thực tế. Quá trình sửa đổi, bổ sung của các thôn đều được tổ thẩm định của xã xem xét, tư vấn kỹ lưỡng, vừa bảo đảm tính kế thừa, vừa có sự bổ sung, điều chỉnh, loại bỏ những nội dung không phù hợp. Để người dân địa phương tích cực hưởng ứng và tự giác chấp hành, xã đã tiến hành đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, vận động, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu để quần chúng noi theo. Nhờ đó, các hoạt động, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở xã ngày càng sôi nổi, phong phú, được đông đảo bà con tham gia. Công tác vệ sinh môi trường được quan tâm thực hiện, đường làng, ngõ xóm, cảnh quan ngày càng thông thoáng, sạch đẹp.
Có thể thấy, cùng với hệ thống pháp luật, hương ước, quy ước đang trở thành công cụ hữu hiệu để quản lý, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Chính vì thế, để phát huy hơn nữa vai trò của hương ước, quy ước bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân hiểu được vai trò, vị trí của hương ước, quy ước, thì cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với đặc điểm tình hình của mỗi cộng đồng dân cư. Trong quá trình điều chỉnh, bổ sung cần phải chú trọng tuân thủ nguyên tắc đảm bảo tính dân chủ, huy động được sự tham gia rộng rãi của cộng đồng dân cư và tôn trọng đúng mức ý kiến của những người có uy tín ở địa phương. Đồng thời, cần kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước với bình xét, công nhận, khen thưởng các danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Thanh Lan