CHUYÊN MỤC

Hiệu quả từ nhà văn hóa thôn

(ngày đăng bài: 24/10/2017)
(GLO)- Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Nghĩa An (huyện Kbang) luôn quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa, đặc biệt là xây dựng nhà văn hóa (NVH) ở các thôn, làng để nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Huy động sức dân

Ông Nguyễn Văn Thảo-Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, cho biết: Việc xây dựng NVH là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo điều kiện cho các thôn, làng có địa điểm hội họp, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như tạo không gian sinh hoạt văn hóa, văn nghệ nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân trên địa bàn. Do đó, xã đã chỉ đạo các thôn, làng dành riêng quỹ đất để xây dựng NVH; đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia hiến đất, đóng góp công sức, vật chất xây dựng NVH.
Điều đáng nói là dù còn khó khăn nhưng người dân rất ủng hộ việc đóng góp xây dựng NVH, điển hình là thôn 3. Nhận thức được mục đích và ý nghĩa của việc này, người dân trên địa bàn đã rất tích cực trong giải phóng mặt bằng, đóng góp vật chất, công sức xây dựng. Ông Huỳnh Thanh-Trưởng thôn 3, cho biết: “Do nhiều hộ còn khó khăn nên chúng tôi huy động đóng góp theo 2 đợt và được người dân ủng hộ. Nhờ đó, quá trình xây dựng NVH diễn ra thuận lợi và đến cuối năm 2012, NVH của thôn cũng hoàn thành với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 70 triệu đồng và 15 ngày công”.


Ngoài thôn 3, người dân ở các thôn, làng khác cũng rất tích cực tham gia xây dựng NVH. Theo đó, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, từ năm 2012 đến nay, người dân đã đóng góp được 400 triệu đồng cùng 150 ngày công và 1.500 m2 đất xây dựng 5 NVH mới với kinh phí xây dựng mỗi nhà từ 300 triệu đồng đến 350 triệu đồng; đồng thời sửa chữa 2 nhà rông của làng Kuao và làng Lợt. Đặc biệt, các nhà rông, NVH của các thôn, làng được xây mới, mở rộng từ 450 m2 đến 600 m2 với sức chứa từ 200 đến 250 chỗ ngồi, tạo thuận lợi cho các thôn, làng khi tổ chức các cuộc họp cũng như các hoạt động phong trào.

Phát huy hiệu quả sử dụng

Để phát huy hiệu quả sử dụng NVH các thôn, làng trên địa bàn, xã Nghĩa An đã vận động người dân đóng góp kinh phí mua thêm dàn âm thanh loa đài. Ông Đinh Thắng-Trưởng thôn Kuao cho biết: “Từ khi nhà rông được sửa chữa rộng rãi, người dân trong làng hào hứng đi họp nên việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước được kịp thời, người dân thực hiện hương ước của làng tốt hơn. Bên cạnh đó, các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội cũng từng bước được xóa bỏ. Tình hình an ninh trật tự được giữ vững, người dân đoàn kết và biết giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn”.

Anh Nguyễn Binh (thôn 3) bày tỏ: “Trước đây, thôn phải mượn nhà dân hoặc trường học để tổ chức hội họp. Từ khi có NVH, việc tổ chức các buổi hội họp, sinh hoạt thuận lợi hơn, không còn lo sợ mưa gió nữa. Đặc biệt, không chỉ được tiếp thu các chủ trương, đường lối của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước một cách đầy đủ, rõ ràng, chúng tôi còn được tham gia các hội thảo, các mô hình phát triển kinh tế để có thêm kinh nghiệm sản xuất và tham gia nhiều hội thi, chương trình giao lưu để nâng cao đời sống tinh thần”.

Trao đổi với P.V, anh Nguyễn Văn Tấn-Trưởng ban Văn hóa xã Nghĩa An, cho biết: Hiệu quả nhận thấy rõ nhất là bà con đã tích cực hơn trong tham gia các cuộc họp, sự kiện của thôn, làng. Do đó, việc tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực xây dựng đời sống văn hóa đạt hiệu quả cao hơn. Đến cuối năm 2016, toàn xã có 6/7 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa; 687/952 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Tuy nhiên, hiện nay NVH của làng Kuao và làng Lợt chưa có dàn âm thanh, loa đài. “Vì vậy, tôi mong các cấp, các ngành hỗ trợ để NVH của 2 làng hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời, hỗ trợ thêm tủ sách để bà con được tìm hiểu các kiến thức về pháp luật, kinh nghiệm sản xuất, quản lý con em trong gia đình; cần có thêm chính sách đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ ở các thôn, làng để phát huy vai trò của các đoàn thể trong tập hợp quần chúng”-anh Tấn đề xuất.