CHUYÊN MỤC

Nghĩa An: Khẩn trương triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới

(ngày đăng bài: 03/08/2020)
           Thưa quý bà con nhân dân! Mấy ngày này trên địa bàn xã Nghĩa An đã xuất hiện các đợt mưa lớn kèm theo gió mạnh, để có thể ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão một cách an toàn, ngoài sự phối hợp với cơ quan chức năng, các hộ dân trong vùng nguy cơ bị ảnh hưởng của mưa bão cũng nên chủ động chằng chống nhà cửa. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Nghĩa An khẩn trương triển khai công tác một số cách thức hiệu quả về kỹ năng chằng chống, gia cố nhà cửa và các biện pháp phòng, chống với điều kiện khí hậu cực đoan, hi vọng có thể giúp quý bà con nhân dân chủ động hơn trong công tác phòng chống với các tình huống xấu, cụ thể:
 
atnd_ndsf_thumb.gif

          *Những việc làm để ứng phó với lũ quyét
        Người dân cần luôn luôn cảnh giác khi có dấu hiệu của lũ quyét, nhất là khi có mưa lớn kéo dài (kể cả ngày đêm); Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo mưa, lũ quyét (bao gồm cả khu vực thượng lưu) trên mọi phương tiện như tivi, loa, đài, internet,…;Thông báo cho Chính quyền và những người xung quanh khi có dấu hiệu lũ quyét; Tránh xa các khu vực có nguy cơ lũ quyét, không được lội qua song, suối, ngầm tràn, đường bị ngập,…; Sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của Chính quyền địa phương, an toàn tính mạng là quan trọng nhất; Chạy thật nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm đến khu vực, vị trí cao hơn.
         *Những việc không nên làm khi lũ quyét sảy ra
        Hạn chế đi lại qua sông, suối, không đi gần khu vực cầu, cống khi nước đang lên dòng chảy mạnh; Không được đánh cá, vớt củi, bơi lội qua sông, suối khi có mưa lớn hoặc thấy có dấu hiệu bất thường như hiện tượng nước đang trong chuyển sang đục dần; Không lội xuống nước khi thấy dây điện hoặc cột điện bị đổ xuống nước.
        Những việc người dân cần làm để ứng phó với sạt lở đất
       Theo dõi thông tin cảnh báo lũ quyét, sạt lỡ đất. Thông báo cho chính quyền và những người xung quanh khi có tính hiệu; Sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của Chính quyền địa phương, cần bảo vệ tính mạng trước tiên; Chạy nhanh khỏi nơi nguy hiểm khi nghe hoặc nhận thấy tiếng động lớn hoặc dấu hiệu không bình thường.
        *Những việc không nên làm khi sạt lỡ đất
         Không được đi qua và lại gần khu vực sạt lỡ đất; Không được đánh cá, vớt củi, bơi lội qua sông, suối khi có mưa lớn hoặc thấy có dấu hiệu bất thường như hiện tượng nước đang trong chuyển sang đục dần; Không được đi gần khu vực cầu, cống khi nước chảy đang lên, dòng chảy mạnh.
        Ngoài ra, để hạn chế những thiệt hại do bão gây ra, đối với nhà ở trước khi bão đến bà con nên có biện pháp phòng chống tốc mái và đổ nhà:
       Giảm thiểu tốc mái bằng bao cát: Đối với nhà có độ dốc mái lớn, dùng các bao cát đóng lỏng có trọng lượng từ 15 - 20kg, nối với nhau bằng dây và đặt vắt qua mái nhà sao cho các bao cát nằm sát trên đầu tấm lợp hoặc mép tiếp giáp của các tấm lợp. Khoảng cách giữa các bao cát là 1,5m ở vùng giữa mái và 1m ở phần mép mái. Đối với nhà có độc dốc mái nhỏ, làm tương tự như trên nhưng không cần dùng dây nối các bao cát với nhau.
        Giảm thiểu tốc mái tôn, fibroximang bằng thanh nẹp: Đặt lên mái các thanh nẹp cách nhau khoảng từ 1,5 - 2m tại mép chồng lên hai tấm lợp. Đục lỗ tại các đỉnh mút tấm lợp, dùng thép đường kính 2mm buộc thanh nẹp vào xà gồ, đòn tay. Dùng vữa xi măng hoặc keo chống dột để bít lỗ đục tấm lợp.
     Giảm thiểu tốc mái, đổ mái bằng giằng chữ A kết hợp dây neo xuống đất: Với mái nhà tôn, fibroximang, đặt các thanh chặn ngang bằng cây, gỗ, thép lên mái cách nhau khoảng 1m. Đặt tiếp các giằng chữ A, đỉnh chữ A nằm tại nơi tiếp giáp giữa hai mái nhà, cách nhau khoảng 2,5m lên thanh chặn. Cột chặt thanh chặn và thanh giằng bằng dây thép hoặc các loại dây khác, sau đó dùng dây thép hoặc dây thừng, chão neo giằng chữ A vào các cọc cây đóng sâu xuống đất từ 1 - 1,5m.
         Bịt kín cửa và các khe hở chống gió lùa vào nhà: Cài chặt chốt cửa ra vào, cửa sổ neo cửa bằng đòn cây vào từng nhà để phòng gió lùa làm bung cửa. Dán cửa kính bằng băng keo bản rộng để giảm thiểu vỡ kính. Bịt các khe hở giữa đỉnh tường và mái, những lỗ thông gió trên tường, đầu hồi và trên cửa.
Hi vọng, với những định hướng trong công tác phòng, chống thiên tai và những biện pháp ứng phó với các điều kiện thời tiết cực đoan mà Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Nghĩa An cung cấp sẽ phần nào hỗ trợ được người dân trong việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới sắp tới./.
Hoàng Oanh