|
III. Thông tin về địa giới hành chính, điều kiện tự nhiên, văn hóa, di tích...:
1. Điều kiện tự nhiên: Xã Sơn Lang được thành lập từ 01/02/1985, xã Sơn Lang nằm về phía Đông Bắc của huyện KBang và cách trung tâm huyện khoảng 30 km. Nằm ở tọa độ địa lý: từ 108o37’45” đến 108o41’10” kinh Đông và từ 14o 04’ 47” đến 14o 50’ 03” vĩ Bắc. Tứ cận như sau:
Phía đông giáp huyện Vĩnh Thạnh – tỉnh Bình Định. Phía Tây giáp xã Đăk Rong. Phía Nam giáp xã Sơ Pai. Phía Bắc giáp huyện Ba Tơ – tỉnh Quảng Ngãi.
Tổng diện tích tự nhiên của toàn xã: 33.616,2 ha. Diện tích đất nông nghiệp 32297,6 ha trong đó: đất sản xuất nông nghiệp là 3411,6 ha, đất lâm nghiệp có diện tích 28882,0; đất phi nông nghiệp 1137,01 ha, còn lại là các diện tích đất khác.
Khu trung tâm xã Sơn Lang có đường quốc lộ Trường Sơn đi qua, là trục giao thông chiến lược của khu vực nói chung và xã Sơn Lang nói riêng. Đây là điều kiện thuận lợi cho xã Sơn Lang phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất hàng hoá và mở rộng thị trường, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
2. Điều kiện kinh tế - xã hội:
Tổng dân số: 1209 hộ với 4401 khẩu, trong đó: hộ nghèo: 85 hộ chiếm 7,03%, hộ nghèo người DTTS: 66 hộ = 11,07 %; hộ cận nghèo: 216 hộ, chiếm 17,87%, hộ cận nghèo là người DTTS 151 hộ= 25,34%
Xã Sơn Lang được chia thành 03 thôn và 06 làng, Thôn xa nhất cách trung tâm xã 17 km. Dân số chủ yếu phân bố theo trục đường 669 chạy dọc theo địa hình của xã từ Nam và hướng Bắc. Nhân dân chung sống bằng lao động sản xuất nông nghiệp là chủ yếu số hộ trực tiếp lao động sản xuất chiếm 85% chủ yếu trồng cà phê, lúa nước và một số cây nông nghiệp khác, thương mại dịch vụ chiếm 15 % chủ yếu là kinh doanh buôn bán nhỏ.
Các dân tộc thiểu số ở địa phương có những phong tục, tập quán và những nét văn hóa tín ngưỡng đặc trưng riêng, Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã tạo sự chuyển biến về nhận thức Nhân dân trên địa bàn xã từng bước xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu mê tín, dị đoan... nhất là trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt nếp sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh làng xanh, sạch, đẹp. Đồng bào dân tộc đã đồng thuận, từng bước cải tiến những hủ tục, xây dựng tập tục theo nếp sống mới, làm cho đời sống văn hoá của đồng bào ngày càng tiến bộ. Nhiều hủ tục trong việc cưới, việc tang và lễ hội giảm rõ rệt, hình thành các chuẩn mực của nếp sống văn minh. Các nghi lễ trong việc cưới hỏi, tang ma, lễ hội đều được thực hiện trên tinh thần tiết kiệm, lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
Trên địa bàn xã có 02 công ty TNHH MTV LN (Hà Nừng, Trạm Lập) và 01 khu bảo tồn thiên nhiên (Kon Chư Răng). Ngoài ra xã Sơn Lang còn có hệ thống suối và ao hồ được phân bố khá đều; suối hồ ở đây không chỉ là nơi cung cấp nước phục vụ đời sống, sản xuất mà còn tạo nên những ngọn thác nước đẹp như thác 50, Đập tràn Thủy điện Vĩnh Sơn, … có tiềm năng du lịch và thuỷ điện khá lớn.
Uỷ ban nhân dân xã đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng bộ xã.
Tập trung làm tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển giao thông nông thôn. Động viên, chỉ đạo, tạo điều kiện cho các hộ phát triển kinh tế hộ gia đình. Đẩy mạnh công tác truyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, Pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực kinh tế, văn hóa – Xã hội;
Quản lý và chỉ đạo đội ngũ cán bộ thực hiện nghiêm quy chế làm việc và chế độ công chức cấp xã, tích cực học tập rèn luyện, năng động, sáng tạo, đoàn kết nâng cao hiệu quả làm việc, lắng nghe ý kiến của nhân dân cùng toàn Đảng, toàn dân phấn đấu xây dựng Đảng; Chính quyền trong sạch, vững mạnh. Xã Sơn Lang đạt “Xã đạt chuẩn NTM” vào năm 2019 đây là động lực để xã Sơn Lang ngày một đổi mới, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
|