CHUYÊN MỤC

Nông dân xã Sơn Lang (huyện Kbang) chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng

(ngày đăng bài: 12/01/2018)
Trước đây, cà phê là cây trồng chủ lực của người dân xã Sơn Lang, huyện Kbang. Song những năm gần đây, do cà phê già cỗi, thời tiết bất lợi và giá cả bấp bênh nên nhiều bà con đã chuyển đổi dần sang các loại cây trồng khác và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao

Trong vài năm trở lại đây, cây ăn quả được người dân xã Sơn Lang đưa vào trồng nhiều; chủ yếu là cam, quýt các loại. Theo nhận xét đánh giá của bà con thì cây cam, quýt khá thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở đây và hiệu quả mang lại cao hơn so với trồng cà phê. Như gia đình bà Nguyễn Thị Thanh ở thôn Trạm Lập phá bỏ hơn 2 sào cà phê để trồng gần 200 cây cam, quýt nay đang chuẩn bị thu. Năng suất ước tính từ 50 đến 70kg/cây và với giá bán tại vườn là 20.000đồng/kg thì đã thu được trên 200 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Thôn Trạm Lập, xã Sơn Lang, huyện Kbang cho biết: “So với cây cà phê thì cây cam nó hiệu quả hơn vì cà phê ở đây trồng lâu năm rồi nên không đạt nên tôi cũng tìm hiểu trồng được gần 200 cây ở vườn này nay đã năm thứ tư và cho hiệu quả rất tốt. Trong năm tới tôi dự kiến trồng thêm 500 cây cam nữa, còn cây cà phê thì cũng hạn chế vì không hiệu quả mà công việc làm nhiều hơn cây cam”.

Cùng với cây ăn quả thì hồ tiêu cũng là cây trồng được bà con lựa chọn để thay thế dần cây cà phê. Năm 2012, gia đình ông Nguyễn Ngọc Mão (làng Điện Biên, xã Sơn Lang) phá bỏ cà phê và trồng thử nghiệm 100 trụ tiêu. Thấy hồ tiêu thích nghi và cho hiệu quả, gia đình ông phá bỏ thêm cà phê và nay đã trồng được 1.400 trụ; trong đó có 800 trụ đang cho thu hoạch. Dù vài năm gần đây giá hồ tiêu có xuống thấp nhưng so với cây cà phê vẫn đem về lợi nhuận cao hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Mão, Làng Điện Biên, xã Sơn Lang, huyện Kbang nói: “Nói về hiệu quả của hồ tiêu ở đây mà so với cây cà phê thì hơn rất nhiều. Đối với cây tiêu tuy giá cả có xuống thấp nhưng vẫn hơn cây cà vì thực tế cây cà ở đây chỉ đạt khoảng 10 kg tươi 1 cây mà cây tiêu thì được khoảng 3 – 4 kg khô và nếu nhân lên thì hơn cây cà rất nhiều”.

Qua thống kê, hiện toàn xã Sơn Lang có khoảng 40 ha cây cam, quýt và hơn 30 ha hồ tiêu trồng thuần. Theo đánh giá thì nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Đây là cơ sở để địa phương định hướng giúp người dân có thêm lựa chọn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi mà cây trồng chủ lực là cà phê đã già cỗi.

Anh Nguyễn Hải Ưng, Cán bộ nông nghiệp xã Sơn Lang, huyện Kbang cho biết: “Trước đây cà phê là cây chủ lực của người dân nhưng trong những năm gần đây được sự quan tâm của Nhà nước việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cà phê sang các loại cây ăn quả như cây cam và cây hồ tiêu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con. Đối với địa phương trong thời gian tới sẽ lấy cây cam và cây hồ tiêu làm những cây trồng chủ lực để định hướng giúp bà con chuyển đổi mô hình để mang lại hiệu quả hơn”.

     Trong vài năm trở lại đây, ngoài xã Sơn Lang thì bà con nông dân ở các địa phương khác của huyện Kbang đã mạnh dạn chuyển đổi và hình thành được một số vùng chuyên canh các loại cây ăn quả và cây trồng khác đem lại hiệu quả trị kinh tế cao. Song người dân vẫn phải tự liên hệ để tìm đầu mối tiêu thụ. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương nên tính toán giúp người dân bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra để yên tâm sản xuất và làm giàu từ những loại cây trồng mới./.
Đức Hải, Huy Toàn