CHUYÊN MỤC

BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

(ngày đăng bài: 06/08/2019)
PHÒNG CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI
Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh lây lan nhanh, xảy ra ở mọi lứa tuổi, tất cả các loại lợn (lợn nhà và lợn hoang dã), có thể gây chết ở lợn với tỷ lệ rất cao. Lợn khỏi bệnh có khả năng mang vi rút suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu để xảy ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
        + Thời gian ủ bệnh và phương thức lây lan:
- Thời gian ủ bệnh: Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3-15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3 - 4 ngày.
- Phương thức lây lan:
+ Trực tiếp: Tiếp xúc động vật ốm và khỏe mạnh, lây nhiễm do điều trị của thú y.
+ Gián tiếp: Qua hoạt động của con người, qua rác thải, thức ăn thừa, sản phẩm thịt chưa nấu chín, dụng cụ; qua ve.
Ngoài ra, bệnh DTLCP còn có thể có phương thức lây lan khác chưa xác định được, đến nay phương thức lây lan của bệnh vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu.
+ Triệu chứng của bệnh:
Lợn bị nhiễm DTLCP có nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Thể quá cấp tính là do vi rút có độc lực cao, lợn chết nhanh, không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng hoặc lợn nằm và sốt cao trước khi chết.
- Thể cấp tính là do vi rút có độc lực cao gây ra, lợn sốt cao (40,5-42°C). Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, thích nằm chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng, có thể có màu sẫm xanh tím. Trong 1-2 ngày trước khi con vật chết, có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu. Lợn mang thai có thể sẩy thai ở mọi giai đoạn. Lợn khỏi bệnh hoặc nhiễm vi rút thể mạn tính thường không có triệu chứng, nhưng sẽ là vật chủ mang vi rút DTLCP lâu dài.
- Thể á cấp tính gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình. Lợn biểu hiện triệu chứng không nghiêm trọng. Lợn sốt nhẹ hoặc sốt lúc tăng lúc giảm, giảm ăn, sụt cân, ủ rũ, viêm toàn bộ phổi nên khó thở, ho có đờm, phổi có thể bội nhiễm vi khuẩn kế phát, viêm khớp, vận động khó khăn, lợn mang thai sẽ sẩy thai. Lợn có thể khỏi hoặc bị bệnh mạn tính.
- Thể mạn tính gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình hoặc thấp. Lợn có nhiều triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp, hoại tử da, hoặc viêm loét da mạn tính, viêm khớp, viêm cơ tim, viêm phổi dính sườn, viêm các khớp khác nhau trong giai đoạn phát triển. Tỷ lệ chết thấp, lợn khỏi bệnh sau khi nhiễm vi rút gây bệnh sẽ trở thành dạng mạn tính.
Lưu ý: Lợn mắc bệnh DTLCP có biểu hiện các triệu chứng không khác biệt so với triệu chứng của bệnh Dịch tả lợn cổ điển. Do đó, việc chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng thường khó khăn, khó phân biệt với bệnh khác. Vì vậy, cần lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm của cơ quan thú y có thẩm quyền để xét nghiệm phát hiện vi rút DTLCP.
     Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị được Dịch tả lợn Châu Phi, vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; Kiểm soát kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học là các biện pháp chủ lực được các nước đã và đang áp dụng.
     Nhân dân hãy lựa chọn lợn sạch, có nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình. Báo cáo ngay với cơ quan chức năng nếu có ổ dịch xảy ra, đồng thời tố giác các cơ sở nghi có sử dụng lợn bệnh bán ra thị trường với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.
Nguồn: Lê Hồng Nhung VH-XH