CHUYÊN MỤC

TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

(ngày đăng bài: 30/07/2019)
          Hiện nay trên địa bàn xã Tơ Tung đã xuất hiện một số sâu bệnh gây trên các loại cây trồng như: bọ trĩ trên cây lúa, sâu keo mùa thu trên cây bắp, xén tóc trên cây mía …..đặc biệt hiện nay khu vực ruộng làng Đầm Khơng, Trường Sơn, Klếch, Cao Sơn xuất hiện bệnh khảm lá mỳ. Để phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả và hạn chế lây lạn ra diện rộng, bà con nông dân cần lưu ý một số biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng như sau:
           - Đối với cây lúa:  
         Làm đất kỹ, bón lót đầy đủ phân chuồng, vôi, lân. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sâu bệnh hại, điều tiết nước cho lúa sinh trưởng, phát triển kịp thời. Gieo sạ với mật độ hợp lý khoảng 50kg/ha với giống lúa lai, 120 kg/ha đối với giống lúa thuần, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu ở giai đoạn đầu, sử dụng thuốc BVTV phải theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng thuốc, đúng cách, đúng nồng độ). Bón phân đúng thời kỳ, đầy đủ, cân đối N, P, K không bón quá nhiều đạm.
          Đối với bọ trĩ: vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, nếu vừa xuất hiện bà con tháo nước vào ruộng (luôn luôn duy trì đủ nước, có thể ngập cây lúa 1-2 ngày), không nên để ruộng khô cạn nước. Khi bọ trĩ gây hại nặng có thể dùng một trong các loại thuốc như: sát trùng đan, Actara 25WG, First 20EC… liều lượng pha theo như khuyến cáo trên chai, bao bì thuốc, phun lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
          Đối với sâu cuốn lá, sâu đục thân gây hại thì sử dụng các loại thuốc sau: Rigell 800WG, Padan 95SP, Actamec 20EC, Shepatin 36EC…phun như khuyến cáo trên nhãn mác, bao bì, đồng thời sử dụng thêm các loại phân bón lá để phun nhằm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây lúa sinh trưởng và phát triển.

BAP.PNG
Hình ảnh cây Ngô bị sâu hại
           
             - Đối với cây ngô
             Với diện tích chuẩn bị trồng cần tuyên truyền cho người dân biết được tác hại của sâu keo mùa thu và các biện pháp phòng trừ sau: Làm sạch cỏ dại xung quanh vườn trồng ngô đề hạn chế nơi trú ẩn của sâu; làm đất rồi phơi đất khô để ấu trùng, nhộng trong đất chết hoặc dễ dàng bị thiên địch tiêu diệt; luân canh ngô - lúa nước ngay sau vụ ngô để diệt nhộng trong đất. Làm đất kỹ cũng góp phần diệt nhộng trong đất;
            Với diện tích mới trồng cần phun thuốc khi sâu keo tuổi còn nhỏ (tuổi 1 và tuổi 2) bằng các loại thuốc như sau: Angun 5WGM Vitako 40WG, Selecron 500EC, Karate 2,5 EC… nồng độ và liều lượng pha theo khuyến cáo trên bao bì nhãn thuốc, phun kép 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày, khi phun hướng vào nõn của cây ngô.
             
MY.PNG

Hình ảnh cây Mỳ bệnh khảm lá

          - Đối với cây mỳ
          Hiện nay đã xuất hiện bệnh khảm lá trên cây mỳ tại khu vực ruộng làng Đầm Khơng, Trường Sơn, Klếch, Cao Sơn. Bệnh khảm lá virus hại sắn có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMVV), lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng Bemisia tabaci và qua hom giống nên khả năng lây lan rất nhanh, hiện tại chưa có thuốc đặc hiệu để phòng trừ. Dự báo bệnh khảm lá virus hại sắn có thể phát triển và gây hại lây lan sang các làng có trồng sắn khác là rất lớn.
         Triệu chứng gây hại: Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá. Mức độ hại nhẹ là không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, mức độ hại nặng làm cho lá sắn xoăn, cong queo, nhăn nhúm. Hom giống lấy từ cây sắn bị bệnh khi mọc mầm sẽ biểu hiện bệnh ngay và không cho thu hoạch, khi cây sắn còn non bị nhiễm virus cũng không cho thu hoạch, cây sắn đã lớn mới nhiễm virus vẫn biểu hiện bệnh nhưng nhẹ hơn, làm năng suất, chất lượng giảm. Triệu chứng bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây sắn, từ 2 tháng tuổi trở đi cho thấy virus lây nhiễm từ khi cây sắn còn non.
       Các giải pháp phòng trừ: Chuyển những diện tích trồng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá do virus sang trồng các loại cây trồng khác như ngô, đậu đỗ, mía ... ít nhất 01 năm mới trồng sắn trở lại.  Làm đất kỹ 2-3 lần trước khi trồng, đất đủ độ ẩm tốt mới tiến hành trồng; bón phân cân đối phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây giúp cho cây sắn sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Kiểm soát chặt chẽ nguồn giống sắn trên địa bàn, nhất là các vùng đã xác định bị nhiễm bệnh; tuyệt đối không sử dụng giống sắn HL-S11, hạn chế sử dụng giống sắn KM419, K98-5, nên sử dụng giống KM 94. Hạn chế mua giống ở những nơi đã bị nhiễm bệnh khảm lá virus hại sắn nhập vào địa bàn như: An khê, Phú Thiện, Ia pa, ChưPrông…. Tuyệt đối không sử dụng hom giống đã bị nhiễm bệnh virus khảm lá sắn để làm giống.  Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nắm bắt tình hình gây hại của bệnh khảm lá virus hại sắn để xử lý triệt để nguồn bệnh ngay từ khi mới phát sinh ở giai đoạn cây sắn đang còn nhỏ tuổi (dưới 3 tháng tuổi) để giảm thiệt hại và ngăn chặn tối đa sự lây lan của bệnh, khi phát hiện bệnh xãy ra cần thực hiện ngay:  Phun trừ môi giới truyền bệnh: Nếu có bọ phấn thì phải tiến hành phun thuốc để diệt trừ ngay, phun cả trên ruộng sắn nhiễm bệnh và những ruộng xung quanh để ngăn chặn bọ phấn di chuyển sang và truyền bệnh; sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất sau: Dinotefuran, Pymetrozine; chú ý phun trước khi tiêu hủy cây sắn từ 2-3 ngày để đảm bảo an toàn. Tiến hành nhổ bỏ và tiêu hủy diện tích sắn bị bệnh khảm virus nặng để tránh lây lan nguồn bệnh.
           - Đối với cây mía
          Thời tiết nắng nóng tạo điều kiện cho xén tóc và sâu đục thân phát triển và gây hại. Cần làm cỏ, vệ sinh đồng ruộng, chăm sóc bón phân cân đối, làm thông thoáng ruộng mía hạn chế sự gây hại của sâu bệnh hại.
            Đối với xén tóc, sâu đục thân gây hại có thể sử dụng các chế phẩm sinh học từ nấm Metarhizium (nấm xanh), nấm Beauveria (nấm trắng).
            - Đối với cây cà phê
         Vườn bị bệnh rỉ sắt có thể dùng các laoij thuốc BVTV như: Anvil 5SC, Tilt super 300ND, Sumi-Eight 12.5WP,…phun theo nồng độ khuyến cáo, phun sáng sớm hoặc chiều mát.
            Đối với rệp sáp: Bà con có thể xử lý thuốc trừ rệp ngay sau khi tưới nước hoặc sau khi hoa đã tàn dùng vòi nước áp lực cao xịt rụng tàn hoa rồi tiến hành phun thuốc như: Tasodan 600 EC, Super tac 500 EC, Mapjudo 40 WP…..kết hợp dầu khoáng SK để phòng trừ.
          Bệnh thán thư: Bà con nên vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, thông thoáng, ngắt bỏtập trung tiêu hủy lá và bộ phận bị bệnh. Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Carmanthai 80WP, Prodifad 300EC…
         Để phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả và hạn chế lây ra diện rộng bà con nông dân cần thường xuyên theo dõi cây trồng, phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh hại và khi có hiện tượng cây trồng bị bệnh, sâu hại thì có biện pháp xử lý kịp thời, đồng thời báo lên UBND xã (qua công chức Nông nghiệp xã) để được hướng dẫn chi tiết hơn./.
                                                                                                  Lê Thị Hồng - BTV