CHUYÊN MỤC

quatrinhhinhthanhphattrien.png
xã Kon Pne - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
Xã Kon Pne được thành lập năm 1985, chia tách từ xã Đăk Pne - huyện Kon Plông - tỉnh Kon Tum; khi thành lập xã có 3 làng (Kon Hleng, Kon Ktonh, Kon Kring) với 60 hộ, 560 khẩu. Sau 32 năm xây dựng và phát triển, đến nay xã đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo kế hoạch hàng năm; cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn từng bước được nâng cao, giao thông đi lại được đầu tư và ngày càng thuận lợi hơn, phục vụ tốt nhu cầu đi lại vận chuyển hàng hóa, giao thương phát triển; công trình thủy lợi được đầu tư đáp ứng phục vụ 106 ha lúa nước 2 vụ; điện lưới quốc gia được đầu tư đến 3 làng từ năm 2004 tạo nhiều thuận lợi để phát triển; hệ thống cơ sở vật chất giáo dục được quan tâm đầu tư; trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao và tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
- Những đặc điểm chính của đơn vị, địa phương (về điều kiện tự nhiên, xã hội, cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất), các tổ chức đảng, đoàn thể:
Là xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhất của huyện Kbang, tọa lạc cách trung tâm huyện 85km về hướng Tây Bắc, Phía Bắc giáp xã Đăk Pne - huyện Kon PLông - tỉnh Kon Tum, Phía Nam giáp xã Hà Đông - huyện Mang Yang - tỉnh Gia Lai, Phía Đông giá xã Đăkrong và xã Krong - huyện Kbang - tỉnh Gia lai, Phía Tây giáp xã Hà Đông - huyện Mang Yang - tỉnh Gia Lai. Tổng diện tích tự nhiên của xã là 17.381,2 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 16.991,92 ha (đất sản xuất nông nghiệp 2.070,68 ha, đất lâm nghiệp 14.921,24 ha), chiếm 97,76%; đất phi nông nghiệp 95,24 ha chiếm 0,55%; đất chưa sử dụng 294,05 ha chiếm 1,69%. Đến cuối năm 2019, toàn xã có 379 hộ với 1.553 nhân khẩu, trong đó dân tộc Bahnar chiếm tỷ lệ 93,7%, dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ 5,54%, dân tộc khác chiếm tỷ lệ 0,75%; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 8,18%, hộ cận nghèo chiếm 32,19%, hộ không nghèo chiếm 59,63%  tổng số hộ trên địa bàn.
Hội đồng nhân dân xã nhiệm kỳ 2016-2021 có 20 vị đại biểu, Chủ tịch HĐND xã do Bí thư Đảng ủy kiêm nhiệm, Phó chủ tịch HĐND xã hoạt động chuyên trách, HĐND xã bầu hai Ban (Ban Kinh tế-Xã hội và Ban Pháp chế) đã đi vào hoạt động có hiệu quả.
Ủy ban nhân dân xã do Hội đồng nhân dân xã nhiệm kỳ 2016-2021 bầu ra gồm 4 thành viên; có 7 chức danh công chức xã, được giao 12 biên chế. Số lượng người hoạt động không chuyên trách được bố trí theo Quyết định số 20/2015/QĐ-UBND ngày 07/9/2015 của UBND tỉnh, hiện nay đã bố trí 6 người gồm chủ tịch Hội người cao tuổi, Phó trưởng công an, Phó Ban chỉ huy quân sự, thú y, dân tộc-tôn giáo, bảo vệ. Hoạt động kiêm nhiệm bố trí 02 cán bộ, công chức kiêm nhiệm (BT Đoàn thanh niên kiêm Quản lý nhà văn hóa, CC Lao động Thương binh xã hội kiêm Chủ tịch Hội chữ thập đỏ).
Tại xã có 1 trụ sở xã với diện tích khuôn viên 3.500 m2; 1 trường PTDT Bán trú TH&THCS diện tích khuôn viên 11.200 m2; 1 trường mẫu giáo với diện tích khuôn viên 1.440 m2; 1 trạm y tế với diện tích khuôn viên 2.600 m2; 1 nhà rông văn hóa xã và khu thể thao với diện tích khuôn viên 4.000 m2; 3 nhà rông văn hóa làng và khu thể thao làng với diện tích khuôn viên trung bình 2.581 m2/nhà; Đường giao thông trục xã, liên xã là 20,78 km, đã được kiên cố 19,9 km; đường thôn, xóm 3,29 km, đã được kiên cố bê tông hóa 1,76 km; Có 04 công trình thủy lợi đáp ứng được yêu cầu sản xuất dân sinh, số km kênh mương do xã quản lý đã được cứng hóa 2,48/2,81.
Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội (chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2, chương trình  xây dựng nông thôn mới, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên) tiếp tục quan tâm đầu tư; kinh tế - xã hội phát triển ổn định, bộ mặt nông thôn khởi sắc đáng kể. An sinh xã hội được đảm bảo, tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự - an toàn xã hội ổn định; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào địa phương tiếp tục nâng lên; những vấn đề mâu thuẫn, búc xúc trong nhân dân được quan tâm giải quyết kịp thời, không để xảy ra tồn đọng và phát sinh đơn thư khiếu nại trong nhân dân. Hầu hết, nhân dân luôn tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền địa phương xã.
Tuy nhiên, trình độ dân trí còn thấp và không đồng đều, xã cách xa trung tâm huyện trên 80km, giao thông đi lại khó khăn; một số phong tục, tập quán lạc hậu của người dân chậm được đẩy lùi; việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, đời sống của một bộ phận nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn và còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại sự bao cấp của nhà nước, chưa phát huy được tính tự lực, tự cường để phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Được sự quan tâm đầu tư của  các cấp, các ngành; sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự quản lý điều hành của UBND xã, đời sống vật chất và tin thần của người dân ngày càng được nâng lên. Nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương; cùng chung tay với cấp ủy, chính quyền tham gia phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã. Đồng bào dân tộc Bahnar nói riêng và toàn thể nhân dân trong xã nói chung đều mong muốn nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, để không có hộ dân nào phải thiếu cơm ăn, áo mặc; không có hộ dân nào thiếu nhà để ở, thiếu đất để canh tác; đời sống  vật chất, tinh thần tiếp tục được nâng lên.