CHUYÊN MỤC

Thực trạng và nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn, trên địa bàn xã Đông và các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

13/05/2022

     Ngay sau khi Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Kế hoạch số 09-KH/HU, ngày 07/10/2020 “về hạn chế nạn tự tử, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện”; Ban chấp hành Đảng bộ xã đã xây dựng Kế hoạch số 23-KH/ĐU, ngày 16/10/2020 về việc hạn chế nạn tự tử, tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, triển khai, tổ chức học tập kế hoạch trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân và phân công cán bộ, đảng viên, công chức trực tiếp phụ trách, thường xuyên bám sát cơ sở (06 thôn, làng), nắm bắt tình hình, kịp thời báo cáo khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu tự tử, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra. Tính đến hết tháng 9 năm 2021 đã tổ chức được 07 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại 06 thôn và 01 trường học thu hút được 644 lượt người tham dự.
 
1.jpg
Ban chỉ đạo Đề án 498 tuyên truyền, phổ biến GDPL
về tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống, tháng 4 năm 2021 tại xã Đông
 
     UBND xã ban hành Kế hoạch số 06/KH-UBND, ngày 08/01/2020 “về công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn xã”; Kế hoạch số 02/KH-BCĐ, ngày 01/4/2021 tuyên truyền, phổ biến về tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn và Kế hoạch số 37/KH-UBND, ngày 19/4/2021 của UBND xã về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù. Ngày 05/04/2021, UBND xã đã ban hành Quyết định số 96/QĐ-UBND về việc kiện toàn tổ tuyền truyền hạn chế nạn tự tử, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS.
Tình hình tảo hôn ở một số làng người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Đông luôn là vấn đề được cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội quan tâm, cụ thể: năm 2019 có 01 vụ, năm 2020 giảm không có vụ nào.
     Để đạt được kết quả trên, hàng năm UBND xã đã tiếp nhận và cấp phát 110 tờ rơi/ năm cho 08 làng ĐBDTTS về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống và những hệ lụy để lại cho gia đình và xã hội.
     UBND xã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc 03 nhà trường trên địa bàn xã lồng ghép tuyên truyền, PBGDPL trong các hoạt động giáo dục ở cấp mầm non, môn học đạo đức ở cấp tiểu học, môn học giáo dục công dân ở cấp THCS, tăng cường giáo dục ngoại khóa và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Trong tháng 5/2021, UBND xã đã phối hợp với trường THCS Quang Trung tổ chức ngoại khóa tuyên truyền, PBGDPL về hạn chế nạn tự tử, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường thu hút hơn 68 em học sinh các khối lớp 7,8,9 tham gia. Ngoài ra, chỉ đạo nhà trường căn cứ tình hình thực tế chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa về chủ đề “Sức khỏe sinh sản vị thành niên” cho các em học sinh ở các khối lớp nhằm cung cấp thông tin về giới tính, kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình nhằm nâng cao nhận thức cho lứa tuổi học sinh.
 
2.jpg
Buổi tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống của Đoàn TNCSHCM xã Đông
 
UBND xã đã thực hiện lồng ghép tuyên truyền các Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1898/QĐ-TTg, ngày 28/11/2017 trên địa bàn xã; phối hợp cùng Hội phụ nữ xã và các chi hội ở 6 thôn, làng lồng ghép tuyên truyền các buổi sinh hoạt ở chi hội và các chương trình PBGDPL của xã. Bên cạnh đó, lồng ghép tuyên truyền thực hiện Quyết định 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục, pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi trên địa bàn xã giai đoạn 2017-2020.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn trong ở một số làng người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã, chủ yếu là do:
Thứ nhất: nguyên nhân khách quan, do ảnh hưởng của những quan niệm, phong tục tập quán lạc hậu; những tục lệ, nghi lễ truyền thống của dân tộc thiểu số qua nhiều thế hệ. Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, chưa nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, nâng cao dân trí, không khuyến khích con em đến trường mà muốn con cái ở nhà làm việc giúp đỡ gia đình, bản thân các em chưa nhận thức đầy đủ việc học tập nâng cao trình độ là phục vụ chính bản thân mình, khiến nhiều học sinh người dân tộc thiểu số nghỉ học sớm, nhất là sau khi kết thúc bậc học trung học cơ sở. Sự thiếu hiểu biết do trình độ học vấn thấp, kết hợp với phong tục tập quán và nhiều yếu tố khác đã làm gia tăng tình trạng tảo hôn.
- Sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội (nhiều em trong độ tuổi 13 - 17 tuổi đã có điện thoại di động thông minh), sự du nhập của văn hóa ngoại lai, lối sống thử, thiếu kinh nghiệm giới tính…đã ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh, nên xảy ra những trường hợp mang thai ngoài ý muốn phải nghỉ học dẫn đến tảo hôn.
- Các chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình chưa được triển khai thực hiện hiệu quả ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Dù mức xử phạt thấp, nhưng những trường hợp vi phạm hầu hết là hộ nghèo nên dù có phạt vẫn không thu được tiền. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở vẫn còn lúng túng trong vấn đề xử lý vi phạm.
- Chính sách đầu tư cho miền núi, nông thôn và vùng khó khăn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ở xã còn nhiều yếu kém, dân số ít và sống phân tán, trình độ dân trí thấp, không đồng đều, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.
- Không có việc làm hoặc cần người để làm việc trong gia đình cũng là yếu tố góp phần làm tỷ lệ kết hôn sớm tăng. Đặc biệt, đối với người đồng bào dân tộc, việc kết hôn sớm do nhu cầu về lao động là chính. Những phản ứng từ phía cộng đồng còn rất yếu ớt, hầu hết đều coi đây là chuyện riêng của từng gia đình. Thậm chí cộng đồng không những không phản đối mà còn đồng tình ủng hộ. 
Thứ hai: nguyên nhân chủ quan, cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, còn coi đó là phong tục rất khó xóa bỏ, nên chưa đặt quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Việc phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, đoàn thể từ xã đến cơ sở chưa thường xuyên.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương còn hạn chế do rào cản về ngôn ngữ, nhiều người dân không biết nói tiếng phổ thông (tiếng Kinh), trình độ dân trí thấp (mù chữ, tái mù, học vấn thấp), thiếu kinh phí triển khai, đối tượng được tuyên truyền ít tham gia (nhất là thanh, thiếu niên)… dẫn đến hiệu quả không cao
- Việc quản lý của một số gia đình đối với con em chưa chặt chẽ, chưa thực sự quan tâm đến đời sống tâm lý, tình cảm của con em mình khi bước vào độ tuổi vị thành niên. Mặt khác, một số gia đình bố mẹ đi làm ăn xa, ly hôn, bất hòa, tạo tâm lý bất cần, sống buông thả ở một số bộ phận thanh, thiếu niên, công tác quản lý học sinh ở các trường Trung học phổ thông, Phổ thông dân tộc nội trú giữa nhà trường và gia đình chưa chặt chẽ.
 - Công tác tham mưu, xử lý của các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật đối với các trường hợp vi phạm tảo hôn chưa đủ mạnh và kiên quyết. Quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp tảo hôn còn thấp.
 
3.jpg
Đ/c Nguyễn Đăng Chung-Chủ tịch UBND xã tại buổi tuyên truyền
về tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống
 
Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 09, ngày 07/10/2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy “về hạn chế nạn tự tử, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện”; nâng cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị- xã hội đối với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình; tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ xã đối với việc lãnh đạo triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.  
Thứ hai, tiếp tục tăng cường chỉ đạo UBND xã; mặt trận TQVN xã và các tổ chức chính trị- xã hội xã bám sát các văn bản của Huyện ủy và Đảng ủy xã xây dựng chương trình, kế hoạch và đề ra biện pháp cụ thể để tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 09 của Ban Thường vụ Huyện ủy “về hạn chế nạn tự tử, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện”. Hàng năm, bố trí một phần kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho các đơn vị để triển khai các hoạt động của kế hoạch.
Thứ ba, đẩy mạnh và đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình; chú trọng lựa chọn nội dung trọng tâm, biên soạn tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sát với thực tiễn và nhận thức của đồng bào DTTS, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh, thiếu niên và các làng có nguy cơ cao về tảo hôn. Chú trọng hình thức tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở, cán bộ xã, thôn; lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các chương trình truyền thanh, tuyên truyền lưu động, sân khấu hóa; hoạt động ngoại khóa trong các trường học, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật; xây dựng các tin, bài phản ánh về hậu quả của tảo hôn, phát trên hệ thống truyền thanh- truyền hình, nhất là loa truyền thanh cơ sở; tổ chức các diễn đàn, hội thi tìm hiểu pháp luật và hoạt động tư vấn trợ giúp pháp lý miễn phí tại trung tâm xã và lưu động đến các điểm dân cư làng đồng bào DTTS. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ người DTTS, già làng, trưởng thôn, người có uy tín, hòa giải viên, cộng tác viên ở cơ sở trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình ngay từ trong khu dân cư.
Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống tảo hôn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhất là cán bộ, đảng viên; xử phạt hành chính kết hợp với xử phạt theo hương ước, quy ước. Kết hợp và nâng cao hiệu quả giữa công tác chỉ đạo, thực hiện, kiểm tra, đánh giá, xử lý vi phạm với thi đua khen thưởng, nhân rộng các mô hình hay trong tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
     Nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định: Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự gương mẫu trong đấu tranh bài trừ tảo hôn, coi đây là nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tổ chức Đảng ở cơ sở coi việc đấu tranh bài trừ tảo hôn là nhiệm vụ lãnh đạo xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới, làng nông thôn mới, một trong những nhiệm vụ cơ bản để thực hiện xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở cơ sở, không thể xếp loại tổ chức cơ sở Đảng “Trong sạch, vững mạnh” nếu ở địa phương đó còn có tảo hôn. Cấp ủy, chính quyền xã quan tâm quản lý trẻ em có độ tuổi từ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi để theo dõi tuyên truyền, vận động chống tảo hôn; hướng dẫn sử dụng các biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục; thường xuyên nắm tình hình cơ sở, nếu có biểu hiện tảo hôn phải kịp thời ngăn chặn. Tổ chức hội nghị già làng, người có uy tín tại xã và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp ủy, chi bộ thôn về phòng, chống tảo hôn; hằng năm tổng kết đánh giá, làng nào, gia đình nào thực hiện tốt thì khen thưởng; làng nào, gia đình nào chưa tốt thì phê bình. Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân huyện giao Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường THCS trên địa bàn huyện đưa nội dung giáo dục giới tính; phòng, chống tảo hôn; tác hại của tảo hôn vào sinh hoạt ngoại khóa thường xuyên./.
                                                                                                         
                                                                                                           Nguyễn Quang Tuấn -  Đảng ủy xã Đông