CHUYÊN MỤC

Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác

08/11/2022
Gia đình ông A có nuôi một con trâu. Một đêm mưa, do cài then chuồng trại không chặt, gió thổi mạnh làm bật cửa, con trâu đã xổng chuồng chạy sang ruộng nhà bà B gần đó ăn gần hết ruộng lúa. Sáng ra, bà B phát hiện con trâu đang nằm no kễnh bên ruộng lúa nhà mình nên đã giữ lại và yêu cầu ông A phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do con trâu gây ra.
Tuy nhiên, ông A chỉchấp nhận đền bù cho bà một nửa, vì ông không cố ý thả trâu vào phá ruộng mà là do trâu xổng chuồng tự phá hoại. Mỗi người một ý, chẳng ai chịu ai, mâu thuẫn ngày càng gay gắt.
 Nếu được giao hòa giải vụ việc, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào?
Gợi ý trả lời:
1. Xác định nguyên nhân mâu thuẫn: Con Trâu của gia đình ông A xổng chuồng chạy sang rộng nhà bà B gần đó ăn gần hết ruộng lúa. Bà B yêu cầu ông A phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do con trâu gây ra. Tuy nhiên, ôngA chỉ chấp nhận đền bù cho bà một nửa, vì ông không cố ý thả trâu vào phá ruộng mà là do trâu xổng chuồng tự phá hoại.
2. Căn cứ pháp lý
- Khoản 1, Điều 603 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác....”
- Khoản 1,2,3 Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:
“1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường”.
3. Hướng giải quyết
- Là hòa giải viên khi được phân công tiến hành hòa giải trên cơ sở quy định Bộ luật Dân sự năm 2015, hòa giải viên phân tích để ông A hiểu việc con trâu nhà mình đã xổng chuồng chạy sang rộng nhà bà B gần đó ăn gần hết ruộng lúa,cho dù là lỗi vô ý thì vẫn vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.
- Thuyết phục bà B hiểu việc con trâu nhà ông A đã xổng chuồng chạy sang ăn gần hết ruộng lúa nhà bà là do lỗi vô ý, thiệt hại xảy ra là ngoài ý muốn của ông A, do vậy việc đòi bồi thường toàn bộ thiệt hại do con trâu gây ra là không nên. Hai gia đình có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường và hình thức bồi thường cho đúng quy định của pháp luật nhằm giữ tình làng, nghĩa xóm.

                                                                                                                            Nguyễn Thị Thu Hiền