CHUYÊN MỤC

GỢI Ý GIẢI ĐÁP TÌNH HUỐNG DÀNH CHO HÒA GIẢI VIÊN CƠ SỞ

19/04/2021
Tình huống 1: CHÚ HEO RỪNG PHÁ PHÁCH
 
     Nhà bà Hà và ông Sơn ở chung xóm Cây đa, lâu nay rất hòa thuận, tối lửa tắt đèn có nhau. Ông Sơn có vườn rau nhỏ trồng mồng tơi, cải ngọt, diếp cá,…chủ yếu cung cấp nguồn rau xanh cho gia đình và các con trên thành phố. Ông rất tự hào về vườn rau sạch mà một tay mình gây dựng.
     Khoảng vài tháng trước, bà Hà mua được ba con heo rừng lai đem về nhà nuôi. Bà nuôi heo rừng theo kiểu thả rông trong vườn, chứ không nuôi nhốt. Trong số ba con, có một con rất khỏe, chú ta ủi thủng hàng rào, thường xuyên sang vườn nhà hàng xóm phá phách. Lúc thì cắn quần áo đang phơi, tha mất dép, khi lại nạp đàn vịt, ăn trứng vịt….Hàng xóm xung quanh phàn nàn rất nhiều, bà Hà hứa sẽ không để xảy ra phiền toái như thế nữa.
     Nhưng một buổi sáng nọ, ông Sơn ra tưới vườn, thấy vườn rau tan tác. Mấy luống mồng tơi bị ủi lên hết, cà chua sắp thu hoạch cũng bị giày nát bét. Ông xách cây đòn gánh ra vườn tìm thủ phạm thì thấy chú heo rừng đang nằm ngủ dưới gốc xoài. Điên tiết, ông gọi con rể ra trói gô chú heo lại rồi đem lên lò mổ gần chợ huyện.
Chú heo bị làm thịt, ông Sơn mang về chia hết cho bà con trong xóm. Bà Hà lúc này mới biết chuyện, bà liền làm ầm ĩ lên, bắt ông Sơn đền tiền, ít nhất là 1,5 triệu đồng vì heo rừng đang rất có giá. Ông Sơn không đồng ý, ông nói con heo phá làng phá xóm, đáng lẽ nếu bắt đền thì bà Hà mới là người phải đền tiền vườn rau cho ông. Hai bên cự cãi nhiều ngày trời.
     Nếu ông (bà) là hòa giải viên đảm nhiệm vụ việc này, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào?
Gợi ý giải đáp tình huống:
Hòa giải viên cần nhận định:
     1. Việc Bà Hà nuôi heo rừng theo kiểu thả rông trong vườn, thường xuyên để heo sang vườn nhà hàng xóm phá phách là không thực hiện đúng quy định của pháp luật, mặc dù được hàng xóm xung quanh phàn nàn nhắc nhở rất nhiều và bà Hà đã hứa sẽ không để xảy ra phiền toái như thế nữa nhưng lại cố tình không sửa chữa, tiếp tục để heo phá nát vườn rau nhà ông Sơn nên đã gây bức xúc cho ông Sơn.
     2. Ông Sơn do quá bức xúc nên làm thịt con heo của bà Hà và chia cho bà con trong xóm cũng là việc làm sai pháp luật. Ông Sơn nói con heo phá làng phá xóm, đáng lẽ nếu bắt đền thì bà Hà mới là người phải đền tiền vườn rau cho ông là có cơ sở.
Hòa giải viên cần nêu lại tóm tắt vụ việc, sau đó yêu cầu các bên trình bày cụ thể lại sự việc và ý kiến của mình.
     Sau khi nghe ý kiến trình bày của các bên, hòa giải viên cần phân tích:
     Đối với hành vi của bà Hà: Theo quy định của pháp luật hiện hành, trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có đầy đủ các căn cứ được quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015: “Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.
     Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 603 Bộ luật dân sự 2015 về Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra “ Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”.
     Bên cạnh đó, với việc để Heo gây thiệt hại cho tài sản của người khác, gia đình bà Hà còn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm e Khoản 2, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định, theo đó phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác;
     Trong trường hợp này, thiệt hại trên thực tế đã xảy ra là hỏng hết vườn rau nhà ông Sơn và do tài sản là con heo rừng của gia đình bà Hà gây ra. Việc gây ra thiệt hại này là do trong quá trình nuôi heo bà Hà thả rông, không nuôi nhốt đã phá rào vào vườn nhà ông Sơn gây thiệt hại, dù đã được nhắc nhở nhưng bà Hà không khắc phục, sửa chữa. Do đó, phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này và bà Hà là chủ sở hữu con heo gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường. 
     Như vậy, với hành vi để cho heo gây thiệt hại về tài sản cho người khác, Bà Hà có thể bị xử phạt hành chính là phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, đồng thời phải bồi thường thiệt hại cho gia đình ông Sơn theo quy định của pháp luật.
     Đối với hành vi của ông Sơn: Không ai đi lấy cái sai để chống lại cái sai, hành vi làm thịt con heo của bà Hà và chia hết cho bà con trong xóm cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
     Trong trường hợp này cả hai bên đều bị thiệt hại, bên ông Sơn bị hư hỏng vườn rau, bên bà Hà bị thiệt hại con heo. Tuy nhiên việc ông Sơn hành động như vậy là vì do đã nhắc nhở nhiều lần nhưng bà Hà không khắc phục, tiếp tục để heo phá phách vườn rau nhà ông Sơn gây bức xúc cho ông Sơn. Hơn nữa ông Sơn làm thịt heo nhưng không bán lấy tiền cho bản thân mà chia hết cho bà con trong xóm, đều là những người bị thiệt hại tài sản do heo của bà Hà phá phách.
     Hòa giải viên cần đề nghị hai bên bình tĩnh để xem xét các thiệt hai đã gây ra cho nhau, nếu giá trị thiệt hại là tương đương nhau thì nên xem xét giải quyết vấn đề bằng tình cảm, hơn nữa giữa hai gia đình lâu nay rất hòa thuận. Ông bà ta có câu “bán anh em xa mua láng giềng gần”, “tối lửa tắt đèn có nhau”, không nên lấy oán báo oán, càng xô xát thì bản thân càng bị thiệt hại nhiều hơn.