CHUYÊN MỤC

HƯỚNG DẪN NGHIỆP VỤ HÒA GIẢI CƠ SỞ - Quy trình thực hiện tiếp nhận và giải quyết các vụ việc hòa giải

16/03/2021
  1. Căn cứ tiến hành hòa giải ở cơ sở (Điều 16 Luật hòa giải ở cơ sở)
Hòa giải ở cơ sở được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau đây:
1. Một bên hoặc các bên yêu cầu hòa giải;
2. Hòa giải viên chứng kiến hoặc biết vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải;
3. Theo phân công của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Hien-21.jpg
Hình ảnh minh họa
  1. Quy trình tiến hành một cuộc hòa giải
2.1. Chuẩn bị hòa giải
- Tìm hiểu nội dung vụ việc, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, lợi ích mà mỗi bên hướng tới.
Để nắm được các thông tin này, hòa giải viên cần gặp gỡ, trao đổi với từng bên tranh chấp (có thể gặp ở nhà riêng của mỗi bên hoặc gặp tại tại nơi làm việc…).
  • Gặp gỡ, trao đổi với những người có liên quan, người biết về vụ, việc (như hàng xóm, cha, mẹ, con của các bên tranh chấp) để nắm được tổng thể vụ việc một cách khách quan, toàn diện.
  • Đề nghị các bên cung cấp tài liệu, bằng chứng liên quan đến vụ việc và xem xét cụ thể, tỉ mỉ các tài liệu, bằng chứng đó.
  • Tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến nội dung mâu thuẫn, tranh chấp để đối chiếu quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi bên trong mối quan hệ đó.
  • Trong trường hợp cần thiết, hòa giải viên có thể đưa vụ, việc ra trao đổi, thảo luận trong Tổ hòa giải để tìm ra các quy định pháp luật thích hợp áp dụng cho giải quyết vụ việc hoặc tham khảo ý kiến của UBND xã.
Riêng đối với các vụ việc hòa giải thuộc lĩnh vực đất đai:  Tổ trưởng tổ hòa giải phối hợp với Trưởng thôn, Bí thư chi bộ tổ chức họp lấy ý kiến của đại diện các hộ dân sinh sống lâu năm tại địa bàn thôn, các hộ dân liền kề, biết rõ về nguồn gốc sử dụng đất lập biên bản lấy ý kiến để làm cơ sở trước khi tiến hành hòa giải.
  • Thống nhất với các bên mâu thuẫn, tranh chấp về thời gian và địa điểm thực hiện hòa giải, thành phần tham dự hòa giải, việc hòa giải tiến hành công khai hay không công khai.
Lưu ý: Thời gian thực hiện các công việc trên là 03 ngày kể từ ngày được phân công hòa giải (Khoản 2 Điều 20 Luật hòa giải ở cơ sở). Trừ trường hợp cần thiết phải hòa giải ngay khi chứng kiến vụ, việc hoặc các bên có thỏa thuận khác về thời gian hòa giải.
Trường hợp các bên ở thôn, địa bàn xã khác nhau thì tổ hòa giải ở thôn, phối hợp thực hiện việc hòa giải và thông báo với Trưởng ban công tác Mặt trận tại nơi đó cùng phối hợp thực hiện để có kết quả tốt.
Nếu thấy mâu thuẫn, tranh chấp nghiêm trọng có thể dẫn đến hành vi bạo lực gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của các bên hoặc gây mất trật tự công cộng, hòa giải viên thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có biện pháp phòng ngừa hoặc báo trực tiếp công an xã để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
2.2. Tiến hành hòa giải
- Địa điểm, thời gian thực hiện hòa giải: Địa điểm và thời gian thực hiện buổi hòa giải do hòa giải viên đã thống nhất trước đó với các bên mâu thuẫn, tranh chấp.
Địa điểm có thể là nhà riêng của một bên, nhà riêng của hòa giải viên, nhà văn hóa hay địa điểm khác mà các bên cảm thấy thoải mái, dễ chịu.
  • Thành phần tham dự buổi hòa giải:
+ Hòa giải viên: chủ trì buổi hòa giải.
+ Các bên mâu thuẫn, tranh chấp.
+ Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
+ Có thể mời người khác tham gia hòa giải.
Việc mời người khác tham gia hòa giải phải được sự đồng ý của các bên mâu thuẫn, tranh chấp. Người được mời có thể là người có uy tín ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng,  người biết rõ vụ, việc; đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc người có uy tín khác.
  1. Các bước tiến hành hòa giải
Bước 1: Hòa giải viên chủ trì buổi hòa giải nêu mục đích, ý nghĩa của buổi hòa giải; thống nhất với các bên về một số quy ước, cách làm tại buổi hòa giải.Hòa giải viên phải tạo ra không khí thân mật, cởi mở và chân thành, không áp đặt ý chí của hoà giải viên đối với các bên tranh chấp, không thiên vị hay bênh vực bên nào.
Bước 2: Các bên trình bày nội dung vụ, việc
- Hòa giải viên mời từng bên trình bày sự việc. Sau khi trình bày xong, các bên có quyền bổ sung ý kiến, đưa ra luận cứ, quan điểm của mình.
- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phát biểu quan điểm của họ về vấn đề đang tranh chấp, mâu thuẫn.
Bước 3: Phân tích vụ việc, dẫn chiếu các quy định pháp luật
Hòa giải viên tổng hợp lại các vấn đề tranh chấp, phân tích vụ, việc; dẫn chiếu các quy định pháp luật áp dụng đối với từng bên tranh chấp; phân tích phong tục tập quán, truyền thống đạo đức xã hội.
Hòa giải viên phân tích cho các bên hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình; thấy rõ hành vi ứng xử của mình phù hợp ở điểm nào, chưa phù hợp ở điểm nào.
Hòa giải viên đưa ra các phương án giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp để các bên tham khảo; các bên có quyền trình bày phương án giải quyết tranh chấp của mình. 
Hòa giải viên phân tích lợi ích của việc hòa giải thành, hậu quả pháp lý mà các bên có thể phải gặp phải nếu tiếp tục tranh chấp và có những hành vi sai trái.
Người được mời tham gia hòa giải có thể phân tích, bổ sung làm rõ ý kiến của hòa giải viên.
Bước 4: Kết thúc hòa giải
- Đối với trường hợp hòa giải thành (các bên đạt được thỏa thuận): Hòa giải viên có trách nhiệm:
+ Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành do mình trực tiếp giải quyết;
+ Hướng dẫn các bên có thể làm đơn yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (Quy định tại Chương XXXIII. Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015),
+ Kịp thời thông báo cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Trưởng ban công tác Mặt trận những vấn đề phát sinh trong quá trình theo dõi, đôn đốc thực hiện.
  • Đối với trường hợp hòa giải không thành (các bên không đạt được thỏa thuận)
+ Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận và cả hai bên yêu cầu tiếp tục hòa giải, thì hòa giải viên tiếp tục tiến hành hòa giải.
+ Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận và một bên yêu cầu tiếp tục hòa giải, nhưng có căn cứ cho rằng việc tiếp tục hòa giải không thể đạt kết quả thì hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải và hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bước 5: Ghi Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở
Dù việc hoà giải thành hay không thành, hòa giải viên đều có trách nhiệm ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở để phục vụ công tác lưu trữ, thống kê, thanh toán thù lao cho hòa giải viên, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động hòa giải ở cơ sở./.