CHUYÊN MỤC

Hỏi đáp về giải quyết TTHC trên các lĩnh vực

16/06/2020

I. Lĩnh vực Tư pháp- Hộ tịch
Câu 1. Hỏi: Cá nhân có quyền và nghĩa vụ gì về đăng ký hộ tịch?

Trả lời: Điều 6 Luật Hộ tịch quy định cá nhân có quyền và nghĩa vụ sau:
1. Công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam có quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch.
Quy định này cũng được áp dụng đối với công dân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
2. Trường hợp kết hôn, nhận cha, mẹ, con thì các bên phải trực tiếp thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch.
Đối với các việc đăng ký hộ tịch khác hoặc cấp bản sao trích lục hộ tịch thì người có yêu cầu trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện.
Việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật; phạm vi uỷ quyền có thể gồm toàn bộ công việc theo trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận kết quả đăng ký hộ tịch.
Trường hợp người được uỷ quyền là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, anh chị em ruột của người được uỷ quyền thì văn bản uỷ quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người uỷ quyền.
3. Người chưa thành niên, người đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự yêu cầu đăng ký hộ tịch hoặc cấp bản sao trích lục hộ tịch thông qua người đại diện theo pháp luật.
Câu 2. Hỏi: Những trường hợp nào được miễn lệ phí đăng ký hộ tịch?
Trả lời: Điều 11 Luật Hộ tịch quy định những trường hợp sau được miễn lệ phí đăng ký hộ tịch:
1. Đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật;
2. Đăng ký đúng hạn khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.
(Cá nhân yêu cầu đăng ký sự kiện hộ tịch khác ngoài các sự kiện nêu trên, yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch phải nộp lệ phí).
Câu 3. Hỏi: Cơ quan nào có thẩm quyền đăng ký khai sinh?
Trả lời:
* Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 và Điều 13 Luật Hộ tịch thì thẩm quyền đăng ký khai sinh của UBND cấp xã như sau:
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho công dân Việt Nam cư trú trong nước; đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam.
* Điều 35 Luật Hộ tịch quy định về thẩm quyền đăng ký khai sinh của UBND cấp huyện như sau:
Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em trong các trường hợp sau đây:
1. Trẻ em được sinh ra tại Việt Nam:
a) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;
b) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
c) Có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
d) Có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;
2. Trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam:
a) Có cha và mẹ là công dân Việt Nam;
b) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.
Câu 4. Hỏi: Cơ quan nào có thẩm quyền đăng ký kết hôn?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 17 Luật Hộ tịch quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn của UBND cấp xã như sau:
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.
Điều 37 Luật Hộ tịch quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn của UBND cấp huyện như sau:
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.
2. Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn.
Câu 5. Hỏi: Cơ quan nào có thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con?
Trả lời:
* Điều 24 và Điều 43 Luật Hộ tịch quy định về thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con như sau:
1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước (Điều 24).
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài; giữa người nước ngoài với nhau mà một hoặc cả hai bên thường trú tại Việt Nam (Điều 43).
Câu 6. Hỏi: Trình tự, thủ đăng ký nhận cha, mẹ, con được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 25 và Điều 44 Luật Hộ tịch thì trình tự, thủ đăng ký nhận cha, mẹ, con được thực hiện như sau:
* Đối với trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước (Điều 25):
1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.
Theo điều 11 Thông tư số 15/TT-BTP thì chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con gồm các giấy tờ tài liệu sau:
- Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
- Trường hợp không có văn bản trên thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.
* Đối với trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài (Điều 44):
1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thì người nước ngoài phải nộp thêm bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân.
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, công chức làm công tác hộ tịch xác minh, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời gian 07 ngày liên tục, đồng thời gửi văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận là cha, mẹ, con niêm yết trong thời gian 07 ngày liên tục tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.
3. Phòng Tư pháp báo cáo và đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc đăng ký nhận cha, mẹ, con, nếu thấy đủ điều kiện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.
4. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt; công chức làm công tác hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng các bên ký vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho các bên.
Câu 7. Hỏi: Trình tự, thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 28 và khoản 1 Điều 47 Luật Hộ tịch thì trình tự, thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc được áp dụng thống nhất cho cả cấp huyện và cấp xã, cụ thể như sau:
1. Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp yêu cầu xác định lại dân tộc thì phải có giấy tờ làm căn cứ chứng minh theo quy định của pháp luật.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp - hộ tịch, công chức làm công tác hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch, công chức làm công tác hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.
3. Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.
Trường hợp nơi đăng ký hộ tịch trước đây là Cơ quan đại diện thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch.
Câu 8. Hỏi Giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính, chữ ký được chứng thực và hợp đồng, giao dịch được chứng thực?
Trả lời:
1. Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Chữ ký được chứng thực theo quy định tại Nghị định này có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.
4. Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định của Nghị định này có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
 Câu 9. Hỏi:  Quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu chứng thực
 Trả lời
 1. Người yêu cầu chứng thực có quyền yêu cầu chứng thực tại bất kỳ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nào thuận tiện nhất, trừ trường hợp quy định tại Khoản 6 Điều 5 (. Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền của người sử dụng đất được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà.). Trong trường hợp bị từ chối chứng thực thì có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức từ chối giải thích rõ lý do bằng văn bản hoặc khiếu nại theo quy định của pháp luật.
2. Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp lệ, hợp pháp của giấy tờ, văn bản mà mình yêu cầu chứng thực hoặc xuất trình khi làm thủ tục chứng thực theo quy định của Nghị định này.
Theo Khoản 4, Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch có quy định:
"4. Thủ tục chứng thực chữ ký quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều này cũng được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Chứng thực chữ ký của nhiều người trong cùng một giấy tờ, văn bản;
b) Chứng thực chữ ký của người khai lý lịch cá nhân;
c) Chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập theo quy định của pháp luật;
d) Chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản."
Câu 10 Hỏi: Có phải chỉ có lý lịch cá nhân được chứng thực ở nơi đăng ký hộ khẩu thường trú mới hợp lệ? Những cơ quan nào được chứng thực sơ yếu lý lịch? Thành phần hồ sơ phải nộp tại cơ quan tiếp nhận?
Trả lời
Theo Khoản 5, Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định:
"5. Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, chứng thực di chúc quy định tại Điều này không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.
Như vậy, lý lịch cá nhân có thể được chứng thực chữ ký tại nơi có thẩm quyền chứng thực, không cần thiết phải là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về nội dung của giấy tờ, văn bản mà mình ký để yêu cầu chứng thực chữ ký.
Về nơi có thể thực hiện việc chứng thực chữ ký:
- Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
Khi đi chứng thực cần người yêu cầu chứng thực chữ ký của mình phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;
- Giấy tờ, văn bản mà mình sẽ ký.     
 
II. LĨNH VỰC BẢO TRỢ XÃ HỘI
Câu 1: Bố tôi là thương binh, tỷ lệ thương tật 52%, đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Tôi xin hỏi, khi bố tôi đủ 80 tuổi, bố tôi có được hưởng thêm chính sách bảo trợ xã hội đối với người từ đủ 80 tuổi không hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng không?
Trả lời :
Theo quy định tại khoản 2, Điều 17 Luật Người cao tuổi thì đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng. Như vậy, người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên là người đang hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng vẫn được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Câu 2: Những đối tượng bảo trợ xã hội nào được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng? Có văn bản pháp luật nào nói đến vấn đề này hay không?
Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành thì những đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:
- Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây:
+ Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi;
+ Mồ côi cả cha và mẹ;
+ Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật;
+ Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;
+ Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Cả cha và mẹ mất tích theo quy định của pháp luật;
+ Cả cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;
+ Cả cha và mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;
+ Cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Người từ 16 tuổi đến 22 tuổi thuộc một trong các trường hợp trên mà đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất.
- Trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không còn khả năng lao động mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác.
- Người thuộc hộ nghèo không có chồng hoặc không có vợ; có chồng hoặc vợ đã chết; có chồng hoặc vợ mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 tuổi đến 22 tuổi nhưng người con đó đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất (sau đây gọi chung là người đơn thân nghèo đang nuôi con).
- Người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng;
+ Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại Điểm a Khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;
+ Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng.
- Trẻ em khuyết tật, người khuyết tật thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.
Câu 3: Người cao tuổi được nhận trợ cấp xã hội khi nào?
Như tôi biết thì người cao tuổi trong một số trường hợp sẽ được nhận trợ cấp xã hội. Vậy cho tôi hỏi người cao tuổi được nhận trợ cấp xã hội khi nào? Mức trợ cấp mà người cao tuổi được nhận hàng tháng là bao nhiêu?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi 2009 thì người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định 136/2013/NĐ-CP thì người cao tuổi thuộc các trường hợp sau sẽ được nhận trợ cấp xã hội:
- Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng;
- Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định trên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;
- Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng.
==> Như vậy, không phải người cao tuổi nào cũng sẽ được nhận trợ cấp xã hội. Chỉ có người cao tuổi thuộc những trường hợp nêu trên thì sẽ được nhận trợ cấp xã hội. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng được quy định tại Điều 6 Nghị định 136/2013/NĐ-CP, cụ thể:
- Người đủ 60 tuổi đến 80 tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng thì mức trợ cấp xã hội là 405.000 đồng/tháng;
- Người đủ 80 tuổi trở thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng thì mức trợ cấp xã hội là 540.000 đồng/tháng;
- Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định trên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng thì mức trợ cấp xã hội là 270.000 đồng/tháng;
- Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng thì mức trợ cấp xã hội là 810.000 đồng/tháng.
Câu 4: Điều kiện, trách nhiệm của người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng?
Trả lời
Người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
1. a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; b) Tự nguyện nhận chăm sóc trẻ em; c) Có nơi ở ổn định và chỗ ở cho trẻ em được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; d) Có điều kiện về kinh tế, sức khỏe, kinh nghiệm chăm sóc trẻ em; đ) Đang sống cùng chồng hoặc vợ, thì chồng hoặc vợ phải bảo đảm điều kiện quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này.
2. Trường hợp ông, bà nội ngoại, cô, dì, chú, bác, anh, chị ruột nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là đối tượng nêu trên không bảo đảm điều kiện quy định của người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ vẫn được xem xét hưởng chính sách quy định về chế độ đối với hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng BTXH tại cộng đồng theo quy định.
3. Người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm sau đây: Bảo đảm điều kiện để trẻ em được đi học, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí; Bảo đảm chỗ ở an toàn, vệ sinh cho trẻ em; Đối xử bình đẳng đối với trẻ em; Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
4. Những trường hợp sau đây không được tiếp tục nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ: Có hành vi đối xử tệ bạc với trẻ em được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; Lợi dụng việc chăm sóc, nuôi dưỡng để trục lợi; Có tình trạng kinh tế hoặc lý do khác dẫn đến không còn đủ khả năng bảo đảm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; Vi phạm nghiêm trọng quyền của trẻ em được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng. 
III. LĨNH VỰC NGƯỜI CÓ CÔNG
Câu 1. Thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy định chế độ ưu đãi đối với những người đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Đề nghị cho biết những đối tượng nào được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng?
Trả lời:
Việc quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần ng­ười có công với nư­ớc và gia đình họ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nư­ớc và toàn xã hội. Theo quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh ưu đãi ngư­ời có công với cách mạng[1] thì những người được hưởng chế độ ưu đãi bao gồm 2 nhóm đối tượng, cụ thể:
- Nhóm 1 là những người có công với cách mạng, gồm:
+ Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;
+ Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
+ Liệt sĩ;
+ Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
+ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;
+ Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;
+ Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;
+ Bệnh binh;
+ Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học;
+ Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;
+ Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;
+ Người có công giúp đỡ cách mạng.
- Nhóm 2 là thân nhân của người có công với cách mạng (người ở nhóm 1).
Câu 2. Tôi được biết người có công với cách mạng và thân nhân của họ được hưởng các chế độ ưu đãi, tuy nhiên tôi không biết cụ thể đó là những chế độ ưu đãi nào. Đề nghị cho biết rõ?
Trả lời:
Người có công với cách mạng và thân nhân được Nhà nước, xã hội quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ phù hợp với tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước qua từng thời kỳ; phù hợp với pháp luật và chính sách chung của Nhà nước; phù hợp với công lao và hoàn cảnh của người hưởng chế độ. Theo quy định tại Điều 4 Pháp lệnh ưu đãi ngư­ời có công với cách mạng thì tùy từng đối tượng sẽ được hưởng các chế độ ưu đãi sau:
- Trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần;
- Bảo hiểm y tế;
- Điều dưỡng phục hồi sức khỏe;
- Nhà nước có chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ có khó khăn về nhà ở và huy động sự tham gia của xã hội, gia đình người có công với cách mạng;
- Được ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; được hỗ trợ để theo học tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học.
IV. LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI – MÔI TRƯỜNG:
Câu 1: GCNQSDĐ  nông nghiệp với mục đích sử dụng là trồng lúa đã hết hạn sử dụng vào 5/2019 vây  quy trình, thủ tục xin gia hạn thêm quyền sử dụng đất là cần những giấy tờ nào.
 
Trả lời:Khoản 3 Điều 210 Luật đất đai 2013 quy đinh:
…“3. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đã được giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, khi hết thời hạn sử dụng đất nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật này. Thời hạn sử dụng đất được tính từ ngày 15 tháng 10 năm 2013 đối với trường hợp hết hạn vào ngày 15 tháng 10 năm 2013 theo quy định của Luật đất đai năm 2003; tính từ ngày hết thời hạn giao đất đối với trường hợp hết hạn sau ngày 15 tháng 10 năm 2013.”…
Theo quy định tại khoản 1 Điều 126: “1. Thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định tại khoản 1, khoản 2, điểm b khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 129 của Luật này là 50 năm. Khi hết thời hạn, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại khoản này.”
Theo đó, thời gian được gia hạn thêm quền sử dụng đất nông nghiệp là 50 năm, kể từ ngày hết hạn ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp của bạn sẽ được tính từ ngày 16/6/2015.
Về trình tự, thủ tục khi hết thời hạn sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được quy định tại Điều 74 Nghị Định 43/2014/NĐ CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định như sau:
 “….2. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao, công nhận, nhận chuyển quyền sử dụng đất, khi hết thời hạn sử dụng đất thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 126 và Khoản 3 Điều 210 của Luật Đất đai mà không phải làm thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất.
 3. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân quy định tại Khoản 2 Điều này có nhu cầu xác nhận lại thời hạn sử dụng đất trên Giấy chứng nhận thì thực hiện theo trình tự, thủ tục như sau:
 a) Người sử dụng đất nộp hồ sơ đề nghị xác nhận lại thời hạn sử dụng đất;
 b) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất kiểm tra hồ sơ, xác nhận hộ gia đình, cá nhân đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai;
 c) Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra hồ sơ; xác nhận thời hạn được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 126 và Khoản 3 Điều 210 của Luật Đất đai vào Giấy chứng nhận đã cấp; chỉnh lý, cập nhật vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
        Theo quy định trên thì sau khi hết thời hạn sử dụng đất, gia đình có nhu cầu thì vẫn tiếp tục sử dụng mà không cần thiết làm thủ tục gia hạn.
        Trường hợp bạn có nhu cầu thực hiện thủ tục này thì tiến hành theo quy định tại khoản 3, nghị định nêu trên. Khi làm thủ tục gia hạn, phải nộp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, kèm theo chứng từ đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính cho cơ quan Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm xác nhận gia hạn sử dụng đất vào Giấy chứng nhận đã cấp; Trao Giấy chứng nhận cho người được cấp. Thời hạn sử dụng đất được gia hạn là 50 năm (Theo quy định tại Điều 126 Luật Đất đai năm 2013).
Câu 2: Hỏi: Hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu?
Trả lời: "Điều 8. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu
1. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu gồm có:
a) Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK;
b) Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (sau đây gọi là Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) đối với trường hợp đăng ký về quyền sử dụng đất;
c) Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng);
d) Báo cáo kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất đối với trường hợp tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 theo Mẫu số 08/ĐK;
đ) Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);
e) Đối với đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh thì ngoài giấy tờ quy định tại các Điểm a, b và d Khoản này phải có quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an về vị trí đóng quân hoặc địa điểm công trình; bản sao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh trên địa bàn các quân khu, trên địa bàn các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà có tên đơn vị đề nghị cấp Giấy chứng nhận;
g) Trường hợp có đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.
2. Trường hợp người sử dụng đất thực hiện thủ tục đăng ký đất đai mà chưa có nhu cầu được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì nộp hồ sơ gồm các giấy tờ theo quy định tại các Điểm a, d, e, g và bản sao giấy tờ quy định tại các Điểm b, c và đ Khoản 1 Điều này.
Trường hợp người sử dụng đất đã đăng ký đất đai mà nay có nhu cầu được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì nộp đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 04/ĐK.
3. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với tài sản gắn liền với đất mà chủ sở hữu không đồng thời là người sử dụng đất; đăng ký bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận gồm có:
a) Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK;
b) Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;
c) Sơ đồ về tài sản gắn liền với đất (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã có sơ đồ tài sản phù hợp với hiện trạng);
d) Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp chứng nhận bổ sung quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
đ) Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về tài sản gắn liền với đất (nếu có).
4. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý gồm có:
a) Đơn đăng ký theo Mẫu số 04/ĐK;
b) Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giao đất để quản lý (nếu có);
c) Sơ đồ hoặc trích đo địa chính thửa đất, khu đất được giao quản lý (nếu có).
5. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức đầu tư xây dựng để bán được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 72 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.
                                                                                                                             
                                                                                                                                 Tổ một cửa UBND xã Đông