CHUYÊN MỤC

TÌM HIỂU CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ (PHẦN 2)

17/01/2022

Câu 1. Thủ tục bầu, công nhận hòa giải viên được quy định như thế nào?
Trả lời
Thủ tục bầu, công nhận hòa giải viên được quy định tại Điều 8 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 như sau:
- Người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật có quyền ứng cử hoặc được Ban công tác Mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận giới thiệu vào danh sách bầu hòa giải viên.
- Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tổ chức bầu hòa giải viên ở thôn, tổ dân phố bằng một trong các hình thức sau đây:
+ Biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín tại cuộc họp đại diện các hộ gia đình;
+ Phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình.
- Kết quả bầu hòa giải viên:
+ Người được đề nghị công nhận là hòa giải viên phải đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý;
+Trường hợp số người đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý nhiều hơn số lượng hòa giải viên được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thì danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên lấy theo kết quả bỏ phiếu từ cao xuống thấp;
+ Trường hợp số người được bầu không đủ để thành lập tổ hòa giải thì tổ chức bầu bổ sung cho đủ số lượng;
+ Trưởng ban công tác Mặt trận lập danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận hòa giải viên.
Quyết định công nhận hòa giải viên được gửi cho Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, hòa giải viên và thông báo công khai ở thôn, tổ dân phố.
Câu 2. Xin cho biết, hòa giải viên có những quyền gì?
Trả lời
Theo Điều 9 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013, hòa giải viên có những quyền sau đây:
- Thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở.
- Đề nghị các bên có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến vụ, việc hòa giải.
- Tham gia sinh hoạt, thảo luận và quyết định nội dung, phương thức hoạt động của tổ hòa giải.
- Được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải; được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải.
- Hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải.
- Được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
- Được hỗ trợ, tạo điều kiện để khắc phục hậu quả nếu gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải.
- Kiến nghị, đề xuất về các vấn đề liên quan đến hoạt động hòa giải.
Câu 3. Ông Kiên được tổ trưởng tổ hòa giải phân công hòa giải vụ việc tranh chấp đất đai giữa gia đình bà Thúy và ông Sơn. Tuy nhiên, ông Kiên và ông Sơn vốn là họ hàng gần, lại cùng đơn vị với nhau trong thời chiến tranh nên có quan hệ rất thân thiết. Bà Thúy e ngại rằng mối quan hệ giữa ông Kiên và ông Sơn có thể khiến việc hòa giải không khách quan. Xin hỏi: ông Kiên có được phép tiến hành hòa giải hay không?
Trả lời
Khoản 3 Điều 10 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2012 quy định: Hòa giải viên có nghĩa vụ từ chối tiến hành hòa giải nếu bản thân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải hoặc vì lý do khác dẫn đến không thể bảo đảm khách quan, công bằng trong hòa giải.
Như vậy, vì mối quan hệ thân thiết với ông Sơn có thể dẫn đến sự không khách quan trong hoạt động hòa giải nên ông Kiên có trách nhiệm từ chối tiến hành hòa giải.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 17 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013, bà Thúy với tư cách là một bên trong tranh chấp, có quyền đề xuất, lựa chọn hòa giải viên.
Câu 4. Tổ hòa giải có bao nhiêu thành viên? Tổ trưởng tổ hòa giải có quyền và trách nhiệm gì?
Trả lời
* Về tổ hòa giải:
Điều 12 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định:
- Tổ hòa giải có tổ trưởng và các hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ. Đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hòa giải phải có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số.
- Số lượng tổ hòa giải và số lượng hòa giải viên trong một tổ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định căn cứ vào đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, dân số của địa phương và đề nghị của Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
*Về tổ trưởng tổ hòa giải:
Tổ trưởng tổ hòa giải do hòa giải viên bầu trong số các hòa giải viên để phụ trách tổ hòa giải. Việc bầu tổ trưởng tổ hòa giải được thực hiện dưới sự chủ trì của Trưởng ban công tác Mặt trận bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín. Kết quả bầu tổ trưởng tổ hòa giải được lập thành văn bản và gửi chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để ra quyết định công nhận.
Theo Điều 15 Luật Hòa giải ở cơ sở thì tổ trưởng tổ hòa giải có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
+ Phân công, phối hợp hoạt động của các hòa giải viên.+ Đại diện cho tổ hòa giải trong quan hệ với Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong thực hiện trách nhiệm của tổ hòa giải.
+ Đề nghị cho thôi làm hòa giải viên theo quy định của pháp luật.
+ Báo cáo kịp thời với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan có thẩm quyền về các vụ, việc mà theo quy định của pháp luật, tổ trưởng tổ hòa giải có trách nhiệm phải thông báo.
+ Báo cáo hằng năm và báo cáo đột xuất về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải với Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
+ Phối hợp với tổ trưởng tổ hòa giải khác để trao đổi kinh nghiệm hoặc tiến hành hòa giải những vụ, việc liên quan đến các thôn, tổ dân phố khác nhau.
+ Có các quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên.
Câu 5. Có ý kiến cho rằng hòa giải viên chỉ có thể tiến hành hòa giải đối với một vụ tranh chấp khi một bên hoặc các bên trong tranh chấp yêu cầu, ngược lại nếu các bên không có yêu cầu thì hòa giải viên không được phép hòa giải. Ý kiến này có đúng không?
Trả lời
Theo quy định tại Điều 12 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 thì hoạt động hòa giải ở cơ sở được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Một bên hoặc các bên yêu cầu hòa giải;
- Hòa giải viên chứng kiến hoặc biết vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải;
Theo phân công của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Như vậy, nhận định trên là không đúng, hòa giải viên có thể chủ động tiến hành hòa giải ngay cả khi không được các bên tranh chấp yêu cầu.

                                                                                                                                      Nguyễn Thị Thu Hiền