CHUYÊN MỤC

quatrinhhinhthanhphattrien.png
       
          Trước năm 1973, Kanak là một vùng chiếm đóng của địch. Nơi đây là một vùng đất trũng được các dãy núi liên hoàn bao bọc và rừng cây tre phủ. Dân cư thưa thớt chủ yếu là đồng bào Bana sống du canh - du cư, trình độ sản xuất còn lạc hậu, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn. Khi có ánh sáng của Đảng, của Bác Hồ đồng bào Bana ta đã một lòng một dạ đi theo Đảng, theo Bác Hồ đứng lên đánh giặc giữ làng, giữ nước và góp phần với các dân tộc anh em trong tỉnh và cả nước giải phóng hoàn toàn Miền nam, thống nhất đất nước.
           Sau ngày đất nước thống nhất, đồng bào Kanak cùng cả nước bước vào thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội và hàn gắn vết thương chiến tranh, trong thời kỳ này ở địa bàn Kanak có 05 làng đồng bào Bana với trên 120 hộ và trên 500 nhân khẩu.
          Năm 1979 Đoàn bộ Đoàn 332, quân khu V về đóng quân tại địa bàn Kanak, tạo nên diện mạo và sức sống mới trên mảnh đất này, giao thông bước đầu được mở mang, kết cấu hạ tầng từng bước được xây dựng.
          Từ năm 1975 đến năm 1985 địa bàn Kanak thuộc địa giới hành chính của xã Đông, huyện An khê, tỉnh Gia lai-Kon tum.
          Từ năm 1981 đến năm 1984 người Kinh ở một số địa bàn trong cả nước đến làm ăn sinh sống, hầu hết là các gia đình các quân nhân thuộc đoàn 332, quân khu V; cũng trong thời kỳ này thôn 4 xã Đông được thành lập, là một trong những thôn có đông người Kinh tập trung sinh sống.
          Đầu năm 1985 huyện Kbang được thành lập, Cơ quan hành chính của huyện được đặt tại SơPai, đến tháng 3/1988 các cơ quan hành chính của huyện chuyển từ SơPai ra đóng tại Kanak, lúc này trên địa bàn Kanak có đơn vị kinh tế Trung ương đứng chân trên địa bàn (Liên hiệp các xí nghiệp Lâm, Nông, Công nghiệp Kon Hà Nừng), vì vậy tình hình dân cư và kinh tế - xã hội trên đã từng bước phát triển nhanh hơn, đòi hỏi phải tách đơn vị hành chính cơ sở để phù hợp với việc quản lý hành chính Nhà nước của địa phương.
     I/. Sự ra đời và tình hình kinh tế-xã hội từ ngày mới thành lập:
     1. Sự ra đời thị trấn Kbang:

    Được sự quan tâm của Thường trực Huyện ủy-HĐND-UBND huyện Kbang, trong những năm 1987-1988 đã tích cực hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục đề nghị UBND tỉnh Gia lai và Hội đồng Bộ trưởng cho thành lập thị trấn Kbang.
    Ngày 13 tháng 01 năm 1989 Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam ra Quyết định số 03/QĐ-HĐBT về việc phân chia địa giới hành chính xã Đông và thành lập thị trấn Kbang, với diện tích đất tự nhiên là 1.600 ha và 2.064 khẩu của xã Đông tách ra cùng với 3.440 nhân khẩu là cán bộ công nhân viên và hộ phi nông nghiệp ở khu vực huyện Kbang để thành lập thị trấn Kbang, địa giới hành chính thị trấn Kbang lúc này có phía Đông, phía Nam và phía Bắc giáp với xã Đông, phía Tây giáp xã Đông và xã Lơku.
     Ngày 20 tháng 2 năm 1989 Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang ra Quyết định số 07/QĐ-HU về việc tách tổ chức cơ sở đảng từ xã Đông về thị trấn Kbang với số đảng viên là 37 đồng chí và ngày 25/2/1989 Thường vụ Huyện ủy Kbang ra Quyết định số 09/QĐ-HU về việc chỉ định Ban chấp hành Đảng bộ thị trấn Kbang lâm thời gồm 09 đồng chí, trong đó: Đồng chí Đinh Gieng làm Bí thư Đảng ủy, Đồng chí Đinh Tờng làm phó bí thư phụ trách công tác chính quyền và đồng chí Nguyễn Xuân Thêm làm Phó bí thư trực Đảng.
    Ngày 01/03/1989 UBND huyện Kbang ra quyết định số 02/QĐ-UBND về việc chỉ định UBND lâm thời thị trấn Kbang gồm 05 thành viên, trong đó: Đồng chí Đinh  Tờng làm chủ tịch; Đồng chí Đỗ Xuân Đông làm Phó chủ tịch và đồng chí Đinh Nhôn làm Phó chủ tịch.
    Được sự giúp đỡ của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện và sau hơn 02 tháng chuẩn bị (Kể từ ngày có quyết định thành lập thị trấn), đến ngày 19 tháng 03 năm 1989 lễ ra mắt của Đảng ủy và UBND lâm thời thị trấn Kbang được tổ chức tại sân trường cũ của trường Tiểu học Lý Tự Trọng huyện Kbang (nay là trụ sở UBND thị trấn Kbang).Từ đó Đảng ủy và UBND lâm thời thị trấn Kbang bước vào hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành công tác quản lý nhà nước ở đơn vị hành chính mới đó là thị trấn Kbang và cũng từ đó mảnh đất Kanak được xác định xây dựng để từng bước trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của huyện.
    2. Tình hình kinh tế và xã hội của thị trấn Kbang ngày mới được thành lập.
    Ngày mới thành lập thị trấn Kbang có trên 500 hộ gồm 2.064 nhân khẩu trong đó: đồng bào Bana có 150 hộ với 650 nhân khẩu, đồng bào Kinh và các dân tộc khác là 350 hộ với 1.390 nhân khẩu. Với số nhân hộ khẩu trên được tổ chức thành 09 khối dân cư trong các khối có cả làng đồng bào Bana xen kẽ. Tổng diện tích tự nhiên là 1.600 ha. Ngoài những đặc điểm trên thì mật độ dân cư lại phân tán, địa hình bị chia cắt, cơ sở hạ tầng thì quá thấp kém. Đời sống kinh tế lúc này chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, song nền sản xuất trên địa bàn còn mang nặng tính tự cung, tự cấp; đồng bào Bana tại chỗ cơ bản sống du canh, du cư, sản xuất còn lạc hậu, tình trạng thiếu đói còn thường xuyên xảy ra và trên diện rộng; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hầu như chưa có gì. Cơ sở hạ tầng còn quá thấp kém, giao thông đi lại hết sức khó khăn. Trên địa bàn thị trấn ở thời điểm này chỉ có 06 tuyến đường đất, vừa là đường giao thông vừa là đường lâm nghiệp do đoàn 332 và Liên hiệp Lâm-Công-Nông nghiệp Kon Hà Nừng mở, mặt khác lại chưa có trụ sở làm việc chưa có, trong những năm 1989 đến năm 1990 Đảng ủy và Ủy ban nhân dân thị trấn phải làm việc tại các nhà Rông ở một số làng đồng bào Bana; Điện phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân trên địa bàn chưa có. Giáo dục chưa phát triển. Tình trạng mù chữ và thất học còn phổ biến, năm học 1989-1990 trên địa bàn có 15 lớp tiểu học với sỹ số học sinh là 516 em và 15 thầy, cô giáo. Đối với cán bộ của hệ thống chính trị từ thị trấn xuống các khối dân cư, làng, vừa yếu lại vừa thiếu;
    II/. 25 năm xây dựng và phát triển của thị trấn Kbang:
    1/ Về phát triển kinh tế, xã hội và Quốc phòng- An ninh:
    Ngày mới thành lập thị trấn Kbang, Đảng ủy, định hướng xác định cơ cấu kinh tế của thời kỳ đầu là Nông – Lâm nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp. Từ đó đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tích cực mở rộng diện tích sản xuất  nông nghiệp.
 Đến năm 2009 (Tức sau 20 năm ) diện tích đất canh tác là 1.573,9 ha, tăng 1.398 ha và bằng 8,99 lần so với năm 1989. Một số loại cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao đã từng bước được đưa vào phát triển và canh tác như cây cà phê, cây bắp lai, cây ăn quả và một số loại cây lương thực, thực phẩm khác. Tổng đàn gia súc năm 1989 có 850 con, đến năm 2009 là 10.237 con tăng 9.387 con và bằng 12,04 lần so với năm 1989. Vì vậy đời sống nhân dân đã có những bước đi vào ổn định và có tích lũy. Tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2009 ước đạt   5.800.000đ/người/năm.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thị trấn lần thứ bảy nhiệm kỳ 2010-2015 tiếp tục  định hướng về phát triển kinh tế theo hướng tăng dân tỷ trọng ngành kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và nghành nghề. Trên cơ sở đó chính quyền địa phương đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Có một số diện tích cây công nghiệp dài ngày được xác định là chủ lực như cây tiêu, cà phê, cao su và cây mắc ca…Cụ thể tính đến tháng 12/2013, tổng diện tích đất canh tác là 1.184 ha giảm 289,9 ha so với năm 2009 và bằng 18,41%. Do đó tỷ trọng ngành nông nghiệp đã từng bước giảm dần, song giá trị sản lượng hàng hóa không ngừng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Đàn gia súc, gia cầm được tăng mạnh cả về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Cụ thể đàn gia súc hiện có là 12.105 con, tăng 14,24 lần so với năm 1989 và tăng 1,18 lần so với năm 2009; đàn gia cầm là 41.300 con; Sản lượng cá nước ngọt trong 5 năm qua đạt bình quân 25 tấn/năm. Tổng giá trị ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 13,4 % cơ cấu kinh tế trên địa bàn. 
Ban đầu mới thành lập thị trấn chưa có nguồn thu ngân sách, chi ngân sách chủ yếu phụ thuộc hoàn toàn vào cấp trên; Năm 1989 tổng thu ngân sách là 12.103.000 đồng, đến năm 2008 tổng thu ngân sách đạt 2.486.000.000 đồng tăng 20,54 lần so với năm 1989 và đến năm 2013 tổng thu ngân sách đã đạt 7.866.487.375 đồng tăng 64,99 lần so với năm 1989 và tăng gấp 3,18 lần so với năm 2009. Ngoài ra năm 2013 còn thu các khoản đóng góp của nhân dân để xây dựng các quỹ chuyên dùng phục vụ cho công tác đảm bảo chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tốt hơn,với tổng số tiền là 414.344.000đ.
Từ khi mới thành lập thị trấn, sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp không đáng kể, chỉ có một xí nghiệp chế biến gỗ của Liên hiệp Lâm-Công nghiệp Kon Hà Nừng do Trung ương quản lý. Đến năm 2009 đã có 28 Doanh nghiệp Nhà nước và Tư nhân và trên 400 hộ kinh doanh cá thể. Trải qua 25 năm ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp và xây dựng từng bước phát triển và ổn định. Tính đến năm 2013 trên địa bàn hiện có trên 40 doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, trên 700 hộ kinh doanh cá thể tăng gấp gần 1,5 lần so với năm 2009, đặc biệt có Công ty TNHH Thảo nguyên xanh đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón và thức ăn chăn nuôi đi vào hoạt động.v.v.. từ đó đã thu hút hàng nghìn lao động ở địa phương, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dan trên địa bàn; nhiều doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, đã hỗ trợ tích cực cho địa phương trong việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn (Như Doanh nghiệp TN Hiệp Lợi…), nâng giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng và thương mại dịch vụ lên 458 tỷ đồng chiếm 86,6% cơ cấu kinh tế địa phương. Tổng thu nhập bình quân đầu người đạt 18.200.000đ/người/năm tăng 3,13 lần so với năm 2009.
Hệ thống giao thông từ lúc chỉ có 06 tuyến đường đất, đến năm 2009 đã có 35 tuyến đường có tên, trong đó có 20 tuyến đường thâm nhập nhựa, ngoài ra còn có các tuyến đường liên xóm và ngõ hẻm đã được mở mang, xây dựng mới được 03 cây cầu (02 cầu vĩnh cửu và 01 cầu treo), từ đó đã phục vụ cơ bản cho việc đi lại thuận tiện của nhân dân và lưu thông hàng hóa. Hệ thống giao thông trên địa bàn qua từng năm liên tục được đầu tư mở rộng, sửa chữa và nâng cấp, nhất là tuyến đường Tỉnh lộ 669 đã được thảm bê tông nhựa, tuyến đường Quang Trung đã được xây dựng thành đường một chiều, với đầy đủ hệ thống chiếu sáng và các tuyến đường nội thị khác, hiện nay có 51 tuyến, trong đó có 44 tuyến được thâm nhập nhựa hoặc  bê tông hóa. Đặc biệt là có đường Đông Trường sơn chạy qua địa bàn thị trấn và đã đầu tư xây dựng thêm 07 cây cầu vĩnh cửu khác trên các tuyến giao thông quan trọng. 
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về làm đường giao thông ven đô, những năm qua luôn được quan tâm thực hiện của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận nhất trí cao của nhân dân về việc đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương. Tính đến tháng 12/2013 trên địa bàn đã  hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng 88 tuyến đường với tổng chiều dài là 14,321km trị giá đạt 8.300.993.245 đồng, trong đó nhân dân đóng góp là 3.320.397.298 đồng, số còn lại do tỉnh và huyện hỗ trợ. 
Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, cùng với sự tham gia tích cức của nhân dân trên địa bàn đã làm thay đổi về diện mạo của một thị trấn ngày càng văn minh và xanh, sạch, đẹp hơn. Các công trình có ý nghĩa chính trị, văn hóa đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng có hiệu quả như Công viên văn hóa huyện, Nhà văn hóa thanh thiếu nhi huyện, Đền tưởng niệm Liệt sỹ Kanak… các công trình trên đã một phần đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân huyện nhà nói chung và nhân dân trên địa bàn thị trấn nói riêng. Đời sống của nhân dân trên địa bàn từng bước được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Đến nay đã có 100% hộ gia đình được sử dụng điện sinh hoạt và điện phục vụ sản xuất. Đặc biệt là một số tuyến đường chính đã được đầu tư lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng góp phần đảm bảo cảnh quan đô thị và giảm thiểu tai nạn giao thông cũng như các tệ nạn xã hội khác trên địa bàn.
 Cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động của cả hệ thống chính trị của thị trấn ngày càng được đầu tư thích đáng, đảm bảo đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn đề ra. Năm 1989 mới chỉ có 05 bộ bàn ghế và 10 tủ đựng tài liệu do huyện cấp. Đến năm 2009 đã có gần đủ phòng làm việc, có hội trường với sức chứa  khoảng 250 người. Các phương tiện phục vụ làm việc đã đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu cho các ban ngành, đoàn thể làm việc. Song đến nay cơ sở vật chất đã được trang bị đầy đủ và , các ban ngành, đoàn thể đã có phòng làm việc riêng và cơ bản đã có máy vi tính và được nối mạng để truy cập các thông tin cần thiết phục vụ cho công tác cơ bản đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ.
Tình hình an ninh chính trị luôn được giữ vững, trật tự ATXH trên địa bàn cơ bản ổn định.Thực hiện tốt phong trào toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ và phòng chống tội phạm ở các khu dân cư.  Qua đánh giá và phân loại các năm đơn vị thị trấn  được đánh giá là đơn vịđạt loại 1 về an ninh trật tự.
Trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, công tác QP-QSĐP luôn được quan tâm kiện toàn và củng cố. Xây dựng lực lượng Dân quân, lực lượng DBĐV  đủ về số lượng, đúng thành phần, đảm bảo về chất lượng, Thường xuyên làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, Chính quyền địa phương góp phần chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các loại tội phạm giữ vững an ninh chính trị, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội. 
Đời sống văn hóa, thể dục thể thao có bước phát triển rõ rệt, đến nay trên địa bàn thị trấn đã được phủ sóng truyền thanh, truyền hình. Phương tiện nghe nhìn trong nhân dân phát triển mạnh, hiện 100% gia đình có ti vi hoặc radio, 99% gia đình có sử dụng điện thoại để liên lạc, vì vậy đời sống tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển văn hóa trên địa bàn. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã thực sự đi vào đời sống của nhân dân, đến nay đã  có 15/27 TDP, Làng văn hóa. Phong trào VHVN-TDTT đã có bước phát triển nhanh, mạnh trong mọi tầng lớp nhân dân. Cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động VH-VN, TD-TT đã được các cấp chính quyền và cá nhân quan tâm đầu tư xây dựng; như sân vận động, nhà văn hóa huyện, sân bóng đá, khu công viên văn hóa huyện và các sân bóng chuyền tại các nhà Văn hóa, nhà Rông của các TDP, Làng từ đó trong những năm qua thị trấn luôn là một địa phương tích cực tham gia các phong trào VHVN-TDTT do huyện tổ chức, đạt kết quả cao. Đã tổ chức thành công 3 kỳ Đại hội TDTT cấp thị trấn, tham gia 3 kỳ Đại hội TDTT do huyện tổ chức và nhiều các cuộc hội thi, hội điễn tại huyện.
Hệ thống giáo dục đã có bước phát triển mạnh cả về bề rộng lẫn chiều sâu, tạo sự phát triển mới về nâng cao dân trí trên địa bàn. Thực hiện chương trình xã hội hóa giáo dục, đến năm 2013 tổng số trường học đã tăng lên là 09 trường với 176 phòng học, 5.824 học sinh (Khối THPT có 01 trường với 24 phòng học, 1.587 học sinh và 81giáo viên; Khối THCS có 02 trường với 49 phòng học, 1479 học sinh và 78 giáo viên; khối Tiểu học có 03 trường với 74 phòng học, 1.729 học sinh và 108 giáo viên; Khối Mầm non có 03 trường với 29 phòng học, 1034 cháu và 62 giáo viên), cơ sở vật chất và đồ dùng giảng dạy đã được đầu tư cơ bản, đảm bảo đáp ứng yêu cầu dạy và học của thầy và trò. Đội ngũ giáo viên đã được chuẩn hóa 100% theo quy định của Bộ giáo dục & Đào tạo. Chất lượng dạy và học không ngừng được nâng lên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp và thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng tăng lên qua các năm. Thị trấn được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục THCS năm 2003; Có 05 trường được công nhận là trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Trong đó (Trường Tiểu học Lý Tự Trọng được Sở GD&ĐT tỉnh công nhận là “lá cờ đầu bậc Tiểu học” từ năm học 1988-1999); Đã được đón nhận 04 Huân chương lao động hạng 2 và 3; 01 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 05 Bằng khen của Bộ GD&ĐT; 29  bằng khen và 04 cờ thi đua của UBND tỉnh; 07 lượt tập thể được công nhận “Tập thể lao động xuất sắc”; 174 lượt giáo viên đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua” các cấp; 69 giáo viên đạt danh hiệu “Giáo viên giỏi” các cấp (Cấp Quốc gia: 02 GV; Cấp tỉnh 25GV; Cấp huyện 42 GV); Đặc biệt bậc Tiểu học đã 7 năm liền dẫn đầu học sinh giỏi toàn tỉnh; Đã có 11 học sinh giỏi cấp Quốc gia; 99 học sinh giỏi cấp tỉnh và 513 học sinh giỏi cấp huyện; Một số học sinh đã trưởng thành và công tác trên nhiều lĩnh vực trong các Bộ, ngành của Trung ương và địa phương, trong đó có 01 tiến sỹ và 13 thạc sỹ.
Phong trào đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện và thực hiện các chính sách an sinh xã hội được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng rộng rãi, đến nay trên địa bàn hiện có 337 đối tương chính sách xã hội, trong đó: đối tượng ưu đãi là 154 người; đối tượng bảo trợ xã hội là 183 người; Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước và bằng các nguồn lực sẵn có của địa phương (Quỹ ĐƠĐN, các Doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn và các Đoàn thể thị trấn ủng hộ), trong những năm qua đã hỗ trợ sửa chữa và làm mới nhà ở cho 159 đối tượng. Hoàn thành cơ bản công tác giải quyết các chế độ chính sách còn tồn đọng trong chiến tranh theo các quyết định 385, 290, 142 và quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy đã góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách và đối tượng xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,33% (theo tiêu chí mới), giảm 75,83% so với năm 1989.
    Thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước đối với công tác Dân tộc và tôn giáo, công tác chăm sóc người cao tuổi trên địa bàn, tạo sự đồng thuận cao trong các dân tộc, các tôn giáo trên địa bàn, cùng nhau góp sức để xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp hơn.        
     Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân đã đạt được những kết quả quan trọng; việc phòng dịch bệnh ngày càng được quan tâm; Thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu quốc gia về y tế, dân số, gia đình và trẻ em. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 4,86% năm 1989  đến nay giảm xuống còn 0,92%; Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng đã giảm từ 32,6% năm 1989 xuống còn 10,64% năm 2013; 
    2. Về xây dựng hệ thống chính trị:
    2.1. Công tác xây dựng Đảng: 
Trải qua 25 năm với 7 kỳ Đại hội Đảng bộ, Ban chấp hành đảng bộ các khóa đến toàn thể cán bộ đảng viên luôn giữ vững được sự đoàn kết, thống nhất trong đảng. Vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, không ngừng được nâng lên; chất lượng hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với toàn bộ hoạt động của của hệ thống chính trị từ thị trấn đến các tổ dân phố và làng từng bước được được nâng lên, mối quan hệ giữa đảng với nhân dân ngày càng được củng cố và tăng cường, công tác chính trị tư tưởng luôn được coi trọng, góp phần nâng cao nhận thức, tính tích cực của cán bộ, Đảng viên và nhân dân; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng, gắn chặt với việc thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động trong cán bộ, Đảng viên.
Thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, xắp xếp và bố trí cán bộ, xây dựng và cũng cố tổ chức từ thị trấn xuống các tổ dân phố và làng, số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ Đảng không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Năm 1989 toàn Đảng bộ chỉ có 3 chi bộ với 37 đảng viên, đến nay Đảng bộ đã có đã có 37 chi bộ trực thuộc với 472 Đảng viên, tăng 12,75 lần, trong đó: Đảng viên nam có 248 đồng chí; Đảng viên nữ có 224 đồng chí; Danh hiệu 55 năm tuổi Đảng có 04 đồng chí; Danh hiệu 50 năm tuổi Đảng có 06 đồng chí; Danh hiệu 40 năm tuổi Đảng có 16 đồng chí; Danh hiệu 30 năm tuổi Đảng có 53 đồng chí. 100% các TDP, Làng và các nhà trường đều có chi bộ, trên 80% chi bộ có cấp uỷ Đảng. Có trên 80% tổ chức Đảng đạt “Trong sạch vững mạnh” và vững mạnh tiêu biểu. Lòng tin của Đảng đối với nhân dân được cũng cố và nâng lên.
2.2. Về công tác xây dựng chính quyền:
Với 6 nhiệm kỳ HĐND, công tác xây dựng, củng cố chính quyền ngày càng quan tâm và đi vào hoạt động có hiệu quả. HĐND đã phát huy tốt chức năng cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương trong việc quyết nghị và giám sát thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh tại địa phương. Đại biểu HĐND đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm của người Đại biểu HĐND, thực sự xứng đáng là người đại biểu của nhân dân, kịp thời phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. đã được tặng nhiều giấy khen của các cấp, năm 2012 HĐND thị trấn được bình chọn là đơn vị dẫn đầu trong cụm thi đua số 1 của huyện.
UBND thị trấn từ những khóa đầu nhiệm kỳ hầu hết là những cán bộ đã nghỉ hưu hoặc là thương, bệnh binh của Đoàn 332 về nghỉ, làm ăn sinh sống và lập nghiệp tại địa phương. Những năm qua, đội ngũ cán bộ đã từng bước được trẻ hóa và chuẩn hóa về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời giữ vững tính kế thừa và phát huy được những bản chất tốt đẹp của các đồng chí lãnh đạo lão thành các khóa, có tinh thần đoàn kết và lòng nhiệt tình trong công tác, giám nghĩ, giám làm và giám chịu trách nhiệm. Thường xuyên củng cố và kiện toàn Ban lãnh đạo các TDP, Làng ngày càng đi vào hoạt động có hiệu quả, thực sự là cánh tay đắc lực trong việc thực hiện nhiệm vụ của UBND thị trấn. Từ đó đã thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước tại địa phương; tổ chức, triển khai thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, củng cố QP-AN qua từng năm, đảm bảo năm sau cao hơn năm trước. Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, gắn với giải quyết công việc  cho các tổ chức và nhân dân khi đến liên hệ công tác tại cơ quan, nhất là tại bộ phận “Một cửa” tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, khắc phục kịp thời tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, hách dịch, gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân. Thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và công tác cải cách hành chính; Quan tâm  đầu tư kinh phí xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn của đội ngũ cán bộ, đảm bảo cơ quan luôn xanh, sạch, đẹp. Đã được UBND tỉnh tặng 02 bằng khen, 01 cờ thi đua và nhiều giấy khen của các cấp; năm 2012 đã được Liên đoàn Lao động tỉnh Gia lai công nhận là “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”.
4.3. Công tác xây dựng Mặt trận và các Đoàn thể:
Mặt trận và các Đoàn thể chính trị xã hội thực sự trở thành cầu nối giữa nhân dân với Đảng và giữa Đảng với nhân dân; thường xuyên được củng cố và kiện toàn về tổ chức, số lượng đoàn viên, hội viên phát triển mạnh mẽ qua từng năm. Thực hiện vai trò của mình, các tổ chức đoàn thể đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tập hợp và phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Trong những năm qua đã đồng loạt triển khai nhiều các kế hoạch, các cuộc vận động, ủng hộ xây dựng các loại quỹ hội và phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, duy trì các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách huyện giải ngân hàng chục tỷ đồng cho nhiều hội viên vay để sản xuất kinh doanh vươn lên làm giàu chính đáng. 
-Tháng 6 năm 1989 UBMTTQVN thị trấn lâm thời  được thành lập có 06 Ban công tác Mặt trận với 13 Ủy viên; trải qua 8 kỳ Đại hội hiện nay đã có 27 Ban công tác Mặt trận, 45 Ủy viên; trong 25 năm qua, với chức năng nhiệm vụ của mình UBMTTQVN thị đã tích cực tuyên truyền và vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước  và các quy định khác của địa phương; thường xuyên củng cố và kiện toàn Ban thanh tra nhân dân hoạt động có nề nếp và đạt hiệu quả; Tích cực tuyên truyền và thực hiện các cuộc vận động như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt nam”, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; Trong những năm qua với tinh thần lá lành đùm lá rách, UBMTTQ thị trấn đã tích cực triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng quỹ “Ngày vì người nghèo” được tổng số tiền là trên 121 triệu đồng, đã giúp các hộ nghèo sửa chữa và làm mới 37 căn nhà Đại đoàn kết, đồng thời tiếp nhận từ nguồn quỹ này của cấp trên xây mới 11 căn nhà khác với tổng trị giá 700 triệu đồng. Công tác tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền đã được UBMTTQ thị trấn chú trọng quan tâm, kết quả thực hiện trong 25 năm qua đã có 06 lần hiệp thương và giới thiệu được 208 ứng cử tham gia để bầu Đại biểu HĐND thị trấn các khóa, đảm bảo đúng quy trình theo Luật định; Phát huy tích cực quyền dân chủ của nhân dân. Từ những kết quả đó UBMTTQVN thị trấn đã được UBMTTQVN tỉnh tặng 8 Bằng khen và nhiều giấy khen của các cấp.
-Hội CCB thị trấn được thành lập tháng 5/1990, mặc dù là một tổ chức chính trị- xã hội mới ra đời song đã nhanh chóng trở thành một lực lượng đông đảo và ngày càng lớn mạnh; ngày đầu thành lập mới có 100 hội viên với 5 chi hội, qua 25 năm xây dựng và phát triển đến nay đã có trên 800 hội viên với 27 chi hội, kết quả đã tập hợp 97% CCB, cựu quân nhân vào Hội , gồm các đ/c đã trải qua nhiều thử thách trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và những gian khổ của đầu thời kỳ đổi mới đất nước; Với bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, với phong trào “Trung thành-đoàn kết-gương mẫu-đổi mới” CCB thị trấn luôn giữ vững về lập trường tư tưởng chính trị, tích cực tham mưu cho cấp uỷ xây dựng thực lực chính trị ở cơ sở, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc của địa phương. Trong thời gian qua, Hội đã phối hợp với Ngân hàng chính sách huyện giải ngân cho 274 hội viên vay để phát triến kinh tế gia đình với số tiền trên 7 tỷ đồng, từ nguồn vốn trên đã giúp một số hội viên phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Từ kết quả đó, Hội CCB thị trấn đã liên tục được cấp trên bình xét là đơn vị TSVM, được tỉnh Hội tặng 4 bằng khen, có 105 lượt tập thể chi hội  được Huyện Hội, UBND các cấp tặng giấy khen và hàng trăm cá nhân xuất sắc được biểu dương , khen thưởng.
-Hội Nông dân được thành lập từ năm 1989 chỉ có 04 chi hội với 69 hội viên, trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành trải qua 8 kỳ đại hội, hiện đã có 27 chi hội với 1.039 hội viên, hoạt động của BCH Hội và hội viên ở các TDP, Làng ngày càng hiệu quả và đều khắp, nhiều Hội viên đã vươn lên thoát nghèo bằng nguồn vốn hỗ trợ nông dân. Triển khai có hiệu quả phong trào “Hộ gia đình nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau và làm giàu chính đáng, xóa đói, giảm nghèo”. Hiện Hội đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, nhiều cuộc vận động; như cuộc vận động xây dựng QHTND được trên 88 triệu đồng, đã cho 26 lượt hội viên vay để mua các loại giống cây trồng và chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình; vận động xây dựng quỹ “Xóa nhà tạm” được trên 49 triệu đồng và đã hỗ trợ sửa chữa được 10 căn nhà cho hội viên nghèo, phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã giải ngân cho 453 hộ  vay để phát triển kinh tế với tổng số tiền lên tới trên 11 tỷ đồng. Từ đó kinh tế gia đình của các hội viên đã có từng bước phát triển, một số gia đình đã vươn lên làm giàu chính đáng.
     - Hội LHPN thị trấn là một trong những đơn vị có nhiều phong trào phát triển đều và mạnh nhất so với các đoàn thể khác trong 25 năm qua. Những ngày đầu mới thành lập tổ chức hội có 252 hội viên được chia làm 8 chi hội, đến năm 2009 có trên 1.700 hội viên  được chia thành 27 chi hội, đến nay tổng số hội viên đã có 2.291, tăng trên 500 hội viên và được tham sinh hoạt ở 27 chi hội TDP, làng. Hội đã triển khai thực hiện tốt phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”;  cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; Hưởng ứng CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; ngoài ra Hội đã phát động các phong trào “Hũ gạo tình thương”;“Hũ tiền tiết kiệm” trong mỗi gia đình hội viên, đến nay kết quả đã trút được trên 3.000 kg gạo và trên 22 triệu đồng, kịp thời giúp cho 423 gia đình gặp khó khăn; phong trào “phụ nữ tiết kiệm”, đã xây dựng được 53 tổ tiết kiệm vốn xoay vòng với tổng số tiền trên 700 triệu đồng, tạo điều kiện cho 297 lượt người vay để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Hội đã phối hợp với Ngân hàng CS-XH huyện làm tốt công tác giải ngân cho 573 hộ vay vốn với tổng dư nợ do Hội quản lý trên 14 tỉ đồng và 481 triệu đồng tiết kiệm của thành viên. Qua đó đã hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo việc làm đã giúp cho nhiều phụ nữ nghèo có việc làm, cải thiện đời sống; Thực hiện phong trào kết nghĩa, Hội chỉ đạo 5 cụm thi đua kết nghĩa với 6 làng đồng bào dân tộc thiểu số, có 31 gia đình người kinh kết nghĩa với 65 gia đình dân tộc thiểu số, với mô hình kết nghĩa này các chi hội tổ dân phố đã giúp các chi hội làng cả về kiến thức và vật chất, dúp chị em hội viên khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Hưởng ứng phong trào xây dựng “Mái ấm tình thương” cho hội viên phụ nữ nghèo, Hội đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên tích cực hưởng ứng phong trào, đến nay quyên góp được trên 91 triệu đồng, hỗ trợ sửa chữa và làm mới 16 căn nhà với tổng trị giá 75 triệu đồng … và nhiều phong trào khác. Vì vậy trong những năm qua luôn được cấp trên đánh giá là đơn vị vững mạnh xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ công tác hội và các phong trào thi đua, đã được Tỉnh hội, Trung ương Hội tặng 18 bằng khen, 02 cờ thi đua và 6 giấy khen.
- Đoàn thị trấn từ năm 1989 đến năm 1990 có 27 đoàn viên, thanh niên đến nay có 30 chi đoàn với 414 đoàn viên và 725 thanh niên. Hàng năm thường xuyên tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các hoạt động nhân “Tháng thanh niên” Thực hiện có hiệu quả phong trào “xung kích phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, phong trào “Đồng hành với Thanh niên lập nghiệp”. Đến nay đã xây dựng được 2 làng thanh niên cấp tỉnh, 2 làng thanh niên cấp huyện, và nhiều thanh niên làm kinh tế giỏi…, vận động ĐVTN tham gia góp đá xây dựng Trường Sa, quyên góp tiền mua xe đạp và đồ dung học tập tặng cho học sinh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Qua đó Đoàn thị trấn đã được tỉnh Đoàn tặng bằng khen và được huyện Đoàn tặng nhiều giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. 
    * Những kết quả đạt được qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, đến hôm nay  đã thực sự xứng đáng là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của huyện nhà, là đầu mối giao dịch, tiêu thụ, chế biến và cung cấp các mặt hàng từ sản xuất nông-lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, đủ sức cạnh tranh với các mặt hàng cùng chủng loại trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước; những thành tích đó là vô cùng to lớn, cho phép chúng ta khẳng định  đó là kết quả của lòng yêu nước, yêu quê hương và ý chí cách mạng kiên cường, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của đồng bào các dân tộc trong thị trấn; phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các dân tộc, các tầng lớp lao động, đội ngũ trí thức trên địa bàn; cùng với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành trong huyện; đồng thời khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Ban Chấp hành Đảng bộ; sự chỉ đạo, tổ chức, điều hành linh hoạt của chính quyền cộng với sự phối hợp chặt chẽ của các Ban, Ngành đoàn thể thị trấn; đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đã thực sự là những người có uy tín và năng lực lãnh đạo, tập trung được sự đoàn kết, nhất trí cao trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.  
Nguồn: Lê Như ( tính đến năm 2013)