CHUYÊN MỤC

Nghề dệt ở Kbang

24/10/2017

(GLO)- Vừa qua, huyện Kbang tổ chức thành công Liên hoan nghệ thuật cồng chiêng và các nghề truyền thống. 12/14 xã, thị trấn tham gia liên hoan với 11 đội cồng chiêng, 6 đội dệt, 6 đội đan lát, 3 đội tạc tượng. Theo quy định của Ban tổ chức, mỗi đội dệt gồm 3 nghệ nhân. Từ thực tế các đội nghệ nhân dệt thổ cẩm tham gia thể hiện tay nghề tại liên hoan lần này cộng với thực tế khảo sát điền dã của chúng tôi, có thể khẳng định nghề dệt ở Kbang đang được bảo tồn tốt. Nếu dệt bằng nguyên liệu truyền thống là sợi bông thì thời gian hoàn thành một bộ váy áo mất cả tháng nhưng dệt bằng sợi, chỉ, len có bán sẵn trên thị trường thì một sản phẩm tùy lớn/nhỏ mà mất 10 đến 15 ngày. Nghệ nhân của các xã: Kông Lơng Khơng, Đak Smar, Kon Pne, Nghĩa An, Sơn Lang, thị trấn Kbang từ sáng sớm đã tìm vị trí lắp đặt khung dệt và ngồi chăm chú dệt mặc cho cái nóng hầm hập khô rát cuối tháng 5. Các sản phẩm trước khi đem đến liên hoan được dệt trước ở nhà 60% nên tại liên hoan cơ bản chỉ là công đoạn trang trí và hoàn thiện sản phẩm.


Các nghệ nhân dệt làng Đak A Sêl của xã Sơn Lang hoàn thành phần thi sớm nhất với 4 sản phẩm gồm: túi đeo, áo nữ lớn, áo nữ nhỏ, váy (hbanh). Các sản phẩm đều dệt bằng sợi bông, hoa văn trang trí đẹp với 3 màu chính: đen, trắng, đỏ sậm. Chiếc váy do nghệ nhân Đinh Thị Lân dệt rất hoàn hảo cả về kỹ thuật dệt lẫn sự phối màu và trang trí hoa văn. Chị được học nghề dệt từ mẹ và chị gái. Khi biết rồi thì những lúc rảnh rỗi ngồi dệt, làm thấy vui, thấy thích. Chị kể: Ngày chị bắt chồng, quà cho nhà chồng là một gùi áo, khố, tấm đắp. Nhà chồng ai cũng khen ngợi. Chị muốn dệt để giữ nghề của dân tộc mình và truyền dạy cho con gái, cháu gái cùng biết dệt váy áo cho mình để diện trong các lễ hội của làng, trong các cuộc thi, liên hoan của xã, huyện.

Các đội nghệ nhân thi dệt tuổi đời trung bình từ 25 đến 55, trẻ nhất là cô gái đến từ làng Kon Touch (xã Kon Pne) Đinh Y Đeo, sinh năm 1991. Em chỉ dệt 1 chiếc khố nhỏ bằng sợi len nhưng những tua rua nơi hai đầu khố và sự pha màu xanh non cộng sợi kim tuyến vàng óng ánh trên hoa văn dọc thân khố lại khá sáng tạo. Một số người cho rằng sự pha màu ấy khiến hoa văn trang phục mất đi vẻ đẹp truyền thống của dải khố. Tuy nhiên, nghề truyền thống là nghề truyền nối thế hệ. Mỗi thế hệ sống trong môi trường xã hội, văn hóa có sự phát triển theo giai đoạn tương ứng, sự giao thoa văn hóa với các dân tộc cùng chung sống trên địa bàn, sự sáng tạo văn hóa của những nghệ nhân trẻ trong xã hội đương đại là điều tất yếu. Bảo tồn văn hóa cần theo hướng “động”, nếu “đóng khung” như cái xưa cũ của ông cha trong thời đại mới thì e chẳng khả thi. Các nghệ nhân xã Kông Lơng Khơng tay nghề dệt giỏi, 6 sản phẩm họ mang tới liên hoan, dệt hoàn thiện trong một ngày gồm: túi đeo, khố, áo nam, dây quấn đầu, áo váy nữ. Các sản phẩm đều rất đẹp từ chất liệu đến hoa văn họa tiết trang trí. Các chị Đinh Thị Hiền, Đinh Thị Lăm quả là những phụ nữ Bahnar có đôi bàn tay vàng và các chị xứng đáng nhận giải nhất tại liên hoan năm nay.

Được biết, hiện nay, chị em dân tộc Bahnar ở Kbang đa số vẫn biết dệt thổ cẩm và vẫn đang phát huy nghề dệt. Giá một bộ trang phục dệt bằng sợi bông truyền thống khoảng 3 triệu đồng, trang phục dệt bằng len khoảng 1.500.000 đồng. Những người phụ nữ Bahnar vẫn kiên trì truyền nghề cho con, cháu gái để chúng giữ nghề truyền thống và mong muốn các sản phẩm được bán đi khắp nơi cho du khách. Họ nói rằng chỉ có làm như vậy sản phẩm dệt của người Bahnar mới được mọi người biết nhiều và chị em phụ nữ mới có thêm tiền cải thiện cuộc sống. Với nghề dệt của người Bahnar ở Kbang nói riêng, Gia Lai nói chung cùng các sản phẩm của chị em phụ nữ. Đặc biệt, họ mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, định hướng và tạo môi trường phát triển bền vững để những giá trị văn hóa tốt đẹp của nghề dệt truyền thống không mai một trong xã hội hiện đại.

Hoàng Thanh Hương