CHUYÊN MỤC

Tổ chức Hội thảo khoa học về di tích lịch sử vụ thảm sát làng Tân Lập

(ngày đăng bài: 20/11/2016)
     Tại xã Đăk Hlơ, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai vừa phối hợp với huyện Kbang tổ chức Hội thảo khoa học di tích lịch sử vụ thảm sát làng Tân Lập năm 1947. Đồng chủ trì Hội nghị có các ông Nguyễn Văn Hạnh – Phó Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh, Phạm Xuân Trường – Phó Chủ tịch UBND huyện. Tham dự có Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Kbang Huỳnh Trọng Khánh, đại diện một số phòng nghiệp vụ của Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh và ngành chuyên môn huyện, các nhân chứng và thân nhân các gia đình bị thảm sát ở làng Tân Lập, đại diện cấp uỷ, chính quyền xã Đăk Hlơ. 

Hinh-quang-canh-buoi-Hoi-thao.jpg

     Theo một số nhân chứng và tài liệu nghiên cứu, làng Tân lập, xã Đăk Hlơ, huyện Kbang có từ thế kỷ XIX và đến năm 1912 khi dân cư tập trung tương đối đông thì làng mới được xây dựng và ban sắc phong thần. Bà con cũng lấy năm 1912 làm mốc đánh dấu thời gian thành lập làng. Trước đây làng Tân Lập thuộc tổng Tân Phong, huyện An Khê, tỉnh Gia Lai và nay là thuộc thôn 6, xã Đăk Hlơ, huyện Kbang. Cuối những năm 1946 đầu 1947, phong trào chống thực dân Pháp xâm lược ở Gia Lai diễn ra mạnh mẽ; nhất là chiến dịch tấn công địch trên toàn mặt trận để giải phóng An Khê. Nhằm đàn áp phong trào kháng chiến của quân và dân nơi đây, thực dân Pháp đã huy động lực lượng và ra sức càn quét, đàn áp khốc liệt. Nghi ngờ bà con nhân dân làng Tân Lập nuôi dấu cách mạng, sáng ngày 18/3/1947, thực dân Pháp đã cho lính càn vào làng giết hại bà con và đốt sạch 74 nóc nhà ở làng Tân Lập; theo thống kê sau này vụ lính Pháp càn có 368 người bị sát hại, một số người may mắn thoát chết. Dã man hơn bọn chúng không cho ai vào làng để chôn cất những người đã chết và đến mãi gần 1 tháng sau những người còn sống sót mới được quay về làng để chôn cất bà con. Vụ tàn sát làng Tân Lập được coi là một trong những vụ thảm sát đẫm máu nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở nước ta bởi đã giết hại hàng trăm người dân vô tội và xoá xổ 1 ngôi làng. Đầu năm 2004, sau khi nhà báo Phan Duy Tiên – Nguyên Trưởng Đài TT-TH An Khê đã có 2 bài đăng trên báo Gia Lai phản ánh về tội ác man rợ của thực dân Pháp khi thảm sát làng Tân Lập đã giành được nhiều sự quan tâm của các cấp, ngành và người dân. Tháng 9 năm 2004, UBND huyện Kbang đã tổ chức Hội thảo “Về việc giặc Pháp sát hại nhân dân làng Tân Lập năm 1947” và qua nhiều đại biểu, nhân chứng Hội thảo đã kết luận vụ thảm sát là có thật. Sau Hội thảo huyện Kbang đã xin ý kiến và năm 2015 đã hoàn thành xây dựng Nhà tưởng niệm nhân dân làng Tân Lập bị giặc Pháp sát hại năm 1947 với tổng diện tích hơn 5.000 mét vuông; trong đó có danh sách của những chủ hộ và số người bị giết hại. Hiện nay làng Tân Lập có 10 ngôi mộ tập thể nằm xung quanh khu Nhà bia tưởng niệm và chỉ có 1 ngôi mộ duy nhất trong số này được người thân dựng bia và khắc tên 2 người.

Hinh-khuon-vien-nha-bia-tuong-niem-vu-tham-sat-lang-Tan-lap.jpg
Hình: Khuôn viên nhà bia tưởng niệm vụ thảm sát làng Tân lập

     Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, làm rõ một số vướng mắc và thống nhất về mặt thời gian liên quan đến vụ thảm sát làng Tân Lập.

     Sau Hội thảo, Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đề nghị UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử “Vụ thảm sát làng Tân Lập ngày 18/3/1947” là di tích lịch sử cấp tỉnh.              
             
                                                                                    Đức Hải - Đài TT-TH Kbang

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang