CHUYÊN MỤC

htpt-(1).jpg
     


Huyện Kbang được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 19/5/1985. Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với truyền thống anh hùng, trải qua 3 thập niên xây dựng và phát triển, Kbang hôm nay đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Thành quả đó là tiền đề quan trọng để Kbang vững bước đi lên trên con đường đổi mới.  
     Từ ngã ba Đồng Găng (An Khê) đi theo Tỉnh lộ 669 chừng 25 km là tới trung tâm huyện Kbang. Về đây những ngày này, có thể dễ dàng nhận thấy vùng căn cứ địa cách mạng năm xưa đã có nhiều sự phát triển vượt bậc. Để có được một Kbang như hôm nay là cả một quá trình phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong huyện. Bởi xuất phát điểm của Kbang là một huyện có quá nhiều khó khăn.
      Về nơi 30 năm trước
     Chỉ cho chúng tôi vị trí mà 30 năm trước huyện Kbang tổ chức Lễ ra mắt, ông Đoàn Thanh Hùng - lúc đó là Trưởng Phòng Tài chính – Giá cả, bồi hồi kể lại: để chuẩn bị lễ ra mắt của huyện, hồi đó ông cùng một số cán bộ phải vào xã Sơ Pai trước nhằm vận động nhân dân làm nhà tạm để có trụ sở làm việc. Đó là khu vực làng Buôn Lưới, một khu đất ở bên suối Đăk HLet. Ông Hùng còn nhớ như in từng vị trí nhà làm việc của Huyện ủy, UBND huyện cũng như các ban, ngành, đoàn thể của huyện. Ông Hùng cho biết: “Khu vực trụ sở Huyện ủy, UBND huyện và các phòng ban chuyên môn của huyện có diện tích khoảng hơn 1 ha; nhà cửa lúc đó là huy động bà con nhân dân làm vách bằng tranh, mái lợp giấy dầu, thời gian thi công khoảng gần 01 tháng, hoàn thành trong tháng 4 năm 1985 để Huyện ra mắt và đi vào hoạt động từ 19/5/1985”.
     Hồi đó, từ ăn, ở, sinh hoạt, đi lại … cái gì cũng khó; thậm chí có cán bộ trẻ vào đây công tác đã có ý định bỏ việc. Khó khăn là vậy nhưng mọi người luôn động viên, an ủi, giúp đỡ nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Ông Lê Bá Châu – nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Kbang, nhớ lại: “Lúc đó khó khăn lắm; sau khi trực mùng 1, mùng 2 Tết thì mùng 3 tôi cùng một đoàn đi bộ từ trong Sơ Pai ra đến bến xe, bây giờ là chỗ nhà Mỹ Ngọc, thì đó mới có xe chạy về An Khê rồi mới về quê được”.
     Huyện Kbang ra mắt, làm việc tại khu vực gần làng Buôn Lưới chưa ấm chỗ thì lại chuyển lên vị trí mới cách đó khoảng 3 km. Địa điểm mới này nay là trung tâm xã Sơ Pai; hồi đó gọi là làng Kinh, có một số trụ sở  được xây nhà cấp 4. Ở vị trí thứ 2 này được khoảng hơn 1 năm, do giao thông không thuận lợi và gặp nhiều khó khăn khác cho việc phát triển nên các cơ quan của huyện lại chuyển đi nơi khác. Ông Nguyễn Viết Tám – Chủ tịch HĐND xã Sơ Pai, cho hay: “Lúc đó địa bàn xã Sơ Pai hẹp, đồi dốc, không phù hợp cho phát triển của trung tâm huyện lỵ. Cho nên khi huyện có chủ trương ra ở Ka Nak bây giờ thì bà con cũng có suy nghĩ, nếu trung tâm huyện đóng ở đây thì khó phát triển được”.
     Đến nơi đất lành
     Tháng 5 năm 1988, các cơ quan của huyện chuyển ra Ka Nak, tiếp nhận một số cơ sở vật chất của các đơn vị thuộc Liên hiệp Lâm – Nông –Công nghiệp Kon Hà Nừng nhường lại để có trụ sở làm việc ban đầu, và huyện Kbang bắt đầu “an cư lạc nghiệp” từ đây.
     Được thừa hưởng một phần cơ sở hạ tầng của Liên hiệp Lâm – Nông –Công nghiệp Kon Hà Nừng, của Nông trường mía sông Ba; cùng với chủ trương đúng đắn của Đảng bộ và sự điều hành sáng tạo của UBND huyện, sự đồng thuận của nhân dân, Kbang vừa ổn định vừa xây dựng, từng bước phát triển đi lên.  Ông Trần Tuyển – nguyên Chủ tịch UBND huyện Kbang, cho biết:  “Được sự tạo điều kiện của Đoàn 332  cho mượn toàn bộ nhà cũ của Liên hiệp Lâm – Nông – Công nghiệp Kon Hà Nừng nên khi ra là có nhà ở, chỗ làm việc ổn định liền”.
     Còn ông Đinh Tờng – nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Kbang, cũng cho biết: “Khu vực Ka Nak là địa thế trung tâm các xã, thời đấy anh em người Kinh có ít, chỉ có số anh em công nhân Liên hiệp thôi. Nhưng trong quá trình phát triển, anh em người Kinh đến cùng bà con ở đây sinh sống làm ăn. Nói chung là cả anh em Kinh cả anh em dân tộc thiểu số cùng nhau đoàn kết xây dựng huyện Kbang”.
     Ka Nak còn có địa thế Sơn - Thủy hài hòa, xung quanh là núi, có dòng sông Ba uốn lượn chảy qua, có vùng đất bằng phẳng khá rộng; giao thông có Tỉnh lộ 669 và nay còn có cả Quốc lộ Trường Sơn Đông chạy qua. Nhờ đó mà vùng đất lành này nói riêng, huyện Kbang nói chung đã hội tụ hơn 20 dân tộc anh em ở trên 44 tỉnh thành trong cả nước về đây cùng chung sống, xây dựng quê hương mới.
     Vững bước đi lên
     Dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, qua các kỳ Đại hội, Đảng bộ huyện Kbang đã từng bước vận dụng những chủ trương, chính sách của Trung ương, của Tỉnh vào tình hình thực tế huyện nhà. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện luôn phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và tích cực khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực sẵn có để phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
     Từ chỗ lạc hậu, đến nay đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện đã từng bước sản xuất theo hướng hàng hóa với các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Từ đó đời sống của đồng bào không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt gần 20 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 29,5%. Ông Trần Ngọc Bình, ở thôn 3, xã Đông, phấn khởi nói: “Gia đình ở từ đây từ năm 1982 đến nay. Tôi thấy đời sống kinh tế phát triển rõ nét. Trước kia chưa có đường bê tông, Trạm xá cũng chưa có, trường học cho các cháu chưa đầy đủ. Nay thì điện, đường, trường, trạm rất đầy đủ. Về sản xuất thì hiện nay hiện đại hơn, dùng bằng máy móc; trước kia cuốc nay có máy cày; trước phát cỏ, dẩy cỏ  nay có máy phát cỏ… nói chung bữa nay đời sống tiến bộ rõ nét”.
     Nhờ đẩy mạnh phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hoá gắn với thị trường; sản xuất CN-TTCN - xây dựng và thương mại dịch vụ phát triển khá toàn diện … nên đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong huyện được nâng lên rõ rệt. Đến nay 100% thôn, làng, tổ dân phố đã có điện lưới với 99% số hộ sử dụng điện. Đường ô tô đến được tất cả thôn, làng, trong đó có khoảng 40% đường giao thông liên xã, liên thôn được bê tông và nhựa hóa; gần 95% dân số đang sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; 100% thôn, làng, tổ dân phố có nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng.
     Sự nghiệp giáo dục của Kbang phát triển đồng bộ; hệ thống trường, lớp học được kiên cố hoá; toàn huyện có 11 trường đạt chuẩn Quốc gia; hoàn thành và duy trì bền vững kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục.
Thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hoá, đến nay toàn huyện có 80% cơ quan, hơn 75% khu dân cư văn hóa, trên 90% số hộ đạt gia đình văn hóa. Hệ thống truyền thanh - truyền hình huyện và cơ sở tiếp tục được đầu tư. Đến nay 9 xã, thị trấn trong huyện đã có hệ thống Đài truyền thanh cơ sở, trên 90% số thôn làng có cụm loa FM để theo dõi thông tin.
     Chính sách an sinh xã hội ngày càng đảm bảo, cơ bản đã xoá nhà tạm, nhà dột nát. Thông qua các chương trình trọng điểm của Chính phủ, huyện đã  giải quyết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, việc làm cho hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Hỗ trợ vốn, các loại cây, con giống để nhân dân phát triển kinh tế. Đến nay 100% làng ổn định định canh, định cư vững chắc…  Ông Trương Văn Nhuần – nguyên Chủ tịch UBND huyện Kbang, có cảm nhận: “Có được những đổi thay này thì trước hết phải nói là chúng ta có nhiều cố gắng. Nếu chúng ta không có sự cố gắng, không có tinh thần làm chủ, không có tình yêu quê hương, không đặt vấn đề làm cái gì trước, việc gì sau để quê hương phát triển thì rõ ràng chúng ta không thể có được”.
     Thời gian qua, Đảng bộ huyện cũng luôn quan tâm đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên. Đến nay, Đảng bộ huyện có 56 tổ chức đảng trực thuộc với hơn 2.800 đảng viên, tăng hơn 4,5 lần so với khi mới thành lập huyện. Đã xoá được các thôn, làng, tổ dân phố, trường học, trạm y tế  trắng đảng viên, trắng tổ chức đảng. Việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được triển khai sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực; nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; tạo được sự đồng thuận trong xã hội; phát huy tốt hơn sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc; nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của Đảng, sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương. Chị Nguyễn Thị Thu Nhi – Quyền Bí thư Huyện đoàn, tâm sự: “Chúng tôi rất tự hào khi huyện Kbang đã có sự phát triển, thay da đổi thịt như hôm nay, trong đó có sự góp phần của thế hệ trẻ chúng tôi. Chúng tôi nguyện với sức trẻ của mình, với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, tiếp tục đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của huyện để Kbang ngày càng văn minh giàu đẹp”.
 
     Với những thành tích đã đạt được trong 30 năm qua, Kbang đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; và sắp tới đây, vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập huyện, ngày 19/5/2015, huyện Kbang sẽ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Đây là niềm vinh dự và động lực để Kbang tiếp tục vững bước đi lên. Ông Đinh Gieng – Tỉnh ủy viên – Bí thư Huyện ủy Kbang khẳng định: “Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo khai thác tiềm năng thế mạnh sẵn có của huyện trên cơ sở bền vững và phát triển. Trong năm 2015 này huyện phấn đấu xây dựng 9 xã hoàn thành xây dựng NTM và giữ vững 01 xã NTM là Đắk Hlơ. Sẽ tập trung chỉ đạo đảm bảo chất lượng dạy và học ở các bậc học và trường học; chỉ đạo tốt công tác chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trong nhân dân; tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bà. Cùng với đó là giải quyết tốt các chính sách an sinh xã hội cho nhân dân. Chỉ đạo phát triển KT-XH gắn với củng cố quốc phòng an ninh. Về xây dựng hệ thông chính trị, đây là nhiệm vụ quan trọng then chốt và tập trung trước mắt là chỉ đạo thành công Đại hội cấp cơ sở và Đại hội Đảng cấp huyện; trên cơ sở đó củng cố lại bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ để đảm bảo hoạt động có chất lượng, hiệu quả”.
 
     30 năm xây dựng và phát triển, từ vùng đất nghèo khó Kbang đã vươn lên mạnh mẽ. Chứng kiến những thành tựu của Kbang hôm nay chắc chắn nhiều người sẽ tự hào về sự đổi thay ở vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Gia Lai. Với niềm tự hào này, Đảng bộ - chính quyền - nhân dân các dân tộc huyện Kbang sẽ quyết tâm đoàn kết vượt qua khó khăn thử thách để tiếp tục xây dựng Kbang ngày càng văn minh, giàu đẹp trong tiến trình đổi mới quê hương, đất nước./.

 
Như Hướng - Minh Ngân - Đài TT-TH huyện

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang