CHUYÊN MỤC

Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng - Cơ hội bảo tồn, phát huy giá trị quý giá về đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Kbang.

(ngày đăng bài: 24/05/2022)
     Tháng 9-2021, Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng trải rộng trên diện tích gần 413.512 ha, bao gồm toàn bộ diện tích Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và một phần diện tích của 5 huyện: Đắk Đoa, Mang Yang, Kbang, Chư Păh, Đắk Pơ, thị xã An Khê. Toàn khu được khoanh vùng thành 3 khu chức năng gồm 2 vùng lõi là Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng; vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng là nơi chứa đựng nhiều giá trị, mức độ đa dạng sinh học cao, đặc trưng cho hệ sinh thái rừng, hệ thực vật, động vật rừng của Tây Nguyên.

     Việc UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng là khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ mở ra triển vọng để huyện Kbang đầu tư phát triển du lịch và các mô hình kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Du lịch xanh với các tiêu chí về bảo vệ môi trường thiên nhiên gắn với hoạt động khám phá, trải nghiệm văn hóa bản địa, mang lại sinh kế cho người dân.
 
     Với đặc điểm là huyện thuộc 1 trong 2 vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới (vùng lõi Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng), huyện Kbang có diện tích rừng rộng nhất tỉnh Gia Lai, có hệ sinh thái còn tương đối nguyên vẹn, có tính đa dạng sinh học cao, độc đáo, phong phú với nhiều loại quý hiếm. Không chỉ đa dạng các hệ động, thực vật, sinh thái, Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng còn chứa đựng kho tàng di sản văn hóa phong phú và đặc sắc với nhiều đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại đây. Đây là cơ hội thu hút bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp đầu tư phát triển du lịch và các mô hình kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh; biến nơi đây thành điểm đến hấp dẫn trong tương lai với các loại hình dịch vụ, du lịch được cung ứng từ rừng như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, trải nghiệm gắn với quản lý bền vững tài nguyên rừng. Ngoài phong cảnh thiên nhiên hữu tình, Kbang còn thu hút du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa bản địa người Bahnar với các lễ hội dân gian, thưởng thức âm thanh cồng chiêng; ngành nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm; các sản phẩm thảo dược từ thiên nhiên cũng rất phong phú như: nấm linh chi, nấm lim xanh, sâm dây, mật ong rừng và các món ăn bản địa đặc trưng như: cơm lam-gà nướng, lá mì-cà đắng, thịt nướng cùng với hương rượu cần thơm ngon….
 
Untitled.jpg
 
Untitled2.jpg
 
Untitled3.jpg
Sự đa dạng về hệ sinh thái và các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số
 
     Ngoài việc bảo tồn đa dạng sinh học, khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Cao nguyên Kon Hà Nừng còn mang đến nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho người dân trong vùng. Nơi đây sẽ tập hợp được nhiều nguồn lực để bảo tồn thiên nhiên, phát triển kinh tế xã hội, qua đó sẽ tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và từng bước cải thiện cuộc sống người dân trong vùng. Việc định hướng phát triển du lịch sinh thái sẽ tạo ra cơ hội cho người dân sẽ phát triển một số ngành nghề tạo thu nhập tốt hơn như: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, văn hóa bản địa, cộng đồng, chế tác hàng thủ công mỹ nghệ, phát triển các dịch vụ khác…

     Tuy nhiên, bên cạnh việc mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế còn mang lại nhiều thách thức to lớn trong việc duy trì công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Khi được thế giới công nhận là khu dự trữ sinh quyển, việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư hỗ trợ cho người dân sống gần rừng, ven rừng về cơ sở hạ tầng để người dân an tâm sản xuất, thu hút sự tham gia của người dân trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, sinh thái môi trường rừng; hỗ trợ về kinh phí bảo vệ rừng cho các lực lượng làm công tác lâm nghiệp trên địa bàn để người làm công tác lâm nghiệp thật sự gắn bó với nghề rừng, làm tốt công tác quản lý bảo vệ, bảo tồn và phát triển rừng mang tầm thế giới cần được đặc biệt quan tâm.

     Xác định là một trong những địa phương thuộc 1 trong 2 vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý bảo vệ rừng cũng như định hướng để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có mà Khu sinh quyển dự trữ Kon Hà Nừng mang lại để phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
          Đầu tiên, huyện xác định phải làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn; theo đó, huyện sẽ triển khai thực hiện tốt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển vốn rừng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Kbang; kế hoạch bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật rừng, cây dược liệu dưới tán rừng; các kế hoạch truy quét lâm tặc bảo vệ rừng; triển khai trồng rừng để nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng. Thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được phân công với vai trò là thành viên của Ban Quản lý Khu DTSQ Kon Hà Nừng. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khu DTSQ, tạo sự đồng thuận, hỗ trợ tích cực của cộng đồng dân cư.

     Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ và phát triển rừng; kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư hỗ trợ cho người dân sống gần rừng, ven rừng về cơ sở hạ tầng để người dân an tâm sản xuất, thu hút sự tham gia của người dân trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, sinh thái môi trường rừng. Định hướng cho các địa phương tiếp tục nghiên cứu thành lập các tổ đan lát, dệt thổ cẩm, thử nghiệm các mô hình dịch vụ homestay; khai thác thế mạnh của địa phương về văn hóa ẩm thực, văn hóa cộng đồng để tạo sức bật phát triển du lịch.
 
Trương Thị Chúc - Chuyên viên Văn phòng HĐND-UBND huyện
 

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang