CHUYÊN MỤC

BÁC HỒ VỚI CÔNG TÁC THANH TRA

(ngày đăng bài: 23/09/2021)
     Chỉ hai tháng sau ngày Quốc khánh 2/9/1945, giữa bộn bề công việc của chính quyền cách mạng non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 64/SL ngày 23/11/1945 thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Ban Thanh tra đặc biệt có nhiệm vụ giám sát tất cả công việc và các nhân viên của Ủy ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ. Trước đó, tại cuộc họp Chính phủ ngày 13/11/1945, Hồ Chí Minh đã đề nghị “Các bộ trưởng có thể chia nhau đi thanh tra một khu vực gần Hà Nội. Bộ Nội vụ sẽ khảo cứu và lập một chương trình về việc này”. Có thể thấy, ngay từ những ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú ý tới việc sử dụng, phát huy vai trò của công tác thanh tra.

     Vị trí, vai trò quan trọng của công tác thanh tra được thể hiện trong nhiều bài viết, bài nói, chỉ thị của Người ở nhiều lúc, nhiều nơi. Trong bài báo “Sao cho được lòng dân?” (báo Cứu quốc, số 65, ngày 12-10-1945), Người nhận thấy “xung quanh các Uỷ ban nhân dân, một vài nơi tiếng phàn nàn oán thán nhiều hơn tiếng người khen”. Những phàn nàn, oán thán của dân, đó là “dân ghét các ông chủ tịch, các ông uỷ viên vì cái tật ngông nghênh cậy thế cậy quyền”, hách dịch đúng như những "ông quan", "ông thanh tra" dưới thời Pháp thuộc, Nhật thuộc!. Người căn dặn: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp nhận đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới”

     Từ năm 1945 đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 4 lần dự chỉ đạo công tác thanh tra và để lại những lời huấn thị sâu sắc, đó là: Hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc vào các năm 1957, 1960, 1961 và Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng năm 1964. Cụ thể như sau:

     1. Hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc năm 1957:

     Nhằm rút kinh nghiệm về tổ chức, xây dựng và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, tháng 4 năm 1957, Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc đã được triệu tập tại Hà Nội. Đây là Hội nghị cán bộ thanh tra đầu tiên được triệu tập kể từ Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ được thành lập. Hội nghị đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự và nói chuyện.

     Nói chuyện với Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích tầm quan trọng của công tác thanh tra, yêu cầu các cấp chính quyền cũng như các cấp bộ Đảng phải giúp đỡ cho cán bộ thanh tra làm tròn nhiệm vụ: “Thanh tra là công tác rất quan trọng. Vì vậy các cấp chính quyền cũng như Đảng phải giúp đỡ cho cán bộ thanh tra làm tròn nhiệm vụ. Thái độ của cán bộ thanh tra là kiểm tra phải cẩn thận. Phẩm chất của người thanh tra phải tự mình nghiêm chỉnh, phải có đạo đức cách mạng, phải gương mẫu”.

     Người cũng chỉ rõ thái độ, phẩm chất của người thanh tra là phải có đạo đức cách mạng, cẩn thận, khách quan, chống quan liêu:

     “Thanh tra muốn biết, muốn thấy, muốn hiểu rõ sự thật ở cơ quan, địa phương nào đấy phải đến tận nơi, nghe ngóng, tìm hỏi, chịu khó. Quan liêu sẽ không làm được nhiệm vụ”.

     […] Cán bộ thanh tra giúp trên hiểu biết tình hình địa phương và cấp dưới, đồng thời cũng giúp cho các cấp địa phương kịp thời sửa chữa uốn nắm nếu làm sai, hoặc làm chậm. Cho nên trách nhiệm của công tác thanh tra là quan trọng.

     Người đã ví thanh tra quan trọng như tai mắt của con người - như bộ phận cấu thành cơ thể con người, là phương tiện cực kỳ trọng yếu giúp cho con người nhận thức và phát triển trí tuệ: “Tóm lại thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới, theo dõi chỉ thị, chính sách, thông tri đưa xuống cho đến lúc kết thúc”.
Và thanh tra chỉ có thể đảm đương được vai trò là “là tai mắt của trên, là người bạn của dưới” khi “Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì soi không được. Vì thế cán bộ thanh tra phải rèn luyện đạo đức cách mạng”.

     2. Hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc năm 1960:

     Ngày 29/2/1960, Hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc lần thứ IV đã họp tại Hà Nội. Trong 6 ngày làm việc (từ 29/2 đến ngày 5/3) ngoài việc thông qua Báo cáo tổng kết công tác thanh tra năm 1959 và phương hướng, nhiệm vụ công tác thanh tra năm 1960 do Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ trình bày, Hội nghị đã thảo luận, bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm thanh tra, kinh nghiệm xét khiếu tố, việc tăng cường công tác tổ chức của ngành Thanh tra.

     Hội nghị đã vinh dự được chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện. Sau khi biểu dương những thành tích của ngành Thanh tra đã đạt được trong những năm qua và chỉ ra những thiếu sót cần khắc phục, Người chỉ rõ: “Nạn lãng phí tham ô là do bệnh quan liêu mệnh lệnh trong công tác của các cấp, lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước gây ra… Nếu không cương quyết chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham ô, thì nó sẽ cản trở, phá hoại ta tiến lên chủ nghĩa xã hội”.

     Về công tác xét khiếu nại, tố giác Người cũng chỉ rõ: “Nhiệm vụ của các Ban thanh tra là phải làm cho nghiêm chỉnh, kịp thời, làm sớm chừng nào hay chừng ấy. Đồng bào có oan ức, có thắc mắc mới khiếu nại. Ta giải quyết tốt việc khiếu nại, đồng bào thấy Đảng và Chính phủ quan tâm, lo lắng đến họ, do đó mối quan hệ quần chúng nhân dân với Đảng và Chính phủ được củng cố tốt hơn”.

     Cũng với tư tưởng đề cao vai trò của Thanh tra trong quản lý Nhà nước, 3 năm sau Hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc năm 1957, tại Hội nghị cán bộ thanh tra lần này, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại một lần nữa nhấn mạnh: “Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới”. Xác định một cách sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác cán bộ, Người đã khẳng định việc tăng cường công tác tổ chức, cán bộ thanh tra cả về số lượng và chất lượng, đặt biệt là chất lượng là một yêu cầu cần thiết để công tác thanh tra phát huy được vai trò của mình. Người huấn thị: “Một số ban thanh tra chưa được củng cố, cán bộ còn thiếu vì các cấp lãnh đạo địa phương chưa nhận thức rõ công tác thanh tra là quan trọng, nên chưa chú ý tăng cường cán bộ đúng mức, chưa giúp đỡ, lãnh đạo nó một cách chặt chẽ”. Thanh tra là để phục vụ sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, Hồ Chủ Tịch cũng nhắc nhở các cấp Ủy đảng và chính quyền phải quan tâm đến công tác thanh tra, Người nói: “Các ban thanh tra làm việc tốt, nhanh hay làm kém, chậm, trước hết là do bản thân mỗi ban cố gắng nhiều hay ít, nhưng còn do cấp lãnh đạo có quan tâm đến công tác thanh tra hay không. Các cấp lãnh đạo phải giúp đỡ các ban thanh tra làm việc tốt, phải quan tâm lãnh đạo công tác thanh tra”. 

     Thanh tra chỉ có thể đảm đương được vai trò  “là tai mắt cúa trên, là người bạn của dưới” khi “cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì soi không được”. Để trở thành “cái gương soi”, Người căn dặn: “Cán bộ thanh tra cố gắng học tập, học cái hay, tránh cái dở, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, trình độ nghiệp vụ và trình độ chuyên môn để làm việc cho tốt thì đó mới là tiền đồ vẻ vang, là xứng đáng với sự tín nhiệm của Đảng và Chính phủ”. Theo quan điểm của người, phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ thanh tra còn thể hiện ở việc người cán bộ đó có hiểu rõ vinh dự được làm công tác thanh tra, không mắc bệnh cá nhân chủ nghĩa, Người nói: “Đối với cán bộ, được làm công tác thanh tra là một vinh dự. Vì sao? Vì công tác thanh tra là một công tác quan trọng, Đảng và Chính phủ có tin cậy mới giao cho làm nhiệm vụ ấy. Có thể nói cán bộ thanh tra là tai, mắt của Đảng và Chính phủ, tai mắt có sáng suốt thì người mới sáng suốt”. Người cũng phê bình: “Một số cán bộ chưa yên tâm công tác, cho làm công tác thanh tra không tiến bộ, thắc mắc về tiền đồ, đứng núi này trông núi nọ, muốn xin đi công tác khác. Như thế là không hiểu vinh dự của mình, là mắc bệnh cá nhân chủ nghĩa”.

     3. Hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc năm 1961:

     Tháng 2/1961, Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc họp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện với Hội nghị. Trong bài Huấn thị về công tác thanh tra của mình, Người khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của thanh tra, chỉ rõ những ưu và khuyết điểm của công tác thanh tra trong thời gian qua. Người nhấn mạnh: “Ngay từ đầu các Bộ, các ngành, các cấp phải nghiên cứu kỹ lưỡng và phổ biến rõ ràng từ trên xuống dưới các chính sách, nghị quyết đó để mọi người chấp hành cho đúng. Vì vậy các Bộ, các ngành, các cấp nhất định phải có cơ quan kiểm tra mình, để theo dõi ngay từ đầu, để kịp thời uốn nắn sửa chữa các sai lầm thiếu sót có thể xảy ra. Mà cũng vì vậy cán bộ lãnh đạo (Bộ trưởng, Thứ trưởng…) nhất định phải trực tiếp chỉ đạo cơ quan thanh tra của mình”, và : “ Trong và sau khi các Bộ, các ngành đang chấp hành hoặc đã chấp hành các chính sách, chỉ thị…của Đảng và Chính phủ, các Ban Thanh tra có nhiệm vụ kiểm tra xem họ chấp hành ra thế nào” .
 
Untitled-(1).jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 1961
(Nguồn: conganhatinh.gov.vn)
 
     4. Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng năm 1964:

     Ngày 29-7-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng, tổ chức tại Hà Nội. Mở đầu bài nói chuyện, Người nhấn mạnh vai trò của công tác kiểm tra: “Kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố đảng về tư tưởng, về tổ chức”. Quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể hiện xuyên suốt trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, trong các văn bản pháp luật của Nhà nước từ năm 1945 đến nay. Mặc dù ở mỗi giai đoạn lịch sử đều có những sự điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp, nhưng công tác kiểm tra Đảng luôn luôn có một vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống bệnh quan liêu, nạn tham nhũng, lãng phí và các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước, cũng như trong hoạt động thi hành nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các bộ, công chức, nhân viên nhà nước. Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nêu rõ những ưu điểm và khuyết điểm của công tác kiểm tra: “Ủy ban kiểm tra các cấp cũng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, đã cố gắng trong việc giúp các cấp uỷ giữ gìn kỷ luật của Đảng và đóng góp vào công tác xây dựng đảng. Đó là những ưu điểm của các cán bộ kiểm tra. Nhưng vẫn còn những nhược điểm cần phải khắc phục. Ví dụ: - Công tác kiểm tra còn bị động và nặng về giải quyết những vụ vi phạm kỷ luật trước mắt, chưa chủ động về việc giải quyết toàn diện vấn đề giữ gìn kỷ luật và chấp hành Điều lệ của Đảng, để nâng cao ý thức của đảng viên và cán bộ một cách cǎn bản và lâu dài. - Việc xử lý kỷ luật, xét thư khiếu nại làm còn chậm chạp. Kiểm tra đảng viên phạm sai lầm còn chưa chủ động. Việc hướng dẫn vận dụng phương châm kỷ luật chưa được chặt chẽ, để cho kỷ luật đảng có chỗ bị buông lỏng, vì vậy mà thiếu tác dụng giáo dục và ngǎn ngừa đảng viên khỏi phạm kỷ luật”. Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến tính chủ động trong công tác thanh tra. Người thường nói: “Việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn pha. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ, chúng ta đều thấy rõ”. Như vậy, có thể thấy kiểm tra đảng theo quan điểm của Người có tác dụng rất lớn trong việc phòng ngừa tiêu cực, phát huy những nhân tố tích cực, có mục đích thúc đẩy và giáo dục đảng viên, cán bộ làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, Nhà nước, làm gương mẫu cho nhân dân. Do đó, mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng và tổ chức. Tuy nhiên, Người cũng đặc biệt phê phán những cán bộ trong cơ quan Đảng và Nhà nước, những cơ quan lãnh đạo, quản lý các cấp không sát thực tế, không theo dõi, giáo dục cán bộ, gần gũi quần chúng; đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề, chỉ khai hội, viết chỉ thị mà không kiểm tra đến nơi đến chốn. Là lực lượng nòng cốt giúp các cấp ủy hướng dẫn và thực hành công tác kiểm tra cho nên yêu cầu đối với người cán bộ kiểm tra về phẩm chất, năng lực, trình độ, kinh nghiệm và uy tín là rất cao. Ở cuối bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm căn dặn: “Các uỷ ban và cán bộ kiểm tra phải học tập và thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, phải luôn luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải trau dồi đạo đức cách mạng. Đặc biệt là phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, phải thật thà phê bình và tự phê bình để làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật của Đảng. Phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến. Như thế thì mới làm tốt được công tác kiểm tra”.

     Theo tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quá trình kiểm tra, giám sát phải gắn với phê bình và tự phê bình để giáo dục, thuyết phục, uốn nắn đảng viên, cán bộ, định hướng công tác lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng, tạo điều kiện phát huy dân chủ trong Đảng, giữ vững nguyên tắc và chế độ sinh hoạt đảng, làm cho Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh, đủ sức lãnh đạo hoàn thành sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Công tác kiểm tra, giám sát gắn với phê bình và tự phê bình là nhằm làm cho tổ chức cơ sở đảng vững mạnh, cán bộ, đảng viên luôn giữ vững định hướng chính trị, nhận thức tư tưởng, trau dồi phẩm chất đạo đức trong sáng. Việc kết hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát với tự phê bình và phê bình là một giải pháp khoa học nhằm tăng cường sức mạnh và nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng, chủ động cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm và giải quyết dứt điểm các vụ việc trên cơ sở nguyên tắc Điều lệ Đảng.

     Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng năm 1964 đã tròn nửa thế kỷ nhưng những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Người vẫn còn nguyên giá trị, đã, đang và mãi là bài học lớn và công tác kiểm tra Đảng, phục vụ thiết thực cho sự lãnh đạo của Đảng và lãnh đạo của Nhà nước đối với đời sống xã hội.

     Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng.

     Người yêu cầu: “Các uỷ ban và cán bộ kiểm tra phải học tập và thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, phải luôn luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải trau dồi đạo đức cách mạng, quan điểm của Đảng”. Hà Nội 29/7/1964
 
Untitled1.jpg
(Nguồn: http://bthcm.thuathienhue.gov.vn/)
 
Nguyễn Thị Lan Anh - Thanh tra huyện

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang