CHUYÊN MỤC

Chủ động phòng trừ bệnh khảm lá trên cây sắn

(ngày đăng bài: 21/01/2022)
     Cây sắn (cây mỳ) - là một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện với diện tích hơn 4.000 ha. Trong những năm qua, cây sắn không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn giúp cho nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu, trong đó có không ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá virus.

Untitled.jpg
Triệu chứng của bệnh khảm lá virus hại sắn

     Bệnh khảm lá virus hại sắn hay còn gọi bệnh khảm lá sắn có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV), lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng (Bemissia tabaci) và qua hom giống nên khả năng lây lan rất nhanh. Hiện nay, bệnh chưa có thuốc để diệt trừ virus gây bệnh, chỉ có phòng bệnh là chủ yếu và khi cây sắn bị bệnh thì phải tiêu hủy. Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá. Khi bị bệnh ở mức độ hại nhẹ lá sắn không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ; mức độ hại nặng sẽ làm cho lá sắn bị xoăn, cong queo, nhăn nhúm. Đối với hom giống lấy từ cây sắn bị bệnh khi mọc mầm sẽ có biểu hiện bệnh ngay và không cho thu hoạch; khi cây sắn còn non nếu bị nhiễm virus cũng không cho thu hoạch; đối với cây sắn đã lớn mới nhiễm virus vẫn biểu hiện bệnh nhưng nhẹ hơn, làm năng suất, chất lượng giảm.

     Bệnh khảm lá virus hại sắn xuất hiện trên địa bàn huyện vào đầu năm 2019; đến nay, diện tích sắn bị bệnh khảm lá khoảng 115,35 ha tại xã ĐăkHlơ, Kông Lơng Khơng, Tơ Tung, Lơ Ku, Nghĩa An, bị nhiễm ở thể nhẹ. Nguyên nhân phát sinh nguồn bệnh được xác định chủ yếu là do người dân sử dụng hom giống từ các vườn đã bị nhiễm bệnh trước đó để trồng. Hiện nay, trên địa bàn huyện, cây sắn đang trong giai đoạn phát triển củ đến thu hoạch; một số nơi đã thu hoạch. Để chủ động phòng trừ bệnh khảm lá trên cây sắn; Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh khảm lá sắn, nhất là quản lý nguồn hom giống sắn, không để lây lan cho các vùng trồng sắn trên địa bàn huyện; trong đó tập trung các nội dung như: UBND các xã, thị trấn nắm danh sách, diện tích cụ thể các hộ dân có diện tích sắn bị bệnh; tổ chức hướng dẫn nông dân vùng bị nhiễm bệnh tiến hành thu gom toàn bộ tàn dư cây sắn sau thu hoạch để tiêu hủy bằng cách đốt, chôn... để tiêu diệt nguồn bệnh; tuyệt đối không để tàn dư cây sắn bị bệnh trên các bờ thửa, vì đây là nguồn bệnh sẽ lây lan cho vụ sau. Đối với các vùng trồng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá nặng năm 2021 có phương án chuyển sang trồng cây khác để cắt đứt nguồn bệnh. Vận động hộ dân có giống sắn sạch bệnh chia sẽ nguồn giống trong cộng đồng; tìm nguồn giống sạch bệnh từ các vùng, các địa phương không bị nhiễm bệnh khảm lá virus hại sắn để cung cấp giống sắn sạch bệnh cho nông dân. Khuyến khích người dân tập trung trồng các giống sắn có năng suất cao, chống chịu tốt với bệnh virus khảm lá như: KM 94, KM 98-1... Nghiêm cấm việc mua, bán, trồng giống sắn HLS-11. Khuyến cáo người dân không trồng các giống sắn mẫn cảm với bệnh virus khảm lá như: KM 419, KM 60, KM 140, KM 98-5. Tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ nguồn giống sắn từ các địa phương khác đến; hướng dẫn nông dân tuyệt đối không mua bán, trao đổi, vận chuyển hom sắn từ các vùng bị bệnh về làm giống; xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, đưa giống sắn từ các vùng đang nhiễm bệnh về trồng trên địa bàn; chỉ đạo tiêu hủy ngay khi phát hiện và xác minh nguồn gốc để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời cung cấp thông tin những khu vực, diện tích sắn đã bị nhiễm bệnh để người dân biết không sử dụng nguồn giống sắn đó để làm giống. Huy động mọi nguồn lực hiện có của địa phương như các cơ quan đoàn thể, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng trừ, tiêu hủy nguồn bệnh khảm lá virus hại sắn và hỗ trợ, chia sẻ nguồn giống sắn sạch bệnh trong cộng đồng.
 
Untitled1.jpg

Untitled2.jpg
Người dân thu hoạch và tiêu hủy giống sắn bị nhiễm bệnh

     Ngoài ra, để hỗ trợ nguồn giống  sạch cho nhân dân trên địa bàn, trong năm 2021, huyện  đã triển khai thực hiện Dự án nhân giống sắn KM 94 tại vườn ươm huyện với diện tích 02 ha và liên hệ với Nhà máy nông sản thực phẩm Quảng Ngãi cơ sở 2, đã hỗ trợ giống mỳ KM94 với diện tích 06 ha để hỗ trợ cho các địa phương có diện tích sắn bị nhiễm nặng, thiếu giống.

Untitled3.jpg
Dự án nhân giống sắn KM 94
 
     Trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp UBND các xã, thị trấn theo dõi sát tình hình dịch bệnh, kịp thời xử lý khi có dịch bệnh xảy ra; quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, đưa giống sắn từ các vùng đang nhiễm bệnh về trồng trên địa bàn; chỉ đạo tiêu hủy ngay khi phát hiện và xác minh nguồn gốc để xử lý theo đúng quy định của pháp luật; liên hệ với các địa phương lân cận trồng sắn chưa bị nhiễm bệnh khảm lá virus và Nhà máy mỳ  hỗ trợ, hướng dẫn người dân tìm mua những nguồn giống sạch bệnh để trồng.
 
Trương Thị Chúc – Văn phòng HĐND-UBND huyện
 
 

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang