CHUYÊN MỤC

Dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi cá Chình hoa trong ao đất tại huyện Kbang

(ngày đăng bài: 27/04/2023)
Năm 2012, UBND huyện Kbang đã phê duyệt ‘Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản kết hợp với xây dựng đề án nuôi trồng và chế biến thủy sản trên địa bàn huyện Kbang, tỉnh Gia Lai” với định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản theo hình thức thâm canh ở những nơi có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nguồn nước để tạo sản phẩm tập trung, hàng hóa; đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá hồ ở trên địa bàn huyện, đa dạng hóa đối tượng nuôi, chú trọng các đối tượng có giá trị kinh tế cao và đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và đưa vào sản xuất các đối tượng đặc hữu, bản địa có giá trị kinh tế phục vụ tiêu dùng nội địa và du lịch tại chỗ. Các đối tượng được quy hoạch phát triển là nhóm cá truyền thống (trắm cỏ, chép, trôi,…), cá rô phi, các loài đặc sản (cá lăng đuôi đỏ, cá Bống tượng, cá Thát Lát, cá Chình, lươn,…) và cá nước lạnh (cá Tầm). Theo quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của huyện Kbang đến năm đến năm 2020, tổng diện tích ao nuôi các loài đặc sản (bao gồm cá Chình) là 12 ha, diện tích nuôi lồng là 600m2 và sản lượng nuôi các loài đặc sản là 90 tấn. Bên cạnh đó, mô hình nuôi cá Tầm thương phẩm trong lồng bè tại hồ C thủy điện Vĩnh Sơn số lượng 10.000 con trong lồng bè đã và đang đem lại những kết quả rất khả quan, thể hiện sự cần thiết của việc xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của huyện.

Untitled.jpg

     Từ những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội cũng như chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện Kbang, các chính sách phát triển của ngành nông nghiệp trong đó có quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của huyện và việc thực hiện quy hoạch phát triển thủy sản của huyện trong những năm qua cho thấy lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có những đóng góp tích cực vào cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Chính hoa trong ao đất là một trong những nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện theo quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của huyện đã ban hành. Dự án thành công sẽ hình thành một ngành nghề mới mang lại hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm thủy sản có giá trị cao, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

     Qua khảo sát thực tế tại các ao nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện và đã lựa chọn được địa điểm phù hợp để xây dựng mô hình nuôi cá Chình hoa của Dự án là ao nuôi thủy sản của Công ty TNHH thương mại Tiến Dũng, khu vực suối Đăk Trai, xã Đak Smar với số lượng 02 ao nuôi, diện tích 2.000m2; số lượng cá Chình hoa thả là 4.000 con, kích cỡ trung bình 50g/con. Dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Chính hoa trong ao đất thực hiện trong 24 tháng, bắt đầu từ ngày 01/10/2021 và kết thúc dự án vào ngày 30/9/2023 với tổng kinh phí dự kiến khoảng 2,293 tỷ đồng (trong đó: ngân sách nhà nước 647 triệu, người dân đóng góp hơn 1,645 tỷ đồng) do Phòng Kinh tế và Hạ tầng là cơ quan chủ trì, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp là đơn vị thực hiện và Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Miền trung thực hiện chuyển giao công nghệ.
 
Untitled1.jpg

     Kết quả đến nay, Dự án đã tổ chức đào tạo 5 kỹ thuật viên, tập huấn cho 40 hộ dân về công nghệ nuôi cá Chình hoa trong ao đất về cả lý thuyết và thực hành kỹ thuật (lựa chọn địa điểm nuôi, chuẩn bị ao nuôi, thả giống, quản lý cho ăn, quản lý môi trường, quản lý sức khỏe cá nuôi, phòng trị bệnh cho cá nuôi và thu hoạch).   Đồng thời, qua kiểm tra, đánh giá giữa kỳ cho thấy, cá chình hoa thích nghi với điều kiện tại địa điểm nuôi, sinh trưởng và phát triển tốt, cá đạt trọng lượng từ 2-3kg, có con hơn 3kg.  Các nội dung, công việc đã thực hiện của dự án từ khi bắt đầu đến thời điểm báo cáo là đúng tiến độ, số lượng và chất lượng, đảm bảo yêu cầu đề ra.

 
Untitled2.jpg

     Để tiếp tục thực hiện dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi cá Chình hoa trong ao đất thời gian còn lại của dự án, đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung vào một số nhiệm vụ như sau:

     Một là: Tập trung theo dõi, triển khai các nội dung hạng mục đã được duyệt đảm bảo dự án đạt mục tiêu đề ra làm cơ sở để nhân rộng trong thời gian tới.

     Hai là: Phối hợp cùng với đơn vị chuyển giao công nghệ rà soát lại quy trình nuôi cá Chình hoa đang ứng dụng; đồng thời đối chiếu, so sánh với điều kiện tại Kbang để điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện quy trình, bàn giao ứng dụng quy trình này về huyện để nhân rộng đến các xã, hộ dân muốn nuôi cá Chình hoa.

     Ba là: Đề nghị rà soát quy trình, trên cơ sở điều kiện của huyện Kbang lựa chọn quy định chuẩn, gọn, phù hợp chuyển giao lại cho huyện.

     Bốn là:  Tiếp tục thực hiện dự án ứng dụng kỹ thuật nuôi cá Chình hoa trong ao đất đảm bảo theo quy trình; sau dự án tiếp tục duy trì mô hình nuôi cá Chình hoa.

     Năm là: Đề nghị hộ gia đình tạo điều kiện cho các xã, hộ dân muốn nuôi cá Chình hoa đến thăm quan, học tập mô hình phát triển kinh tế.

     Sáu là: Chủ động khảo sát vị trí địa điểm, điều kiện hộ gia đình có nhu cầu nuôi cá Chình hoa thương phẩm; tuyên tuyền, vận động, hỗ trợ để hộ dân nuôi cá Chình hoa, từ đó góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và địa phương.
 
Trần Thị Phương- PNV
 

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang