CHUYÊN MỤC

Huyện Kbang: qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (2016-2021)

(ngày đăng bài: 21/03/2022)
     Trong giai đoạn 2016-2021, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh cùng sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, chương trình xây dựng NTM ở huyện Kbang đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể:  đã huy động vốn xây dựng nông thôn mới 2.880.844,6 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương: 152.968,6 triệu đồng; Ngân sách địa phương: 300.849,6 triệu đồng; Vốn lồng ghép các chương trình, dự án: 340.198 triệu đồng; Vốn tín dụng: 762.800 triệu đồng; Vốn Doanh nghiệp: 277.810 triệu đồng; Vốn đóng góp của người dân: 1.046.219 tỷ đồng; huy động 6.044 ngày công lao động của các đơn vị Quân đội để làm mới, chỉnh trang nhà ở, làm nhà vệ sinh, khai hoang đất, nạo vét hệ thống mương thoát nước, sửa chữa đường ra khu sản xuất tập trung….. Cơ sở hạ tầng giao thông đường trục huyện được BTXM và nhựa hóa trên 95% (168,5/174km) tăng 36,3% so với năm 2015; đường trục xã được BTXM 100% (121,4/121,4 km) tăng 24,5% so với năm 2015; đường trục thôn, làng được BTXM hơn 87% (121,6/139,6 km) tăng 38% so với năm 2015; đường trục chính nội đồng được cứng hóa 64.3% (211.6/328,8 km) tăng 11% so với năm 2015. Mạng lưới trường lớp, quy mô các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Toàn huyện, có 42/47 trường đạt chuẩn quốc gia, có 89,4% đơn vị trường học các cấp từ Mầm non đến THPT được công nhân đạt chuẩn. Cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư, mở rộng, đến nay các xã đều quy hoạch và xây dựng trung tâm văn hóa xã, 100% thôn, làng trên địa bàn các xã đã có nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt cho người dân. 13/13 xã đã được phủ sóng điện để nhân dân truy cập thông tin thông qua dịch vụ internet. Các trạm y tế xã được quan tâm đầu tư nâng cấp để đạt chuẩn theo Quyết định 4667/QĐ-BYT ngày 7/4/2014 của Bộ y tế. Hệ thống nước sinh hoạt của người dân được đầu tư nâng cấp để nâng tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh lên 98%, tăng 3% so với năm 2015.
 

Untitled.png
Diện mạo nông thôn mới xã Sơ Pai ngày càng khởi sắc

     Từ các chương trình, chính sách, UBND huyện đã ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất như cấp cây giống, phân bón, bò cái giống sinh sản. Việc xây dựng các mô hình trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tuyên truyền, mô hình vận động nhân dân nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh đang được các cơ quan, địa phương quan tâm thực hiện, qua đó, đã giúp người dân thoát nghèo và làm giàu, cụ thể như mô hình vận động nhân dân xây dựng 12 cánh đồng mía lớn: cánh đồng Đăk Dăng, làng Bôn (xã Lơ Ku), làng Đầm Khương (xã Tơ Tung), làng Bróch (xã Đông), làng Bờ (xã Kông Lơng Khơng), làng Lợt, thôn 5 (xã Đak Hlơ), làng Klôm  (xã Kông Bờ La), làng Klôm, làng Lợt  (xã Kông Bờ La); thôn 5 (xã Krong), làng Lợt (xã Kông Bơ La). Kết quả thực hiện cánh đồng lớn tại các xã, năng suất mía bình quân đạt khoảng 80 tấn/ha (cao hơn sản xuất đại trà từ 10-15 tấn/ha).Thu nhập sau khi trừ đi chi phí bình quân khoảng 15 – 20 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với sản xuất đại trà từ 03-10 triệu đồng/ha/vụ. 
 
Untitled1.jpg
Cánh đồng mía lớn xã Đăk Hlơ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân
 
     Các mô hình trồng cam ruột đỏ, trồng bưởi da xanh ruột hồng, trồng mít thái, trồng nhãn, bơ, dừa trồng cây ăn quả được triển khai thực hiện theo hình thức liên kết tiêu thụ. Bằng nguồn vốn khoa học công nghệ, đã triển khai thực hiện 02 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (mô hình trồng rau an toàn trong nhà lồng, với tổng diện tích 0,28 ha tại địa bàn xã Đông và Nghĩa An), lợi nhuận mang lại ước đạt 51 triệu đồng/vụ; thành lập 07 trang trại nông nghiệp trồng nấm và cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao… Xây dựng mô hình chuyển đổi từ trồng ngô lai thông thường sang trồng ngô lai giống biến đổi ghen theo hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm (giống kháng sâu keo mùa thu) tại xã Lơ Ku.  Kêu gọi đầu tư 02 dự án nông nghiệp trên địa bàn huyện: đầu tư trung tâm heo giống công nghệ cao tại xã Sơ Pai, quy mô: 4.000 heo giống ông bà, heo giống bố mẹ và sản xuất 100.000 heo con/năm và đầu tư Trung tâm giống gà trứng công nghệ cao tại thôn 2, xã Lơ Ku, quy mô 40.000 gà bố mẹ và 4 triệu gà trứng giống/năm. Các mô hình đều bám sát mục tiêu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao, công nghệ mới, tiên tiến áp dụng vào sản xuất nhằm từng bước phát triển sản xuất, ổn định kinh tế giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp. … Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng đều qua các năm, đến cuối năm 2021 là 39,125 triệu đồng tăng  22,2 triệu đồng so với năm 2015 (năm 2015 là 16,9 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,38% và giảm 21,5% so với năm 2015 (năm 2015 là 29,5%).
 
Untitled2.jpg
Lãnh đạo tạp đoàn Mavin khảo sát địa điểm triển khai dự án chăn nuôi heo công nghệ cao tại xã Sơ Pai năm 2021

     Đến nay, toàn huyện đã có 7/13 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (ĐăkHlơ, Nghĩa An, Sơn Lang, Kông Bờ La, Tơ Tung và Sơ Pai và xã Đông); 06 làng được công nhân làng nông thôn mới (làng Kdâu-xã Kông Lơng Khơng, làng Hà Nừng-xã Sơn Lang, làng Tờ Mật-xã Đông, Làng Lơk-xã Nghĩa An, làng Tăng-xã Krong và Làng Kon Lốc 2-xã Đăk Rong); đạt chuẩn 7/9 tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới (theo Quyết định 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ).
 
Untitled3.jpg
Xã Kông Bờ La công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021
 
     Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2016-2021), huyện Kbang đã rút ra được bài học kinh nghiệm:

     Một là: Xây dựng nông thôn mới là mục tiêu, là động lực để phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, để thực hiện tốt phải có quyết tâm chính trị cao, có kế hoạch cụ thể, chủ động, sáng tạo, sâu sát, liên tục của các cấp uỷ, chính quyền, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với sự quan tâm của toàn xã hội tạo ra sức mạnh tổng hợp về xây dựng nông thôn mới.

     Hai là: Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới là yếu tố quyết định cho sự thành công của Chương trình. Tích cực trong việc đối thoại và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân và có trách nhiệm giải quyết những phản ánh, kiến nghị của nhân dân. Nhiều chủ trương chính sách triển khai hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhân dân được tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến, giám sát, quyết định những nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của mình.

     Ba là: Nắm vững mục tiêu và hệ thống các tiêu chí nông thôn mới vào tình hình thực tế từng địa phương; ưu tiên các nguồn lực tại chỗ; lồng ghép các chương trình, dự án, nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu theo yêu cầu của từng tiêu chí, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu an sinh xã hội của người dân.

     Bốn là: Trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải có kế hoạch, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ đề ra để có sự điều chỉnh và có giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Động viên, khen thưởng kịp thời những địa phương làm tốt, các tổ chức cá nhân có nhiều đóng góp cho Chương trình.

     Năm là: Đẩy mạnh các phong trào thi đua “toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Xây dựng nông thôn mới phải đi vào thực chất, không chạy theo thành tích, không dậm chân tại chỗ, biết khơi dậy, động viên phong trào, đưa chỉ tiêu “xây dựng nông thôn mới” thành chỉ tiêu thi đua quan trọng để đánh giá, xếp loại tổ chức, cá nhân ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Với những bài học kinh nghiệm trên, UBND huyện sẽ hoàn thành mục tiêu phấn đấu cuối năm 2022: duy trì 7/9 tiêu chí đạt chuẩn xây dựng huyện nông thôn mới; duy trì đạt chuẩn và thực hiện củng cố 19 tiêu chí theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới trên địa bàn các xã: Đăk Hlơ, Nghĩa An, Sơn Lang, Kông Bơ La, Tơ Tung, Sơ Pai và xã Đông; Duy trì đạt chuẩn 68 tiêu chí và thực hiện đạt chuẩn thêm 12 tiêu chí trên địa bàn các xã: Kon Pne, Đăk Rong, Lơ Ku, Kông Lơng Khơng, Đăk Smar và Krong; Phấn đấu bình quân tiêu chí đạt được trên địa bàn các xã là 16 tiêu chí/xã (theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025)./.
Untitled2-(1).jpg
Trần Thị Phương- Phòng Nội vụ
 

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang