CHUYÊN MỤC

Những điểm mới Quy định của luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở 2022 so với Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn

(ngày đăng bài: 16/10/2023)
     Nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về thực hành dân chủ ở cơ sở đồng thời khắc phục hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Pháp lệnh số 34), ngày 10 tháng 11 năm 2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (sau đây gọi là Luật năm 2022). Luật này gồm có 6 chương và 91 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2023. Luật năm 2022 có rất nhiều quy định mới, đặc biệt là nội dung về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

     Sau đây là những điểm mới cơ bản:

     Về công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn: Điều 11 Luật năm 2022 quy định có 14 nhóm nội dung phải công khai ở xã, phường, thị trấn, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước hoặc thông tin chưa được công khai theo quy định của pháp luật.

     Hình thức công khai thông tin: Hình thức công khai thông tin rất quan trọng để người dân nắm được những nội dung có liên quan mà chính quyền công khai được quy định tại điều 12 Luật năm 2022 ngoài việc kế thừa 03 hình thức công khai thông tin như Pháp lệnh số 34, còn bổ sung thêm 07 hình thức công khai thông tin mới.

     Như vậy, Luật đã đa dạng hóa các hình thức công khai thông tin ở cấp cơ sở để dân biết, để dân bàn theo đúng sự thật, đúng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, với tinh thần xây dựng, tích cực nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Đây là một trong những điểm nổi bật của  Luật.
 
Untitled.jpg
Công khai thông tin để dân biết và thực hiện TTHC đúng quy định
 
     Thời điểm công khai thông tin: Khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh số 34 quy định: Chính quyền cấp xã có trách nhiệm tổ chức công khai thông tin chậm nhất là hai ngày, kể từ ngày văn bản được thông qua, ký ban hành đối với những việc thuộc thẩm quyền quyết định của chính quyền cấp xã hoặc kể từ ngày nhận được văn bản đối với những việc thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan nhà nước cấp trên.

     Điều 12 Luật năm 2022 sửa lại là: “3. Thời điểm công khai thông tin đối với từng lĩnh vực được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp pháp luật chưa có quy định thì chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền về nội dung cần công khai”.

     Như vậy, Luật năm 2022 đã kéo dài thời điểm công khai thông tin từ 02 ngày lên 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền về nội dung cần công khai.

     Luật năm 2022 quy định riêng thời gian công khai trong các trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 13 Điều 11, đó là: Đối với các thông tin về Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã (khoản 4 Điều 11); Các thủ tục hành chính, thủ tục giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân do chính quyền địa phương cấp xã trực tiếp thực hiện (khoản 13 Điều 11) thì UBND cấp xã phải niêm yết thường xuyên tại trụ sở Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân cấp xã và được cập nhật khi có sự thay đổi.

     Ngoài ra, Luật năm 2022 còn quy định cụ thể các hình thức để Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thông báo thông tin đến Nhân dân, gồm: thông báo tại cuộc họp của cộng đồng dân cư, cuộc họp, sinh hoạt của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức, đoàn thể khác ở thôn, tổ dân phố; thông báo trực tiếp hoặc gửi văn bản thông báo đến từng hộ gia đình; thông qua tin nhắn đến đại diện hộ gia đình hoặc sử dụng mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật và đã được cộng đồng dân cư thống nhất lựa chọn.

     Những quy định về công khai thông tin trong Luật năm 2022 đầy đủ và cụ thể hơn hơn, giúp Nhân dân tiếp cận được một cách đầy đủ, đa chiều các thông tin liên quan đến cuộc sống của mình, biết được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực để từ đó tích cực, chủ động trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Trên cơ sở quyền được biết, Nhân dân mới có thể thực hiện quyền được bàn và quyết định, quyền được tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định và quyền kiểm tra, giám sát đối với những nội dung liên quan tới đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của người dân ở xã, phường, thị trấn bằng những hình thức nhất định, phù hợp với các nguyên tắc, quy định của pháp luật.

     Những nội dung Nhân dân bàn và quyết định: Pháp lệnh số 34 quy định 03 nội dung Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp. Điều 15 Luật năm 2022 kế thừa 03 nội dung này và bổ sung thêm 03 nội dung Nhân dân bàn và quyết định liên quan đến các khoản đóng góp của Nhân dân, các công việc nội bộ của cộng đồng dân cư.

     Như vậy, các nội dung người dân bàn và quyết định được quy định rất đa dạng, phong phú, cho phép người dân có thể biểu đạt được ý chí, nguyện vọng của mình với các cơ quan nhà nước trong việc hoạch định, cũng như thực thi chính sách, pháp luật.

     Để thực hiện các nội dung Nhân dân bàn và quyết định, Luật năm 2022 còn bổ sung quy định việc đề xuất nội dung Nhân dân bàn và quyết định tại Điều 16. Đây là quy định mới của Luật năm 2022 . Thực tế triển khai Pháp lệnh số 34cho thấy Nhân dân chủ yếu bàn và quyết định các nội dung do Ủy ban Nhân dân cấp xã chỉ đạo trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố đề xuất mà chưa có quy định về việc người dân được tự mình đề xuất sáng kiến, đưa ra để cộng đồng dân cư bàn và quyết định.

     Hình thức Nhân dân bàn và quyết định: Pháp lệnh số 34 quy định 02 hình thức Nhân dân bàn và quyết định, đó là: (a) Tổ chức cuộc họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình theo địa bàn từng thôn, tổ dân phố; (b) Phát phiếu lấy ý kiến tới cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình”.

     Điều 17 Luật năm 2022, ngoài việc kế thừa 02 hình thức trên còn bổ sung thêm hình thức: “c) Biểu quyết trực tuyến phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và được cộng đồng dân cư thống nhất lựa chọn”. Hình thức này chỉ áp dụng trong trường hợp cộng đồng dân cư quyết định các công việc quy định tại khoản 6 Điều 15 của Luật này mà Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố sau khi thống nhất với Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố thấy không cần thiết tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư hoặc phát phiếu lấy ý kiến của từng hộ gia đình.

     Ngoài ra, Luật năm 2022 còn bổ sung điều khoản quy định về trình tự tổ chức cuộc họp cộng đồng dân cư và việc phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình.
 
Untitled1-(1).jpg
Tổ chức cuộc họp lấy ý kiến biểu quyết thống nhất trong nhân dân
 
     Quyết định của cộng đồng dân cư: Pháp lệnh số 34 không có quy định về nội dung, hình thức, hiệu lực của quyết định của cộng đồng dân cư, vấn đề sửa đổi, bổ sung thay thế các nội dung mà cộng đồng dân cư bàn và quyết định.  Điều 20 Luật năm 2022 đã bổ sung để làm rõ nội dung này.

     Những sửa đổi, bổ sung các vấn đề Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp trong Luật năm 2022 phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, từ đó để mở rộng dân chủ trực tiếp cho Nhân dân, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương,  góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

     Những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định: Luật năm 2022 ngoài việc kế thừa các nội dung của pháp lệnh 34 còn bổ sung thêm một số nội dung Nhân dân tham gia ý kiến như:

     - Dự thảo quyết định hành chính của Ủy ban Nhân dân cấp xã có liên quan đến lợi ích cộng đồng, bao gồm quyết định ban hành hoặc phê duyệt chương trình, kế hoạch, dự án, đề án có nội dung tác động đến môi trường, sức khỏe của cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội và những vấn đề khác có ảnh hưởng đến cộng đồng.
     - Dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng, dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng và quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn.
     - Dự thảo quy chế về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; dự thảo quy chế thực hiện dân chủ trong từng lĩnh vực, nội dung hoạt động cụ thể ở xã, phường, thị trấn (nếu có).
     - Dự thảo quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ hoặc làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành là công dân trên địa bàn cấp xã.
     Trách nhiệm của Nhân dân trong việc tham gia ý kiến về các nội dung ở xã, phường, thị trấn: Đây là quy định mới của Luật năm 2022. Theo đó, Luật năm 2022 quy định rõ cán bộ, công chức, đảng viên và mọi công dân cư trú trên địa bàn có trách nhiệm tích cực tham gia ý kiến về những nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống của cộng đồng dân cư để làm cơ sở cho các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, của đất nước.

     Nhân dân kiểm tra, giám sát (Điều 30 đến Điều 45): Pháp lệnh số 34 chỉ đề cập đến hoạt động giám sát của Nhân dân. Luật năm 2022 đã bổ sung thêm hoạt động kiểm tra để thiết kế thành một mục (Mục 4):  “Nhân dân kiểm tra, giám sát”.
     Bên cạnh việc kế thừa hình thức của Pháp lệnh số 34, Luật năm 2022 đã bổ sung thêm các hình thức mới:
     - Hoạt động lao động, sản xuất, học tập, công tác, sinh hoạt của công dân ở cộng đồng dân cư;
     - Quan sát, tìm hiểu, giao tiếp với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và người dân ở cộng đồng dân cư;
    - Tiếp cận các thông tin được công khai; các thông tin, báo cáo của chính quyền địa phương cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quản lý hoặc thực hiện các nội dung Nhân dân đã bàn và quyết định;
    - Tham dự hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban Nhân dân cấp xã với Nhân dân, hội nghị tiếp xúc cử tri, hoạt động tiếp công dân; hội nghị định kỳ và các cuộc họp khác của cộng đồng dân cư.
     - Các tổ chức tự quản khác ở địa phương được thành lập theo quy định của pháp luật.
 
Untitled2.jpg
Tăng cường hoạt động giám sát của Ban Thanh tra Nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng

     Việc mở rộng hình thức kiểm tra, giám sát chính là tạo điều kiện để thực hiện hiệu quả vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo đảm hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ theo đúng pháp luật và vì lợi ích của cọng đồng dân cư.

     Ban Thanh tra Nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng:  Đây là quy định mới của Luật năm 2022. Hoạt động giám sát của Nhân dân thông qua Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng được coi là một kênh quan trọng để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần tích cực trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện dân chủ ở cơ sở.

     Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định kiểm tra, giám sát trong Luật nhằm bảo đảm các quyết định đã được Nhân dân bàn và quyết định được thực thi trong thực tiễn; Nhân dân với tư cách là chủ thể quyền lực có cơ sở pháp lý vững chắc để theo dõi, xem xét, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở của chính quyền địa phương cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố./.
 
Trần Thị Phương - Phòng Nội vụ

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang