CHUYÊN MỤC

QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG NỮ VÀ BẢO ĐẢM BÌNH ĐẲNG GIỚI TẠI BỘ LUẬT LAO ĐỘNG 2019

(ngày đăng bài: 11/10/2021)
     Bộ luật Lao động là văn bản luật có vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm những chế định điều chỉnh các quan hệ về lao động và các quan hệ liên quan nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong các giai đoạn.
 

     Bộ luật lao động 1994 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 23 tháng 6 năm 1994, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 1995, trên cơ sở kế thừa và phát triển pháp luật lao động của Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã thể chế hoá một bước quan điểm, đường lối đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam, cụ thể hoá Hiến pháp năm 1992 về các quyền cơ bản của con người trong lĩnh vực lao động, sử dụng và quản lý lao động. 

     Sau 15 năm thi hành, Bộ luật lao động 1994 về cơ bản đã đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể thiết lập quan hệ lao động. Tuy nhiên đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của thị trường lao động, quan hệ lao động nói riêng đã có những đổi mới đòi hỏi Bộ luật lao động cần phải được sửa đổi, bổ sung nhằm: thể chế hoá mục tiêu, quan điểm, định hướng xây dựng đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam được thể hiện qua các văn kiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, lần thứ XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; phù hợp với các luật chuyên ngành mới ban hành như: Bộ luật dân sự năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật cán bộ, công chức năm 2008, Luật viên chức năm 2010… và các văn bản luật sẽ ban hành theo dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khoá XIII như Luật việc làm, Luật an toàn vệ sinh lao động, Luật tiền lương tối thiểu…nhằm bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật. 

     Đặc biệt, trước yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực, nhất là sau khi Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì Bộ luật lao động cần phải được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, đồng thời nội luật hoá các quy định trong các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam đã phê chuẩn, nhằm phù hợp với pháp luật lao động của các nước ASEAN và thông lệ quốc tế.

     Xuất phát từ những vấn đề cơ bản trên, ngày 18 tháng 6 năm 2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIII nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Bộ luật lao động năm 2012 và ngày 02 tháng 7 năm 2012, Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố và Bộ luật lao động năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 05 năm 2013, bao gồm 17 Chương và 242 Điều.

     Trải qua hơn 05 năm áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, Bộ luật lao động 2012 đã và đang bộc lộ nhiều bất cập gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật, cũng như làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

     Do đó, ngày 20/11/2019, Quốc hội đã thông qua Bộ Luật lao động 2019 với 90,06% đại biểu Quốc hội tán thành. Bộ Luật lao động 2019 ra đời nhằm bổ sung những quy định còn thiếu sót của Bộ Luật lao động 2012 cũng như để kịp thời cập nhật tình hình phát triển sôi động của đất nước.

     Một trong những điểm đáng chú ý của Luật Lao động 2019 là tiếp tục quy địnhrõ ràng, cụ thể về chính sách của Nhà nước đối với lao động nữvà bảo đảm bình đẳng giới. Ngoài tuyên bố chính sách của Nhà nước về lao động nói chung được quy định tại Điều 5 thì Điều 135 – Luật Lao động 2019 xác định rõ ràng thái độ của Nhà nước đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới, đó là:

     Điều 135. Chính sách của Nhà nước

     1. Bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

     2. Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ, lao động nam có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà.

     3. Có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình.

     4. Có chính sách giảm thuế đối với người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ theo quy định của pháp luật về thuế.

     5. Nhà nước có kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động. Mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ có thêm nghề dự phòng và phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ.

     6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

     Chúng ta có thể thấy, ngoài chức năng lao động, lao động nữ còn thực hiện thiên chức sinh đẻ và nuôi con; cơ thể người phụ nữ không có cấu trúc để chịu đựng những tác động lớn, mạnh mẽ và rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Do có những đặc điểm riêng biệt này mà lao động nữ khó khăn hơn so với lao động nam về tìm kiếm việc làm, ổn định việc làm lâu dài và bảo đảm thu nhập. Hơn nữa, cũng do phải thực hiện thiên chức nên lao động nữ cần thiết được bảo vệ khi tham gia quan hệ lao động, tránh những ảnh hưởng có hại từ điều kiện lao động đến chức năng sinh đẻ và nuôi con của họ, tức là ảnh hưởng đến quá trình tái sản xuất mở rộng lực lượng lao động. Vì thế, pháp luật quốc tế cũng như pháp luật quốc gia đều có quy định riêng để bảo vệ lao động nữ. Và Điều 135, Luật Lao động 2019 đã thể hiện rất rõ điều này:

     1. Nhà nước bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ:

     Nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nữ bình đẳng với lao động nam trong các hoạt động tạo ra việc làm, tự tạo việc làm, tìm việc làm và được bảo đảm việc làm trong quá trình tham gia quan hệ lao động. Quy định này vừa nhằm bảo đảm việc làm cho lao động nữ, tránh sự phân biệt, đối xử với lao động nữ về giới trong vấn đề việc làm, đồng thời vừa thể hiện sự phù họp với Luật Bình đẳng giới và tuyên bố chung trong chính sách của Nhà nước về lao động.
 
Untitled.jpg
Lao động nữ làm việc tại Công ty Haivina Kim Liên – Nghệ An
(Nguồn: http://www.baonghean.vn/)
 
     Và điều này được quy định cụ thể, rõ ràng hơn tại khoản 1, Điều 78, Nghị định Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

"Điều 78. Quyền làm việc bình đẳng của người lao động, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới"
    
     1. Quyền bình đẳng của người lao động:

     a) Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ốm đau, thai sản, các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần;

     b) Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới về các lĩnh vực quy định tại điểm a khoản 1 Điều này trong quan hệ lao động.

     2. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà.

     Do chỉ bảo đảm chính sách việc làm ở tầm vĩ mô, không trực tiếp tham gia quan hệ lao động, nên Nhà nước đã “chuyển giao” trách nhiệm của mình cho đơn vị sử dụng lao động. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, quy định mang tính tùy nghi như thế ít có tính khả thi, vì do mục đích lợi nhuận là trên hết nên đơn vị sử dụng lao động khó khăn trong việc “tạo điều kiện” cho lao động nữ.

     Song, xem xét trong mối tương quan với các quy định khác của Bộ luật thì quy định như vậy là hợp lý, không chỉ bảo đảm quyền của người sử dụng lao động trong việc sử dụng lao động phù hợp với nhu cầu lao động của đơn vị, mà còn nhằm tăng cường sự năng động của lao động nữ trong việc bảo đảm việc làm linh hoạt trong điều kiện mang thai, nuôi con nhỏ. Chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà được quy định tại Điều 34 của Bộ luật và được người sử dụng lao động quy định trong nội quy lao động hoặc thỏa thuận trong thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động. Trong thực tế đã có trường hợp áp dụng các thức nêu trên. Và tại khoản 2, 3Điều 78, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP cũng nêu rõ:

     “2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của phụ nữ. Việc tham khảo ý kiến của đại diện lao động nữ được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Nghị định này.

     3. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động:

     a) Ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ; ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới đối với lao động nữ trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn;

     b) Thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ tốt hơn so với quy định của pháp luật.”

     Có thể thấy theo quy định tại Điều 78 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ; ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới đối với lao động nữ trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn; đồng thời, thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ tốt hơn so với quy định của pháp luật.

     3. Có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình

     Như vậy, cùng với các chính sách về việc làm cho lao động nữ, nhà nước đã rất chú trọng đến các quyền lợi riêng của lao động nữ khi tham gia quan hệ lao động. Theo đó, lao động nữ không chỉ được bảo đảm việc làm ổn định, thường xuyên, lâu dài, mà còn được bảo đảm các điều kiện lao động an toàn, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, nâng cao trình độ nghề nghiệp và nhất là được bảo đảm thu nhập, phúc lợi. Mục đích của quy định này là nhằm giúp lao động nữ phát huy được khả năng, trình độ của mình vừa cống hiến cho xã hội vừa thực hiện tốt thiên chức trong gia đình, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội. Điều này được quy định cụ thể hơn tại Điều 79, Điều 80, Nghị định 145/2020/NĐ-CPcủa Chính phủ:

     Người sử dụng lao động cũng có trách nhiệm tăng cường phúc lợi và cải thiện điều kiện làm việc như có đủ buồng tắm, vệ
 sinh phù hợp theo quy định của Bộ Y tế, khuyến khích phối hợp với tổ chức đại diện cho người lao động lập kế hoạch, có giải pháp để người lao động có việc làm thường xuyên, thời gian biểu linh hoạt, không làm trọn thời gian, giao việc tại nhà, nâng cao tay nghề, lao động nữ được đào tạo thêm các nghề dự phòng phù hợp với đặc điểm cơ thể, sinh lý, chức năng làm mẹ (điều 79 - Nghị định 145/2020/NĐ-CP).

     Nghị định cũng nêu rõ khi khám sức khoẻ định ky, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bô Y tế ban hànhl; khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện cho lao động nữa đang mang thai được nghỉ đi khám thai nhiều hơn quy định tại Điều 32 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

     Lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động, số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động. Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định trên thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ. Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động. (Điều 80 - Nghị định 145/2020/NĐ-CP).

    4. Nhà nước có chính sách giảm thuế đối với người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ theo quy định của pháp luật về thuế:

     Quy định này nhằm bảo đảm quyền lợi cho đơn vị sử dụng lao động khi sử dụng nhiều lao động nữ. Điều 83, Nghị định 85/2015/NĐ-CP của Chính phủ cũng nêu rõ:

     Điều 83. Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động

     1. Người sử dụng lao động đầu tư xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cơ sở y tế, công trình văn hóa và các công trình phúc lợi khác bảo đảm các điều kiện về quy mô, tiêu chuẩn theo quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa thì được hưởng các ưu đãi theo quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường.

     Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động thì được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của Luật Nhà ở.

     Trường hợp đầu tư, tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo thì được miễn hoặc giảm tiền thuê cơ sở vật chất.

     2. Người sử dụng lao động được Nhà nước hỗ trợ như sau:

     a) Người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ được giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế;

     b) Các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ, bảo đảm bình đẳng giới và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc quy định tại Nghị định này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính.
 
Untitled1.jpg
Trong nh
ững năm gần đây, điều kiện làm việc trong ngành may mặc ở nước ta đã được cải thiện rõ rệt
(Nguồn: http://baocongthuong.com.vn)

     Chính sách ưu đãi này được khẳng định trong cả BLLĐ và Luật Bình đẳng giới, tuy nhiên, trong thực tế, do nhiều lý do, nên doanh nghiệp ít kê khai để hưởng ưu đãi.

      5. Nhà nước có kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động. Mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ có thêm nghề dự phòng và phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ

     Mục đích của chính sách này là nhằm để lao động nữ yên tâm làm việc cũng như hướng đến bảo vệ thế hệ lao động tương lai. Đây là chính sách hết sức thiết thực đối với lao động nữ, bởi do thời gian nghỉ để thực hiện thiên chức đã ảnh hưởng không ít đến việc trau dồi kiến thức chuyên môn, nâng cao trình độ của lao động nữ. Vì thế, để kiến thức của lao động nữ không bị lạc hậu, luôn được cập nhật và nâng cao, hoạt động đào tạo nghề nhất thiết phải được chú trọng. Điều này không chỉ có ý nghĩa giúp lao động nữ thực hiện tốt hơn những công việc được giao, từ đó nâng cao thu nhập mà còn có ý nghĩa đảm bảo cho lao động nữ tiếp tục có cơ hội thực hiện việc làm trong và sau thời gian thực hiện thiên chức. Đặc biệt, chính sách về đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ là chính sách ưu việt, tạo cơ hội về việc làm cho lao động nữ khi họ không có khả năng, điều kiện để làm một số công việc hoặc một số nghề lâu dài, ổn định.

     Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định trên thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ. Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.

     Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động; khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian nghỉ để vắt, trữ sữa mẹ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng từ 1.000 người lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.

     Điều 81, Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng quy định về tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động như sau: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí dành quỹ đất xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động trong kế hoạch sử dụng đất của địa phương; xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người lao động…

     Nhà trẻ, lớp mẫu giáo dân lập, tư thục ở nơi có nhiều lao động được hưởng các chính sách áp dụng cho cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp quy định tại Điều 5 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP về chính sách phát triển giáo dục mầm non.

     Đặc biệt, Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo. Nhà nước có chính sách hỗ trợ khi người sử dụng lao động đầu tư xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cơ sở y tế, công trình văn hóa và các công trình phúc lợi khác bảo đảm các điều kiện theo quy định thì được hưởng các ưu đãi theo quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường. Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động thì được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của Luật Nhà ở. Trường hợp đầu tư, tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo thì được miễn hoặc giảm tiền thuê cơ sở vật chất.

     Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, do nhiều nguyên nhân nên chính sách này chưa được chú trọng, vì thế đã ảnh hưởng không ít đến đời sống, thu nhập và tâm lý của lao động nữ.
 
Untitled2.jpg
Muốn giảm áp lực cho nhà trẻ, trường mầm non công lập,
giải bài toán thiếu trường ở các khu công nghiệp, cần thiết phải thúc đẩy xã hội hóa đầu tư.
(Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/)
 
     5. Lần đầu tiên khái niệm về quấy rối tình dục được đưa vào Bộ luật Lao động.

     Tại Khoản 9, Điều 3 ghi rõ: “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động”.

     Nghị định số 145/2020/NĐ-CP đã quy định cụ thể khái niệm phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc, nội dung của quy định phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc và trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động cũng như người lao động trong phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc.

     Điều 84 của Nghị định đã quy định những hành vi bị coi là quấy rối tình dục nơi làm việc như sau: Quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.

     Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục; Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục; Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

     Nơi làm việc là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc, như: các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.

     Trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới được quy định tại Mục 4, điều 87 của Nghị định theo đó giao trách nhiệm theo chức năng nhiệm vụ cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện giám sát các quy định trên trong phạm vi quyền hạn.
 
Nguyễn Thị Lan Anh - Thanh tra huyện

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang