CHUYÊN MỤC

Tăng cường công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện

(ngày đăng bài: 27/10/2020)
     Công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đóng vai trò quan trọng góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, quốc phòng; phát triển kinh tế - xã hội ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa của huyện. Xác định tầm quan trọng đó, thời gian qua, huyệnđã phát huy tốt vai trò lãnh đạo của hệ thống chính trị từ huyện đến xã trong việc thực hiện công tác dân vận và đem lại nhiều kết quả tích cực.

Untitled.jpg
Tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi cơ cấu cây trồng (phát triển cây Mắc Ca),
từng bước vươn lên làm giàu chính đáng
 
     Huyện Kbang có diện tích tự nhiên 184.243,33 ha với 14 xã, thị trấn, trong đó có 07 xã đặc biệt khó khăn, 28 làng đặc biệt khó khăn thuộc xã vùng II; có 21 thành phần dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm 52,88% dân số toàn huyện; dân tộc Bahnar là dân tộc bản địa chiếm 39,17% dân số, còn lại các dân tộc thiểu số khác: Jrai, Tày, Thái, Nùng, Mường, Dao, Hoa,...chiếm 7,95 % dân số toàn huyện.Thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 26-KH/HU ngày 11/4/2016 “về việc thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện”; Kế hoạch số 141a-KH/HU ngày 10/7/2018 “về việc thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp về làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số”. UBND huyện xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác dân vận trên địa bàn huyện; đồng thời, phối hợp Ban Dân vận Huyện ủy xây dựng và ban hành Kế hoạch và Quy chế phối hợp về thực hiện công tác dân vận chính quyền và dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền cấp huyện, xã, giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn huyện; hàng năm xây dựngkế hoạch “Năm dân vận khéo” và dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới...
 
     Các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong toàn huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp, hướng về cơ sở, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời nắm bắt tâm tư và giải quyết có hiệu quả những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, đất ở, đất sản xuất, việc làm, thu nhập và những vấn đề nhạy cảm có liên quan đến người dân tộc thiểu số. Thực hiện công tác dân vận gắn với Quyết định số 20-QĐ/HU ngày 08/10/2015 của Ban Thường vụ Huyện ủy phân công các tổ chức cơ sở Đảng kết nghĩa với xã, thị trấn; các cơ quan, đơn vị phụ trách làng đặc biệt khó khăn (giai đoạn 2015 - 2020). Các cơ quan, đơn vị huyện đã hỗ trợ, giúp xã, làng, hộ nghèo các loại cây, con giống, phân bón, hỗ trợ làm chuồng bò, dê, heo... để phát triển kinh tế, giảm nghèo; nhân các ngày lễ, tết, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, phối hợp với các nguồn lực giúp gần 800 hộ thoát nghèo với tổng giá trị quy ra tiền trên 3,5 tỷ đồng.
 
Untitled1.jpg
Lực lượng an ninh thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình an ninh nông thôn
và những nhu cầu chính đáng của Nhân dân
 
     Công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được đổi mới. UBND cấp huyện, xã không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn; đẩy mạnh cải cách hành chính, sửa đổi lề lối làm việc theo hướng dân chủ hóa, công khai hóa; đồng thời, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật. Cùng với việc thực hiện Chị thị 49-CT/TW và các chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước và của tỉnh về công tác dân tộc, UBND huyện tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng Nông thôn mới, các chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương về công tác dân tộc.Bằng nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình 135 và Ngân sách tỉnh, huyện; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng đồng bộ; đến nay, có 04 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới và 03 làng nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2020, có thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 làng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới và huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo thực hiện trên cơ sở lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư, các nguồn lực xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2015 là 26,72%,  giảm còn 7,92% vào cuối năm 2019, trong đó số hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 88,38% tổng số hộ nghèo, toàn huyện không còn hộ nghèo là đối tượng chính sách. Phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,31% (giảm bình quân 4,28%/năm giai đoạn 2015-2020). 
 
     Công tác đào tạo nghề cho người lao động được chú trọng, trong đó tập trung chủ yếu vào thanh niên dân tộc thiểu số. Từ năm 2016 đến nay đã đào tạo nghề cho 1.120 lao động nông thôn; tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động trong độ tuổi đạt trên 30%. Đã giải quyết việc làm cho 2.308 lao động; người lao động biết áp dụng kiến thức học nghề để tự giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao năng suất, sản lượng trong sản xuất, tăng thu nhập. Các chế độ, chính sách cấp phát các mặt hàng theo chương trình cấp không thu tiền theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg; chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định 2085/QĐ-TTg; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người DTTS ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn... được thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho các hộ nghèo là người dân tộc thiểu số.
 
     Thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 04/6/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội từ huyện đến cơ sở đã triển khai, thực hiện khá đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn ngừa, hạn chế tình trạng hộ người dân tộc thiểu số vay tiền, mua nợ hàng hóa của đại lý, hộ tư thương với lãi suất cao: đã rà soát, thống kê, lập danh sách 2000 hộ dân vay tiền, mua nợ hàng hóa của các đại lý, hộ tư thương với tổng số tiền 22.127.917.000 đồng; tổ chức 170 đợt tuyên truyền tại các thôn, làng với 12.870 lượt người tham gia; cấp phát 3091 quyển tuyên truyền pháp luật cho các thôn, làng, tổ dân phố, trong đó 182 tập tài liệu tuyên truyền chuyên đề về tác hại, hệ lụy của việc vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao cho các xã, thị trấn, thôn, làng, tổ dân phố.Triển khai thực hiện công tác dân vận tham gia xây dựng nông thôn mới của các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh; trong 05 năm qua, các đơn vị quân đội: Sư đoàn bộ binh 2-QK5, Sư đoàn 320- Quân đoàn 3, Lữ đoàn 368-Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai, Lữ đoàn Công binh 280-QK5 đã tham gia thực hiện 9.629 ngày công lao động, với tổng giá trị ngày công, hiện vật quy ra tiền 2.352.100.000 đồng.
 
Untitled2.jpg
Lực lượng quân đội tích cực tham gia công tác dân vận xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện
 
     Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số luôn được huyện quan tâm, chỉ đạo, có chính sách cụ thể đối với cán bộ, công chức. Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong quy hoạch và được cử đi đào tạo, bồi dưỡng qua các năm đều tăng.Hiện nay, cán bộ, công chức, viên chức đồng bào dân tộc thiểu số thuộc UBND huyện có 98 người, chiếm 9,1% (04 công chức, 94 viên chức); cấp xã có 92 người, chiếm 32,05% (cán bộ:62, công chức: 30 người)…; người hoạt động không chuyên trách ở xã và thôn, làng, tổ dân phố có: 383 người/ 664 người, chiếm 58% (người hoạt động không chuyên trách ở xã: 281; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, TDP: 383)
 
     Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện, xã tập trung lãnh đạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sát địa bàn, bám dân; chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn, chi hội, xây dựng mô hình; tiếp tục nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”,“Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Công tác xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng nòng cốt và người có uy tín được quan tâm thực hiện; công tác vận động, tập hợp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân của Mặt trận tổ quốc các cấp được thực hiện có hiệu quả, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong xã hội về việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vận động đồng bào xóa bỏ các tập tục, hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình góp phần cùng địa phương thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, đảm bảo tình hình an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc.

     Ngoài ra, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, các lực lượng vũ trang, các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà hảo tâm triển khai nhiều chương trình, hoạt động hướng về đồng bào dân tộc thiểu số với những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả như: Tổ chức tặng quà đồng bào nghèo dịp lễ, tết;phòng, chống, khắc phục hậu quả của thiên tai; xây dựng nhà tình nghĩa; chương trình thanh niên tình nguyện; tập huấn, hỗ trợ vốn sản xuất, phát triển kinh tế hộ; xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế…
 
     Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dân vận vùng đồng bào DTTS, thời gian tới, huyện tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 49 ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS; đẩy mạnh phong trào thi đua, xây dựng mô hình, điển hình “dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội gắn với xây dựng NTM và các phong trào thi đua yêu nước. Phát huy vai trò nòng cốt của hệ thống dân vận trong việc tham mưu với cấp ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng mô hình, điển hình “dân vận khéo”. Chú trọng tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cơ sở kiến thức công tác dân vận, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở...giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở; xuất phát từ lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào DTTS. Phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người có uy tín để thu hút lực lượng tham gia... củng cố hoạt động bộ máy chính quyền, làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo.
 
Nguyễn Văn Trung,Phòng Nội vụ

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang