CHUYÊN MỤC

Tổ đại biểu số 14-HĐND tỉnh giám sát chuyên đề về tình hình triển khai, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện Kbang, giai đoạn 2020-2022

(ngày đăng bài: 13/12/2023)
     Thực hiện kế hoạch số 21/KH-TĐB ngày 08/3/2023 về giám sát chuyên đề năm 2023 của Tổ đại biểu số 14 - HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026. Tổ đại biểu số 14 - HĐND tỉnh khóa XII gồm: Đồng chí Nguyễn Hữu Tuyến-Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện, Tổ trưởng Tổ đại biểu số 14; đồng chí Hà Thị Giang Thảo-Tỉnh uỷ viên, Bí thư Tỉnh Đoàn; tham gia giám sát cùng Tổ đại biểu số 14 - HĐND tỉnh khóa XII có đại diện Thường trực HĐND huyện, lãnh đạo UBND huyện, Ban Thường trực UBMTTQVN huyện, Hội Nông dân huyện, lãnh đạo: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Tài chính - Kế hoạch, phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện; 

     Tổ đại biểu số 14 - HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát về tình hình triển khai, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện Kbang, giai đoạn 2020-2022 của UBND huyện Kbang và 14 xã, thị trấn; trong đó, giám sát trực tiếp đối với UBND huyện, UBND xã Tơ Tung, UBND xã Sơn Lang, khảo sát đối với 02 chủ thể thực hiện chương trình OCOP tại xã Tơ Tung và xã Sơn Lang.
 
Untitled.jpg
Tổ đại biểu số 14 - HĐND tỉnh giám sát tại UBND xã Tơ Tung
 
Untitled1.jpg
Tổ đại biểu số 14 - HĐND tỉnh giám sát tại UBND xã Sơn Lang

     Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành các quyết định về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, 2021-2025; UBND huyện Kbang đã giao phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch và chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

     Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc tham mưu UBND huyện triển khai thực hiện Chương trình OCOP như: Kiện toàn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện; ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Chương trình OCOP và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai thực hiện Chương trình; phối hợp với phòng Tài chính - Kế hoạch trong việc triển khai nguồn kinh phí do Trung ương, tỉnh cấp để thực hiện tập huấn, đánh giá, phân hạng sản phẩm và hỗ trợ chủ thể; giai đoạn 2020-2022, huyện được Trung ương, tỉnh phân bổ kinh phí với số tiền 1,624 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân 209.819.000 triệu đồng.

     Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền thường xuyên được quan tâm, chú trọng và được triển khai rộng rãi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng…. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn tổ chức tập huấn Chương trình OCOP cho cán bộ, công chức liên quan và các chủ thể (doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh, ...) trên địa bàn huyện (địa điểm tổ chức tập huấn tại huyện), cử đại biểu đăng ký thực hiện Chương trình tham gia các lớp tập huấn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức với tổng cộng 249 lượt người tham gia. Đồng thời, trong các đợt tổ chức Ngày hội du lịch Kbang, các sản phẩm OCOP đều được tạo điều kiện tham gia giới thiệu và bán cho du khách; UBND huyện, các cơ quan, đơn vị huyện đã quan tâm sử dụng sản phẩm OCOP của huyện làm quà tặng để góp phần quảng bá sản phẩm; UBND huyện thông tin kịp thời về các hội chợ trong và ngoài tỉnh để các chủ thể chủ động tham gia.

     Tính đến hết năm 2022, trên địa bàn huyện có 05 chủ thể có sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP xếp hạng 03 sao  (gồm 01 doanh nghiệp, 01 hợp tác xã và 03 hộ kinh doanh) với tổng số 07 sản phẩm OCOP. Cơ cấu sản phẩm OCOP của huyện: Có 05 sản phẩm thuộc nhóm ngành thực phẩm (71,42%); 02 sản phẩm thuộc nhóm ngành dược liệu và sản phẩm từ dược liệu (28,58%). Các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện như: Măng le rừng Kbang, Bí đao sấy khô Thanh Hương, Tinh dầu sả Java nguyên chất, Mắc ca Minh Quang Gia Lai, Mắc ca Phương Linh đã được kinh doanh tại siêu thị Coopmart Gia Lai, sàn thương mại điện tử Shopee, Posmart, sàn Ocopgialai.vn...; sản phẩm Mắc ca Phố núi Damia kinh doanh tại siêu thị Coopmart Gia Lai, sàn thương mại điện tử Shopee, sàn Ocopgialai.vn...
 
 
     Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện Kbang, giai đoạn 2020-2022 còn một số tồn tại, hạn chế như: (1) Tuy đã có nhiều cố gắng nhưng công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương và nhận thức của người dân về Chương trình, sản phẩm OCOP ở cơ sở còn hạn chế, một số chủ thể sản xuất chưa xác định được lợi ích trong việc tham gia Chương trình nên chưa tích cực tham gia. (2) Số lượng sản phẩm OCOP còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của huyện; phương án sản xuất kinh doanh của nhiều chủ thể chưa có tính đột phá, chưa có nhiều đổi mới; một số sản phẩm là đặc trưng, thế mạnh của địa phương nhưng không thể làm đúng theo quy trình OCOP do không đủ nguồn lực, chưa phát triển được sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 04 sao; chưa xây dựng được điểm bán các sản phẩm OCOP. (3) Tỷ lệ giải ngân kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh giai đoạn 2020-2022 thấp (209.819.000đ/1.624.000.000, đạt 12,91%). (4) Số lượng cơ sở sản xuất cơ bản nhỏ lẻ, sự liên kết sản xuất và chế biến tiêu thụ chưa chặt chẽ. Sự cải tiến, nâng cấp sản phẩm OCOP sau khi được công nhận chưa rõ nét, chưa đầu tư thay đổi nhiều trong chế biến sản phẩm. (5) Một số sản phẩm có mẫu mã bao bì còn đơn giản, chưa được quan tâm xây dựng, thiết kế bắt mắt để thu hút người tiêu dùng.

     Trên cơ sở kết quả giám sát, để nâng cao hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện Kbang trong thời gian tới, Tổ đại biểu số 14-HĐND tỉnh có một số kiến nghị, đề xuất đối với UBND tỉnh, UBND huyện, xã như sau:

     Đối với UBND tỉnh: Xem xét kiến nghị đến Bộ Tài Chính 02 nội dung sau: (1) Hiện nay việc hỗ trợ cho các chủ thể chỉ được thực hiện khi có sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, nên nhiều chủ thể chưa mạnh dạn đầu tư hoàn thiện hồ sơ minh chứng. Do đó, đề xuất có quy định cho phép hỗ trợ một phần đối với các chủ thể có đăng ký tham gia thực hiện Chương tình OCOP nhưng qua đánh giá, phân hạng chưa đạt sản phẩm OCOP (nội dung, định mức chi đúng quy trình, có hóa đơn, chứng từ hợp lý, đầy đủ). (2) Đề nghị bổ sung nội dung chi hỗ trợ cho các chủ thể có sản phẩm OCOP khi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại (hội chợ, triển lãm, phiên chợ…) được tổ chức tại các địa phương khác ngoài địa bàn huyện. Hiện nay, tại Điều 6, 7, Thông tư 171/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia chỉ mới quy định việc hỗ trợ tổ chức hội chợ, chưa quy định nội dung hỗ trợ cho các chủ thể có sản phẩm OCOP đi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại (hội chợ, triển lãm, phiên chợ…) được tổ chức tại các địa phương khác trong nước.

     Đối với một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh: (1) Tại điểm đ, khoản 2, điều 87, Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính Quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, có quy định nội dung chi hỗ trợ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP do cơ quan phê duyệt nhiệm vụ (đối với nhiệm vụ hỗ trợ do địa phương thực hiện) quyết định mức hỗ trợ cụ thể nhưng không vượt định mức hỗ trợ đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định; đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua mức tối đa hỗ trợ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Gia Lai, làm cơ sở để triển khai thực hiện. (2) Tại điểm 2.1, khoản 2, điều 2, Nghị quyết số: 41/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh Quy định nội dung và mức chi đặc thù triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, có quy định: Chi hỗ trợ cho các đối tượng tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thực hiện kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm cho các nhóm sản phẩm thực phẩm, đồ uống, dược liệu, sản phẩm từ dược liệu, hàng thủ công mỹ nghệ sau khi được UBND tỉnh quyết định công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Tuy nhiên, theo quy định tại Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm, quy định: UBND cấp huyện ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 3 sao. Do đó, đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, sửa đổi nội dung quy định tại điểm 2.1, khoản 2, điều 2, Nghị quyết số: 41/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh để phù hợp với quy định hiện hành của Trung ương. (3) Quan tâm tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực đối với cán bộ phụ trách chương trình OCOP cấp huyện, cấp xã; các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.

     Đối với UBND huyện: (1) Tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn các xã, thị trấn trong việc thực hiện Chương trình OCOP bằng nhiều hình thức; đưa các thông tin về sản phẩm OCOP của huyện lên các trang thông tin điện tử, các trang mạng do của huyện quản lý. (2) Thực hiện các nội dung hỗ trợ theo quy định và theo kế hoạch vốn được giao hàng năm đối với các chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP và đạt từ 03 sao trở lên. Xác định phát triển sản phẩm OCOP gắn liền với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. (3) Trên cơ sở các quy định về Chương trình OCOP, chỉ đạo phòng chuyên môn rà soát, trích dẫn các nội dung liên quan đến việc hỗ trợ về kinh phí và các nội dung liên quan để thông báo rộng rãi cho các đơn vị, cá nhân biết, tham gia Chương trình. (4) Tập trung công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý chương trình OCOP cấp huyện và cấp xã; bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, sản xuất, kinh doanh cho chủ thể OCOP. Tổ chức cho đội ngũ công chức huyện, xã quản lý, thực hiện chương trình OCOP đi học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các địa phương khác về triển khai chương trình OCOP. (5) Trên cơ sở kế hoạch giai đoạn 2021-2025; chỉ tiêu của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, rà soát, xác định lộ trình, nguồn lực, thời gian để hỗ trợ, phát triển các sản phẩm OCOP đạt chỉ tiêu. (6) Bố trí, lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án để thực hiện hiệu quả Chương trình. Trên cơ sở nguồn kinh phí do Trung ương, Tỉnh hỗ trợ, rà soát, tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, hạn chế thấp nhất việc trả lại kinh phí hoặc chuyển nguồn do không sử dụng hết kinh phí. (7) Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá, sơ kết định kỳ để rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tổ chức động viên, khích lệ, biểu dương các tập thể, cá nhân tích cực tham gia, có nhiều đóng góp và có thành tích tiêu biểu trong việc thực hiện Chương trình OCOP.

     Đối với UBND các xã, thị trấn: (1) Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng nội dung của Chương trình OCOP, các chính sách hỗ trợ của Chương trình đến các tổ chức kinh tế, các tầng lớp nhân dân triển khai thực hiện Chương trình. Phấn đấu đến năm 2025 mỗi đơn vị cấp xã có ít nhất 01 sản phẩm OCOP. (2) Xây dựng kế hoạch thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể nội dung Chương trình cho công chức chuyên môn cấp xã; đề xuất Đảng ủy tăng cường công tác lãnh đạo, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Mặt trận, các đoàn thể cùng cấp, gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong quá trình thực hiện Chương trình. (3) Tích cực, chủ động rà soát tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm đặc trưng của địa phương, lựa chọn sản phẩm, chủ thể có điều kiện để tuyên truyền, vận động, thúc đẩy, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của huyện hỗ trợ phát triển, hoàn thiện sản phẩm, hồ sơ minh chứng để đăng ký tham gia chương trình OCOP; rà soát hồ sơ, xác nhận các nội dung thuộc thẩm quyền, tổng hợp đăng ký kế hoạch thực hiện Chương trình hàng năm./.
 
Nguyễn Mạnh Phùng - Văn phòng HĐND-UBND huyện

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang