CHUYÊN MỤC

Tổng kết 05 năm thực hiện xây dựng làng Nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

(ngày đăng bài: 13/04/2023)
     Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13/2/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số; Huyện uỷ Kbang đã ban hành Kế hoạch số 141a-KH/HU ngày 10/7/2018 “về thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”;

    Trên cơ sở Kế hoạch số 141a-KH/HU ngày 10/7/2018 của Huyện ủy; Công văn số 760/UBND-NL ngày 18/4/2018 của UBND tỉnh “về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy”; Công văn số 945/SNNPTNT-VPNTM ngày 31/5/2018 của Sở Nông nghiệp và PTNT “về việc hướng dẫn một số nội dung về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số”; UBND huyện đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.  Đồng thời hàng năm, HĐND huyện ban hành Nghị quyết về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và phải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện, trong đó có nội dung về xây dựng nông thôn mới và làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số.

     Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công các Huyện ủy viên phụ trách các xã xây dựng nông thôn mới; lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã xây dựng mô hình làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Các cấp ủy, chính quyền đã xác định rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phối hợp các cơ quan nhà nước tăng cường giám sát, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia chương trình.

     Sau 05 năm triển khai Chỉ thị 12-CT/TU ngày 13/2/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 141a-KH/HU ngày 10/7/2018 của Ban Thường vụ Huyện ủy trên địa bàn huyện; việc xây dựng làng Nông thôn mới trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả, cụ thể:

     Về Công tác tuyên truyền, vận động: đã tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống truyền thanh huyện, xã để nâng cao nhận thức và giúp nhân dân hiểu rõ về Chương trình MTQG xây dựng NTM, xây dựng làng nông thôn mới cũng như Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 141a-KH/HU của Huyện ủy. Quá trình triển khai thực hiện quy hoạch sắp xếp lại các làng nông thôn mới, đã tiến hành khảo sát, họp dân làng lấy ý kiến về chủ trương xây dựng làng đạt chuẩn làng Nông mới trong đó có lấy ý kiến quy hoạch, sắp xếp lại dân cư, công trình công cộng cũng như thống nhất chủ trương đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân và đã được đa số nhân dân trong làng đồng tình ủng hộ. Trong giai đoạn 2018-2022, trên địa bàn huyện đã tổ chức được 150 buổi tuyên truyền với trên 9.000 lượt người nghe là bà con dân tộc thiểu số; tổ chức 19 Hội nghị; đã có hơn 51 tin, bài, phóng sự phản ánh nhiều nội dung liên quan đến việc triển khai và kết quả thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU.

     Về kết quả đăng ký xây dựng làng nông thôn mới trong giai đoạn 2018-2022: đã thống nhất đăng ký đạt chuẩn 14 làng nông thôn mới trong giai đoạn 2018-2020, cụ thể:

     - Năm 2018 đăng ký thực hiện 4 làng: Làng Kon Lốc 2 – xã ĐăkRong, làng Lợk – xã Nghĩa An, làng Kdâu – xã Kông Lơng Khơng và làng Chiêng – thị trấn Kbang.

     - Năm 2019 đăng ký thực hiện 3 làng: làng Cam – xã ĐăkSmar, làng Hà Nừng – xã Sơn Lang và làng Tờ Mật – xã Đông.

     - Năm 2020 đăng ký thực hiện 7 làng: Làng Kon Ktonh – xã Kon Pne, làng Groi – xã Kông Bờ La, làng Lợt – xã Nghĩa An, làng Krối (Đăkjông) – xã Lơ Ku, Làng Sơ Tơr – xã Tơ Tung, Làng Tờ Kơr – xã Sơ Pai và Làng Tăng – xã Krong. 

     Về kết quả thực hiện các tiêu chí về làng nông thôn mới ở các làng NTM

     Về quy hoạch: Các làng đã triển khai bố trí quy hoạch lại khu dân cư, đất ở của các làng vào quy hoạch chung của xã; tổ chức mở rộng, sắp xếp dân cư, lập bản đồ quy hoạch, vận động nhân dân di dời nhà cửa để tạo cảnh quan và xây dựng các công trình công cộng.

     Hệ thống Giao thông: đã bê tông hóa hơn 2,8 km đường giao thông tại 4 làng (Làng Lợk – Nghĩa An, làng Lợt – xã Đăk Hlơ, Làng Kon Lốc 2 – xã Đak Rong, làng Tăng – xã Krong, làng Cam – xã Đăk Smar); Cấp phối đất đồi hơn 3km đường giao thông ra các khu sản xuất tập trung tại các làng Kon Lốc 2 – xã Đak Rong, làng Tăng – xã Krong và làng Kdâu – xã Kông Lơng Khơng.

     Hệ thống điện: 100% các làng đều có hệ thống điện đạt chuẩn và hơn 98% các hộ dân tại các làng đều được sử dụng điện.

     Cơ sở trường học: Hầu hết các làng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chỉ thị 12-CT/TU đều có các điểm trường Mẫu giáo đạt chuẩn về cơ sở vật chất dạy và học; còn lại các cấp học từ tiểu học và THCS đều tham gia học tập trung tại điểm trường chính tại trung tâm xã theo chế độ bán trú.

     Cơ sở vật chất văn hóa: Đã thực hiện làm mới nhà văn hóa Làng Tăng – xã Krong; sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa làng Kon Lốc 2 – Đak Rong, nhà văn hóa làng Kon Ktonh – xã Kon Pne và thực hiện chỉnh trang các công trình phụ trợ như hàng rào, nhà vệ sinh,... ở tất cả các nhà văn hóa tại các làng thực hiện xây dựng làng nông thôn mới.

     Cơ sở hạ tầng thương mại: Tại các làng không đầu tư xây dựng chợ mà hầu hết các làng đều có từ 1-2 làng điểm (hộ gia đình) trao đổi buôn bán hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày cho nhân dân trong làng; các điểm trao đổi, mua bán hàng hóa đều được cấp phép đăng ký kinh doanh hộ gia đình.

     Thông tin truyền thông: Tất cả các làng đăng ký thực hiện chỉ thị 12-CT/TU đều được phủ sóng điện thoại và có thể truy cập internet băng rộng 4G để truy cập thông tin; tại các làng đều có các cụm loa phát thanh để cung cấp thông tin hàng ngày cho tất cả các hộ dân được nghe.

     Nhà ở dân cư: Trong giai đoạn 2018-2022 đã thực hiện hỗ trợ cho 52 hộ gia đình thực hiện xây mới, sửa chữa nhà ở (Làng Tăng – Krong: 34 nhà, làng Đăkjông – Lơ Ku: 7 nhà, làng Kon Lốc 2 – Đak Rong: 2 nhà, làng Groi – Kông Bờ La: 3 nhà, làng Sơ Tơr – Tơ Tung: 3 nhà, làng Kdâu – Kông Lơng Khơng: 1 nhà, làng Cam – Đăk Smar: 2 nhà); Hiện nay các làng không còn nhà tạm, tỷ lệ nhà đạt chuẩn 3 cứng theo quy định bộ xây dựng đạt trên 75%; hầu hết kiến trúc nhà ở của các hộ giâ đình được xây dựng theo kiểu nhà truyền thống của người Bahnar (nhà sán), nhưng được quy hoạch sắp xếp chỉnh trang ngăn nắp, hợp vệ sinh,...

     Về kinh tế và tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo: Căn cứ lộ trình, kế hoạch thực hiện đạt chuẩn làng nông thôn mới trong các năm, UBND huyện đã ưu tiên hỗ trợ kinh phí từ các Chương trình cho các xã có làng đăng ký đạt chuẩn để thực hiện hỗ trợ người dân phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, đặc biệt là hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Kết quả đến cuối năm 2020 có 13/14 làng đăng ký thực hiện đã đạt chuẩn tiêu chí về hộ nghèo (còn lại làng Chiêng – Thị trấn Kbang) và 6/14 làng đạt chuẩn tiêu chí về thu nhập (Làng Kdâu – xã Kông Lơng Khơng, làng Hà Nừng – xã Sơn Lang, làng Tờ Mật – xã Đông, làng Kon Lốc 2 – xã Đak Rong, làng Tăng – xã Krong và làng Lợk – xã Nghĩa An); Tuy nhiên từ năm 2021 đến cuối năm 2022 theo hướng dẫn đánh giá hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 thì tất cả các làng đều không đạt được tiêu chí về hộ nghèo.

     Tỷ lệ lao động có việc làm tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số đều đạt trên 90%; Tại các làng đều có tổ hợp tác liên kết sản xuất cụ thể như (làng Lợk nghĩa An, làng Tăng xã Krong có tổ hợp tác trồng mía; làng Hà nừng có tổ hợp tác trồng cà phê,...), ngoài các tổ hợp tác các làng còn có các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả như (làng Kdâu – xã Kông Lơng Khơng có mô hình liên kết trồng cây ăn quả, làng Tờ Mật – xã Đông có mô hình liên kết nuôi bò,...).

     Về Văn hóa – Xã hội - Môi trường: 100% trẻ em trong làng đều được đi học Mẫu giáo và Tiểu học đúng độ tuổi; hơn 80% hộ gia đình tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số đều được công nhận gia đình văn hóa; các làng đồng bào DTTS thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU đều là các làng đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2016-2020 nên tỷ hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; UBND các xã đã tổ chức huy động người dân phát quang, dọn vệ sinh trên các trục đường giao thông nội làng, làm con đường hoa (mỗi làng đều có từ 200-500m con đường hoa); sửa chữa 2 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (Làng Cam, làng Kon Ktonh) để đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt; tỷ lệ hộ sử sụng nước hợp vệ sinh tại các làng đều đạt trên 95%; Hàng năm từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới do UBND Tỉnh hỗ trợ, UBND huyện đã ưu tiên phân khai cho các làng để hỗ trợ người dân làm nhà vệ sinh, kết quả trong giai đoạn 2018-2022 đã hỗ trợ cho 454 hộ gia đình làm nhà vệ sinh, theo đánh giá hiện nay tại các làng thực hiện xây dựng nông thôn mới tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đều đạt trên 70%.

     Về Chính trị - Quốc phòng – An ninh: Tất cả các làng đã có đủ các tổ chức chính trị theo quy định; các hộ dân trong làng đều được tiếp cận, phổ biến các thông tin quy định về pháp luật, phòng chống bạo lực gia đình; tại các làng thực hiện xây dựng nông thôn mới không xảy ra tình trạng tảo hôn trong giai đoạn 2018-2022. Về an ninh, quốc phòng: An ninh trật tự xã hội tại các làng được đảm bảo, không xảy ra các tệ nạn xã hội; các chỉ tiêu quốc phòng đều được thực hiện đạt kế hoạch.

     Như vậy, tổng kinh phí đã huy động thực hiện chương trình trong 05 năm (2018 - 2022): 49.225,5 triệu đồng; trong đó (Ngân sách Trung ương, ngân sách Tỉnh lồng ghép từ các chương trình: 18.967,0  triệu đồng;  Ngân sách cấp huyện, xã: 5.976,8 triệu đồng (bao gồm 330,0 triệu đồng để hỗ trợ cho 11 làng (30 triệu/làng) để thực hiện công tác tuyên truyền, chỉnh trang nhà văn hóa và xây dựng các vườn hoa); Vốn doanh nghiệp hỗ trợ: 1.691,1 triệu đồng ;Vốn tín dụng: 8.502,0 triệu đồng; Vốn nhân dân đóng góp: 14.088,6 triệu đồng). Kết quả huy động ngày công giai đoạn 2018 - 2022: 6.713 ngày công, trong đó Làng Tờ mật: 425 công, làng Lơk: 182 công, làng Sơ Tơr: 250 công, làng Đăkjông: 906 công, làng Lợt: 97 công, làng Tăng: 1.758 công, làng Tờ Kơr: 230 công, làng Kon lốc 2: 565 công, làng Cam: 1.920 công, làng Kon Ktonh: 380 công). Kết quả hiến đất xây dựng làng nông thôn mới: Trong giai đoạn 2018-2022 người dân đã hiến 6.620m2  đất các loại để  xây dựng nhà văn hóa và các công trình giao thông (Làng Tăng – xã Krong: 1.200m; Làng Lợt – ĐăkHlơ: 400m và Làng Kdâu – xã Kông Lơng Khơng 700m; xã Đông 4.300m).
  
Untitled.jpg
 
Untitled1.jpg
Hình ảnh xây dựng làng Nông thôn mới

      Kết quả, đến cuối năm 2022 huyện mới có 6 Làng/14 làng được Chủ tịch UBND huyện công nhận đạt chuẩn làng nông thôn mới, trong đó: Năm 2019: Công nhận 2 làng (Làng Kdâu – xã Kông Lơng Khơng, Làng Hà Nừng – xã Sơn Lang). Năm 2020: Công nhận 4 làng (Làng Tờ mật – xã Đông, làng Kon Lốc 2 – xã Đak Rong, làng Lơk – xã Nghĩa An và làng Tăng – xã Krong). Còn  08 làng nông thôn mới chưa đạt chuẩn theo kế hoạch (Làng Sơ Tơr – Xã Tơ Tung; Làng Đăkjông – xã Lơ Ku; Làng Tờ Kơr – xã Sơ Pai; Làng Kon Ktonh – xã Kon Pne; Làng Groi – xã Kông Bờ La; Làng Cam  – xã Đak Smar; Làng Lợt  – xã ĐăkHlơ; Làng Chiêng – Thị trấn Kbang), nguyên nhân là do trong năm 2020 trên địa bàn huyện đã liên tiếp bị ảnh hưởng của thiên tai, nắng hạn làm thiệt hại cho 834,9ha cây trồng, mưa bão xảy ra liên tiếp trong 3 tháng từ 9-11 làm thiệt hại về sản xuất, cơ sở hạ tầng, nhà ở của nhân dân với tổng thiệt hại 62,17 tỷ đồng; các năm 2019-2021 dịch bệnh trên gia súc (dịch tả lợn châu phi, viêm da nổi cục trên trâu, bò) đã gây thiệt hại lớn đến hoạt động chăn nuôi trên địa bàn huyện; Ngoài ra năm 2020-2021 do ảnh hưởng của dịch Covid nên một số sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ khó khăn, giá bán giảm; do giãn cách xã hội, người dân trên địa bàn huyện không thể xuất khẩu lao động ra nước ngoài; các công ty trong nước tạm dừng hoạt động người lao động bị mất việc, phải trở về địa phương,…. Tất cả các yêu tố đã ảnh hưởng đến tiêu chí thu nhập của người dân tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, UBND Tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 826/QĐ-UBND ngày 28/12/2022, Qua đánh giá tại các làng có kế hoạch xây dựng làng nông thôn mới giai đoạn 2018-2022 thì bình quân mỗi làng đạt 17,2 tiêu chí/làng.

     Nhìn chung, sau 5 năm triển khai thực hiện xây dựng làng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết quả như: Nhận thức của người dân thay đổi, từ trông chờ ỷ lại sang chủ động, tự tin tham gia vào xây dựng nông thôn mới và trở thành phong trào sâu rộng. Hệ thống hạ tầng nông thôn đã thay đổi bộ mặt của các thôn, làng. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng lên rõ rệt; sản xuất nông nghiệp hàng hóa có chuyển biến tích cực, góp phần làm tăng thu nhập của người dân. Tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân trong làng từng bước được thay đổi theo hướng văn minh, tiến bộ; cảnh quan, môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp. Việc lồng ghép các chương trình đầu tư để thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU với các phong trào, các cuộc vận động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội nên đã huy động được nguồn lực tổng hợp của các cấp, các ngành nhất là sức mạnh nội lực của nhân dân chung sức, chung lòng xây dựng làng nông thôn mới.

     Tuy nhiên, việc triển khai cũng còn những hạn chế: Công tác di dời, sắp xếp lại dân cư tại các làng khó triển khai thực hiện do không có nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hộ gia đình thực hiện di dời; quỹ đất tại các làng còn hạn chế, khó quy hoạch mở rộng, để giãn dân. Định hướng phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất tại các làng nông thôn mới còn hạn chế; việc liên kết tiêu thụ sản phẩm còn bất cập, chưa bền vững nên ảnh hưởng đến tiêu thụ hàng hóa nông sản dẫn đến thu nhập người dân chưa cao. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức trong phát triển kinh tế trong đồng bào dân tộc thiểu số chưa đạt được kết quả như mong muốn.

     Trong giai đoạn 2023-2025, huyện sẽ tiếp tục triển xây dựng làng Nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện theo Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13/2/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 141a-KH/HU ngày 10/7/2018 của Huyện ủy. Theo đó, phấn đấu thực hiện đạt chuẩn 11 làng nông thôn mới, cụ thể: Năm 2023: Phấn đấu đạt chuẩn 4 làng (Làng Sơr Tơ – xã Tơ Tung và Làng Tờ Kơr – xã Sơ Pai, Làng Lợt – xã Đăk Hlơ và Làng Groi (Thôn 3) – xã Kông Bờ La). Năm 2024: Phấn đấu đạt chuẩn 4 làng (Làng Kgiang – xã Kông Lơng Khơng, làng ĐăkGiang II – xã Đông, Làng Cam – xã ĐakSmar và Làng Đăkjông – xã Lơ Ku). Năm 2025: Phấn đấu đạt chuẩn 3 làng (Làng Kuao – xã Nghĩa An , làng ĐăkCh câu – xã Krong và Làng Kon Ktonh – xã Kon Pne). Trong đó có 05 làng của giai đoạn 2018-2020 đã đăng ký nhưng chưa được công nhận (Làng Sơr Tơ – xã Tơ Tung; Làng Cam – xã ĐakSmar; Làng Đăkjông – xã Lơ Ku; Làng Tờ Kơr – xã Sơ Pai; Làng Groi (Thôn 3) – xã Kông Bờ La). Trong thời gian đến, để triển khai chương trình có hiệu quả, huyện sẽ tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể như:

     Về Quy hoạch: Rà soát lại cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhà ở dân cư,.. thực hiện mở rộng, sắp xếp lại nhà ở dân cư, cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong đó chú ý đến mở rộng đất ở, đất sản xuất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

     Về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội làng NTM: Xây dựng kế hoạch nâng cấp các công trình hiện có, chủ động lựa chọn một số hạng mục công tình hạ tầng (đường giao thông nội làng, đường ra khu sản xuất, nhà văn hóa làng,…) để tập trung ưu tiên xây dựng, tạo ra chuyển biến đột phá về phát triển kinh tế - xã hội của làng. Phối hợp với các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội để tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho người dân vay phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở, các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, …Chủ động và lồng ghép các nguồn lực để nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế, đời sống hàng ngày, công khai để người dân thảo luận, tự nguyện tham gia hiến đất, đóng góp công sức, tiền của.

     - Về tổ chức sản xuất: Chỉ đạo quyết liệt việc củng cố và phát triển các hình thức hợp tác, kinh tế hộ, HTX, tổ hợp tác,.. phù hợp với từng vùng về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp,… khuyến khích kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại để thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các khâu giống, quy trình canh tác, tưới tiết kiệm nước, bón phân. Quan tâm hỗ trợ xây dựng các mô hình khuyến nông, các mô hình liên kết sản xuất có gắn với tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho người dân sống gần rừng có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập từ rừng và đảm bảo giữ được rừng. Tích cực thực hiện cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ cách làm của người đồng bào dân tộc thiểu số , tuyên truyền xóa bỏ tập tục lạc hậu, biết cách tiêu dùng tiết kiệm để cải thiện cuộc sống.

     Về lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới, giữ vững an ninh trật tự ở nông thôn:  nâng cao chất lượng dạy và học (bậc mầm non, tiểu học), duy trì sĩ số học sinh. Duy trì và phát triển lực lượng y tế thôn, làng, thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe  ban đầu và khám chữa bệnh cho nhân dân, thực hiện tốt các chính sách về bảo hiểm Y tế, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi; vận động người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế để bảo vệ quyền lợi sức khỏe cá nhân.

     Về bảo vệ môi trường và xây dựng đời sống văn hóa ở thôn, làng: Hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân thực hiện các nội dung về phát triển văn hóa, xã hội, môi trường, đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn, xây dựng làm điểm một số mô hình làng đạt chuẩn văn hóa theo hướng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của từng dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, nâng cao chất lượng phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị”, trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa. Tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp, nhất là việc kiểm tra, xử lý các hộ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh,… gây ô nhiễm môi trường.

     Về giữ gìn an ninh trật tự xã hội ở nông thôn: Xây dựng và nhân rộng mô hình tự quản về an ninh trật tự ở khu dân cư, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và người có uy tín trong cộng đồng dân cư; thực hiện tốt pháp luật dân chủ cơ sở.
 
Trương Thị Chúc - Văn phòng HĐND-UBND huyện

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang