CHUYÊN MỤC

Triển khai Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Kbang

(ngày đăng bài: 30/06/2023)
     Thực hiện Quyết định số 111/QĐ-UBND, ngày 14/3/2023 của UBND tỉnh Gia Lai Về phê duyệt Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Để triển khai Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện, ngày 16/6/2023, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 813/KH-UBND. Theo đó, với mục đích khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng để đầu tư phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến tiên tiến, hiện đại và đồng bộ để chế biến sâu, đa dạng sản phẩm, tạo ra những thương phẩm có giá trị gia tăng lớn, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Giai đoạn 2023-2025, huyện phấn đấu chuyển đổi khoảng 2.917 ha cây trồng kém hiệu quả sang phát triển sản xuất rau, cây ăn quả, cây dược liệu, cây làm thức ăn cho chăn nuôi, cây trồng khác và dành quỹ đất phát triển các vùng, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (trong đó chuyển đổi khoảng 90 ha đất trồng lúa, 654 ha đất trồng sắn, 2.112 ha đất trồng mía, 35,8 ha đất trồng cao su, 18,6 ha đất trồng điều và 6,6 đất trồng hồ tiêu kém hiệu quả); Giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất thực hiện chuyển đổi đạt khoảng 150 - 200 triệu đồng (theo giá hiện hành năm 2022); Hình thành ít nhất 01 cơ sở sản xuất giống cây trồng đáp ứng đủ nhu cầu cây giống tốt phục vụ cho nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển sản xuất của người dân trên địa bàn. Giai đoạn 2026-2030, phấn đấu chuyển đổi khoảng 875 ha cây trồng kém hiệu quả sang phát triển sản xuất rau, cây ăn quả, cây dược liệu, cây làm thức ăn cho chăn nuôi, cây trồng khác và dành quỹ đất phát triển các vùng, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Trong đó chuyển đổi khoảng 75 ha đất trồng lúa, 300 ha đất trồng sắn, 500 ha đất trồng mía kém hiệu quả); Giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất thực hiện chuyển đổi đạt khoảng 250 triệu đồng (theo giá hiện hành năm 2022); Hình thành ít nhất 02 cơ sở sản xuất giống cây trồng đáp ứng đủ nhu cầu cây giống tốt phục vụ cho nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển sản xuất của người dân trên địa bàn.

     Với những mục tiêu trên, trong thời gian đến, huyện sẽ tập trung triển khai một số giải pháp:

     Thứ nhất: tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung, quy mô lớn, sản xuất theo các quy trình, tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản và hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng; quảng bá và phát triển du lịch nông nghiệp, thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động và mọi tầng lớp nhân dân để tạo sự đồng thuận, chung sức và quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện Quyết định số 111/QĐ-UBND ngày 14/3/2023 của UBND tỉnh. Tuyên truyền các mô hình mẫu trong ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), nông nghiệp hữu cơ (Organic), mô hình điểm “Doanh nghiệp - Hợp tác xã - Nhà vườn” trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây trồng theo hướng an toàn, bền vững, ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái tại một số xã có tiềm năng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật như Luật Trồng trọt, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Luật An toàn thực phẩm… và những quy định của pháp luật có liên quan. 

      Thứ hai là tổ chức sản xuất và xác định các vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trên cơ sở định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng chung của tỉnh, huyện, các xã, thị trấn sẽ lựa chọn ưu tiên phát triển một số loại cây trồng chủ lực và nhóm nông sản mà xã, thị trấn có lợi thế sản xuất, mang tính đặc sản vùng miền và có khả năng liên kết với các địa phương xung quanh để tạo ra vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với nhu cầu thị trường và các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững. Xây dựng kế hoạch dồn điền, đổi thửa để phát triển các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung đồng bộ gắn với phát triển  một số nhà máy sơ chế, bảo quản, chế biến; ưu tiên bố trí đất đủ lớn phù hợp để thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy, cơ sở chế biến nông sản và phát triển các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chú trọng từng bước hình thành các tổ hợp nông, công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với nông dân theo mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng và phát triển bền vững.
 
Untitled1-(1).jpg
Mô hình mẫu trong ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP)
 
     Áp dụng đồng bộ các quy trình canh tác bền vững, biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) vào sản xuất; quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm (thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng…) để làm cơ sở hướng đến cấp mã số vùng trồng, đảm bảo sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.  Xây dựng các mô hình điểm để trình diễn và chuyển giao kỹ thuật chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang phát triển sản xuất rau, cây ăn quả, cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao và thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic, GACP-WHO … gắn với du lịch sinh thái. Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các tổ hợp tác, hợp tác xã hiện có. Khuyến khích, hỗ trợ để hình thành mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản thông qua hợp đồng kinh tế.

     Thứ ba là sản xuất giống cây trồng, phân bón phục vụ cho công tác chuyển đổi. Khuyến khích các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn sản xuất phân bón theo hướng hữu cơ, sinh học, sử dụng các sản phẩm phụ của nông nghiệp để sản xuất phân bón. Tăng cường hướng dẫn người dân sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh trong công tác chuyển đổi để hướng đến sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ bền vững, góp phần giảm ô nhiễm môi trường cũng như đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của thị trường tiêu thụ. Triển khai thực hiện Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính Phủ về phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn huyện Kbang. Xây dựng và chăm sóc cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng để làm vật liệu nhân giống phục vụ sản xuất; đảm bảo giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được cấp có thẩm quyền công nhận.
Thứ tư là phát triển cơ giới hoá nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm và xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển nông sản. Khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở sơ chế, đóng gói và kho lạnh bảo quản nông sản tại những khu vực sản xuất nông sản hàng hóa tập trung nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.

     Thực hiện việc lồng ghép triển khai các đề án, chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện đăng ký và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm các nông sản hàng hóa đặc trưng, có lợi thế của huyện. Thực hiện việc đánh giá và cấp Giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ hoặc quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Xây dựng và phát triển các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể gắn với truy xuất nguồn gốc; ứng dụng thương mại điện tử; áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh. 

      Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, quảng bá giới thiệu sản phẩm; xây dựng và hình thành chuỗi cung ứng bền vững kết nối sản xuất, phân phối sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, nhà hàng, nhất là thị trường tiềm năng, như: Đà Nẵng, Quy Nhơn, Huế, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… Hàng năm, tổ chức ít nhất 01 đợt hội chợ du lịch để giới thiệu, quảng bá những mặt hàng nông sản đặc trưng của huyện; khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tham gia các Hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh.
 
Trương Thị Chúc – Chuyên viên Văn phòng
 
 
 
 
 
 
 
 
         
 
 

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang