CHUYÊN MỤC

Trường Phổ dân tộc bán trú TH& THCS Đăk Smar được xây dựng theo Kế hoạch đầu tư công của huyện

(ngày đăng bài: 08/08/2023)
     Kbang nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai, cách Thành phố Pleiku theo quốc lộ 19 và Đường Trường Sơn Đông khoảng 100 km. Huyện có tổng diện tích tự nhiên: 184.243,3 ha.  Toàn huyện có 13 xã và 01 thị trấn, với 110 thôn, làng, tổ dân phố; trong số đó có 33 thôn, làng đặc biệt khó khăn. Tổng dân số 70.208 người với 21 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc kinh chiếm 52,2%, dân tộc thiểu số chiếm 47,8% (dân tộc Bahnar là 39,7%, dân tộc khác 8,1%).

     Toàn huyện hiện có 44 đơn vị trường học thuộc huyện với 17 trường mầm non, 10 trường tiểu học, 9 trường tiểu học và trung học cơ sở, 8 trường trung học cơ sở. Trong đó có 7 trường phổ thông dân tộc bán trú và 3 trường có học sinh bán trú; tổng số học sinh bán trú là 1.544 học sinh (tiểu học 929 học sinh, trung học cơ sở 615 học sinh). Đến nay, huyện đã có 42/44 cơ sở giáo dục được kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 95,45%, trong đó có 6/7 trường phổ thông dân tộc bán trú đã kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành chỉ tiêu 100% cơ sở giáo dục trực thuộc đạt chuẩn quốc gia theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX nhiệm kỳ 2020-2025.
 
 Untitled.jpg
Hoạt động của em các học sinh tại trường phổ thông dân tộc bán trú
 
     Từ khi thực hiện mô hình trường học bán trú, các em được chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, vì vậy tỷ lệ học sinh chuyên cần đến lớp đã được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ đạt 98,9% trở lên so với đầu năm học. Chất lượng học sinh bán trú được nâng cao ngày càng có nhiều học sinh bán trú bậc tiểu học, trung học cơ sở tham gia và đạt giải học sinh giỏi các bộ môn văn hóa, thể thao cấp huyện, cấp tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

     Trong những năm qua, các chế độ, chính sách đối với học sinh bán trú luôn được các nhà trường trên địa bàn huyện quan tâm thực hiện. Ngay từ đầu năm học, nhà trường phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã tuyên truyền tới nhân dân về chế độ, chính sách đối với học sinh bán trú, nhất là chế độ chính sách theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ để các bậc phụ huynh quan tâm cho các em đến lớp. Trung bình mỗi năm, các trường trên địa bàn huyện thực hiện hỗ trợ tiền ăn 7.828 triệu đồng, hỗ trợ tiền nhà ở 143,33 triệu đồng; kinh phí mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, máy thu hình, phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao cho học sinh bán trú và kinh phí lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú 207,5 triệu đồng, hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn 816,7 triệu đồng; hỗ trợ 206,52 tấn gạo cho các em học sinh bán trú.

     Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú, trường có học sinh bán trú, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh bán trú nói riêng, chất lượng giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thiểu số nói chung, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện một số giải pháp:

     Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành các kế hoạch nhằm duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và bảo đảm các chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên, học sinh trên địa bàn huyện. Đồng thời gắn trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường và các ban ngành đoàn thể xã, thị trấn với mục tiêu thực hiện phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc đã tạo động lực mạnh mẽ cho việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số. Chủ động bố trí các nguồn vốn nhằm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cho các trường theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, trong đó ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc bán trú; theo đó năm 2023 Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo tiếp tục mua sắm 179 ti vi 65 inch và 180 máy vi tính.
 
 Untitled1.jpg
Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Đăk Smar được xây dựng theo Kế hoạch đầu tư công của huyện
         
     Hằng năm, ngành giáo dục tổ chức khảo sát chất lượng đầu năm, phân loại đối tượng học sinh, phân công chuyên môn phù hợp năng lực từng giáo viên, ưu tiên bố trí sắp xếp giáo viên có năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết dạy học lớp 1 và lớp 5; thực hiện đồng bộ việc dạy học tăng cường tiếng Việt cho tất cả học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú để củng cố kiến thức cho các em trước khi vào lớp 1 và tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh các khối lớp 2 đến lớp 5 trước khi bước vào năm học mới một cách thường xuyên.
 
  Untitled2.jpg
Trường PTDT bán trú TH và THCS Krong xây dựng  văn hóa đọc cho các em học sinh bán trú
 
     Xây dựng văn hóa đọc tại tất cả các cơ sở giáo dục, các nhà trường đã chủ động huy động nguồn lực xã hội và ngày công của phụ huynh xây dựng thư viện để phục vụ cho phong trào đọc sách tại các nhà trường. Đến nay, 100% trường phổ thông dân tộc bán trú có thư viện thân thiện và được trang bị sách, truyện, tranh ảnh ... tạo mọi điều kiện cho các em tham gia đọc ngoài giờ. Phong trào đọc sách phát triển dần đến các lớp, mỗi lớp xây dựng một góc thư viện, tập thói quen đọc sách cho các em mọi lúc, mọi nơi.
       
Untitled3.jpg
Các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và kỹ năng sống tại trường phổ thông dân tộc bán trú
 
     Các trường phổ thông dân tộc bán trú thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cũng như hoạt động giao lưu kỹ năng sống để thu hút các em tham gia và đến trường học tập: Chương trình giao lưu tiếng Việt đã tạo điều kiện cho học sinh và giáo viên tham gia, rèn luyện đánh giá được năng lực của cả giáo viên và học sinh, nhất là đánh giá kỹ năng nghe, nói, đọc viết và kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt của các em học sinh; Chương trình giao lưu thể dục nhịp điệu, khiêu vũ thể thao, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, kỹ năng lao động, các hoạt động cá nhân như: gấp chăn màn,  vệ sinh cá nhân … đã thực sự cuốn hút các em học sinh người dân tộc thiểu số tham gia; qua đó, giáo dục rèn luyện thêm kỹ năng hòa nhập với tập thể, với cộng đồng cho các em. kết hợp với việc ở lại trường sinh hoạt, các thầy cô giáo chủ nhiệm hướng dẫn tổ chức rèn luyện ôn tập kiến thức và chuẩn bị bài học. Các hoạt động này giúp các nhà trường huy động, duy trì đảm bảo sỹ số học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục tại đơn vị.    
         
Trần Thị Hiền Anh-Ban Kinh tế Xã Hội HĐND huyện
 

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang