CHUYÊN MỤC

SƠN LANG: CÀ PHÊ “ĐƯỢC GIÁ - MẤT MÙA”

(ngày đăng bài: 25/01/2024)
Niên vụ cà phê 2023 – 2024 ở xã Sơn Lang có mức giá cao nhất từ trước đến nay nhưng sản lượng lại giảm sâu. Câu chuyện cà phê “được giá- mất mùa” trong bối cảnh Tết Giáp Thìn đang cận kề mang lại những cảm xúc buồn vui lẫn lộn cho các hộ trồng cà phê trên địa bàn. 
ca-phe.jpg
Từ tháng 11/2023 đến nay, người trồng cà phê ở xã Sơn Lang đã thu hoạch cà phê niên vụ 2023 – 2024 với mức giá khởi điểm là 10.000đ/kg tươi. Mặc dù giá cà phê biến động hàng tuần, thậm chí hàng ngày nhưng điều đáng mừng là luôn duy trì ở mức cao. Từ ngày 20 đến 24-1-2024, cà phê tươi được thương lái thu mua với giá ổn định 14.600 đồng/kg. Với mức giá trên, không khí thu hoạch cà phê ở các khu sản xuất trở nên rộn ràng hơn; từ 14h đến 19h mỗi ngày là thời điểm hoạt động vận chuyển, mua bán cà phê diễn ra sổi nổi khắp các nẻo đường, khu dân cư. Ông Lê Ngọc Cường - thôn Hợp Thành, xã Sơn Lang, phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi làm gần 3 ha, gia đình chăm bón đầy đủ thì đạt 10 -12 tấn tươi/1ha. Tuy sản lượng nó có giảm mà giá cả tăng cao nên một số hộ chăm sóc đầy đủ thì kinh tế phát triển”.
Không chỉ có hộ ông Cường mà cà phê giảm sản lượng là tình trạng chung của hầu hết các hộ trồng cà phê trên địa bàn xã Sơn Lang. Ông Đinh Văn Phâng, Bí thư chi bộ - Trưởng làng Hà Nừng, xã Sơn Lang, cho biết: “Năm nay thì lịch sử giá cao mà sản lượng cà phê thì ít, không chỉ gia đình tôi mà cả làng 1 ha giảm từ 3 tấn trở lại.”
Ông Nguyễn Hải Ưng, cán bộ Nông nghiệp xã Sơn Lang cho biết: Hiện nay, tổng diện tích cà phê trên địa bàn xã là gần 1.300 ha thì có khoảng 550 ha cà phê tái canh và trồng mới, chưa cho thu hoạch; còn lại là diện tích cà phê đang trong giai đoạn kinh doanh thì tỷ lệ cây già cỗi, năng suất kém chiếm đến 80%. Trong niên vụ qua, hoa cà phê nở đúng vào những ngày có mưa nên thối bông, rụng hoa, tỷ lệ đậu quả không cao. Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân xuất phát từ việc đầu tư, kỹ thuật chăm sóc, tưới bón của các hộ chưa đảm bảo dẫn đến sản lượng thu hoạch không như kỳ vọng. Ông Ưng cho biết thêm: Năm 2021 bà con được mùa nhất, năm đó 1ha sản lượng trung bình từ 13-15 tấn/ha, giá trung bình 5-7 nghìn/1kg tươi. Năm 2022 vẫn trung bình từ 14 đến 15 tấn/1ha giá thì nó giao động từ 7-8 nghìn/1 kg tươi. Còn so sánh 2 năm đó với năm 2023 thì có sự đột biến, mà sản lượng thì mất mùa còn 8-9 tấn/1ha,  bù lại giá trung bình được 13-14 nghìn/1kg tươi.
 
Hiện nay, cà phê là cây trồng chủ lực của xã Sơn Lang và chiếm khoảng 36% tổng diện tích cà phê trong toàn huyện. Ông Lê Quý Truyền – Chủ tịch UBND xã Sơn Lang thông tin: “ Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân cũng như là các hội đoàn thể khác để tuyên truyền, cũng như tập huấn cho các hội viên, nông dân, để người ta áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc cây cà phê để đạt năng suất cao. Chúng tôi cũng chỉ đạo tổ khuyến nông cộng đồng trực tiếp làm sao cho người dân có kiến thức, nâng cao chất lượng, sản phẩm, năng suất của cà phê trong thời gian tới.
 
Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang cận kề, người trồng cà phê ở xã Sơn Lang có những buồn vui lẫn lộn. Đối với gia đình chị Trần Thị Hường - thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang đang canh tác 4ha cà phê, tổng sản lượng ước đạt 40 tấn tươi. Chị Hường nhẩm tính, với mức giá như hiện tại, sau khi trừ các loại chi phí, gia đình còn lãi khoảng 200 triệu đồng. Chị Hường nói:
 Nhờ số tiền này tôi cũng sắm sửa 1 số vật dụng trong gia đình. Tôi có thay mới 1 chiếc ti vi, sắp tới sửa sang lại công trình phụ, giá cà lên cao nên bà con chúng tôi hết sức phấn khởi, tết này có 1 cái tết ấm no hơn.
Được biết, đến nay, tiến độ thu hoạch cà phê trên địa bàn xã Sơn Lang đạt khoảng 50% diện tích và dự kiến qua Tết Nguyên đán mới thu hoạch dứt điểm. Câu chuyện cà phê “được giá” nhưng “mất mùa” khiến cho niềm vui của nhiều nhà nông không được trọn vẹn. Tuy nhiên, với mức giá cà phê tăng cao kỷ lục như hiện nay cũng tạo điều kiện cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã trang trải các khoản chi phí để đón Tết và lên phương án tái đầu tư, hướng đến một niên vụ cà phê mới tràn đầy ước vọng…
Lê Hồng Nhung VH-XH