CHUYÊN MỤC

Bài tuyên truyền Phòng chống Bạo lực Gia đình

(ngày đăng bài: 05/06/2019)
Bạo lực gia đình là một hiện tượng nảy sinh trong đời sống gia đình nhưng hiện đang là một vấn đề xã hội, gây nên những tổn hại tới sự phát triển của cá nhân và sự bền vững của xã hội.
Nếu như trước đây, bạo lực gia đình thường được quan niệm là “việc riêng tư” của mỗi gia đình thì nay, nó đã được điều chỉnh bởi một luật riêng. Luật phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ ngày 01/7/2008, là công cụ pháp luật để xử lý những hành vi bạo lực gia đình, bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân, duy trì sự ổn định, bền vững của gia đình và toàn xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện luật luôn cần có sự ủng hộ của người dân, đặc biệt là ý thức của mỗi thành viên trong gia đình với việc phòng, chống bạo lực gia đình.

Một số kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình:
1. Đảm bảo việc thực hiện quyền của mỗi cá nhân, sự bình đẳng trong gia đình.
Mỗi cá nhân đều có những quyền cơ bản được luật pháp quốc tế và quốc gia công nhận và bảo vệ cho dù cá nhân đó là nam hay nữ, là trẻ em hay người cao tuổi. Do vậy, gia đình cần tạo điều kiện đảm bảo việc thực hiện quyền của mỗi cá nhân, giúp cá nhân phát triển hài hòa, phù hợp với hoàn cảnh vật chất cũng như các giá trị văn hóa.
2. Duy trì sự tôn trọng, quan tâm, chia sẻ.
Gia đình là một tập hợp cá nhân với những sự khác biệt về tính tình, sở thích, lối sống. Do vậy trong cuộc sống không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, bất đồng ý kiến. Khi gặp phải những mâu thuẫn, xung đột, các thành viên trong gia đình cần bình tĩnh trao đổi, tránh hiện tượng dùng quyền lực, sức mạnh, sự phụ thuộc của người khác để ép buộc những thành viên khác theo ý muốn của mình.
3. Ngăn ngừa và loại bỏ những biểu hiện của chế độ gia trưởng, những quan niệm lạc hậu.
“Dạy con từ thuở còn thơ. Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”. Câu ca dao này đã phần nào nói lên tính chất của sự bất bình đẳng, gia trưởng của các mối quan hệ gia đình trong xã hội xa xưa. Cũng vì quan niệm “dạy vợ” ấy mà rất nhiều người chồng đã đối xử bất bình đẳng, có những hành vi đánh đập, xỉ nhục người vợ khi có mâu thuẫn để chứng tỏ “quyền được dạy vợ” của mình.
Việc đấu tranh, loại bỏ những quan niệm lạc hậu, bất bình đẳng là một trong những điều kiện để phòng, chống bạo lực gia đình. Để làm được việc này, mỗi thành viên trong gia đình đều cần nỗ lực chống lại những biểu hiện thông qua những việc làm cụ thể của mình như chia sẻ việc nhà với phụ nữ và bé gái; huy động sự tham gia của mọi thành viên vào công việc gia đình; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em được hưởng thụ những cơ hội phát triển cá nhân.
4. Không ngừng học tập, nâng cao nhận thức và tạo điều kiện cho các thành viên cùng học tập.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng bạo lực gia đình là những thành viên có trình độ học vấn cũng như nhận thức hạn chế về luật pháp, lối sống. Cho dù bạo lực gia đình có thể xảy ra ở bất kỳ gia đình nào, trí thức hay nông dân, nông thôn hay thành thị nhưng sự hiểu biết có thể giúp ngăn chặn những mầm mống của hành vi phòng, chống bạo lực gia đình.
Trong nhiều vụ bạo lực gia đình, việc thiếu hiểu biết về luật pháp của nạn nhân vô tình tiếp tay cho người gây bạo lực vì không hiểu hết các quyền và nghĩa vụ của mình. Đôi  khi vì muốn giữ gìn sự yên ấm, danh dự của người chồng, của bản thân và của gia đình mà rất nhiều người phụ nữ đã chọn cách im lặng khi bị chồng hoặc các thành viên khác hành hạ, cấm đoán...Hoặc có những người chồng chỉ quan niệm rằng đánh vợ là để dạy vợ mà không biết rằng đó là hành vi vi phạm pháp luật. Việc hiểu biết về pháp luật sẽ giúp ngăn ngừa những hành vi bạo lực gia đình ngay từ khi manh nha xuất hiện.
5. Nói “không” với mọi biểu hiện bạo lực gia đình.
Đối với các gia đình Việt Nam, đặc biệt là các cặp vợ chồng đã sống với nhau trong thời gian dài, dễ nảy sinh tư tưởng chấp nhận những hành vi bạo lực gia đình vì sợ rằng “xấu chàng hổ ai” hoặc vì muốn giữ sự vẹn toàn của gia đình cho những đứa con. Chính vì vậy đã vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho những hành vi bạo lực gia đình phát triển. Hoặc có thể chúng ta vẫn thường chỉ quan niệm rằng bạo lực gia đình gắn với sự hành hạ về thể chất như đánh đấm bằng chân tay hay vật dụng, vũ khí mà bỏ qua sự nhục mạ, chửi bới, hạ thấp uy tín cá nhân hay ép buộc quan hệ tình dục, cấm đoán về kinh tế.
Khi trong gia đình xảy ra một trong những hành vi nêu trên cũng có nghĩa rằng bạo lực gia đình đã hiện hữu trong gia đình bạn. Chúng ta không nên chấp nhận, bỏ qua những hành vi này mà không có cách xử lý hay phản ứng lại với người gây ra chúng bởi đôi khi chính vì thái độ của người thân trong gia đình đã tạo cảm giác cho người gây bạo lực gia đình rằng mình làm đúng hoặc mình có quyền đối xử như vậy với người thân. Nạn nhân của bạo lực gia đình không nên giữ kín những việc xảy ra với mình, chấp nhận rằng đó là số phận và có tinh thần chủ động phòng, chống bạo lực gia đình bằng những kỹ năng và khả năng mình có.
6. Xây dựng kế hoạch an toàn khi bạo lực gia đình trở nên nghiêm trọng.
- Nghĩ về tất cả các nơi mình có thể tìm đến: một trong những kỹ năng bảo vệ quan trọng khi gặp bạo lực gia đình là nạn nhân nên suy nghĩ về những địa chỉ mình có thể tìm đến và ở trong một vài ngày hoặc cho đến khi hành vi bạo lực gia đình được xử lý.
- Chọn nơi để đi: sau khi đã lên danh sách những nơi có thể tìm đến, cần cân nhắc lựa chọn xem nơi nào là điểm đến an toàn nhất, có thể nhận được nhiều sự trợ giúp nhất. Đa phần nạn nhân bạo lực gia đình thường tìm đến nhà người thân (bố mẹ, anh chị em), bạn bè thân quen. Đây là những người có mối quan hệ gần gũi, dễ thông cảm và bảo vệ được cho nạn nhân. Trong một số trường hợp, họ có thể cùng bàn bạc cách giải quyết những rắc rối hoặc làm giúp nạn nhân những thủ tục trình báo với chính quyền, các tổ chức đoàn thể.
- Chuẩn bị đồ đạc: bạn có thể thu xếp một số đồ đạc cá nhân, những giấy tờ cần thiết để mang đi khi rời khỏi nhà. Trong một số trường hợp, nạn nhân thường bị phong tỏa tất cả tài sản, giấy tờ, vật dụng. Điều này đẩy người phụ nữ vào hoàn cảnh “trắng tay” khi bắt buộc phải rời khỏi nhà vì sự an toàn của mình và con.
- Tiết kiệm cá nhân: Dù trong hoàn cảnh nào, việc chủ động về tài chính là cần thiết với mỗi cá nhân. Sự lệ thuộc vào tài chính của người khác cũng là một nguyên nhân dẫn tới bạo lực gia đình hoặc ngăn cản nạn nhân bạo lực gia đình tự lo cho mình. Nhiều trường hợp người phụ nữ không đi làm, việc chi tiêu trong gia đình hoàn toàn do người chồng chu cấp. Vị trí của người vợ do vậy bị đánh giá là thấp kém hơn và họ không được tham gia vào quá trình ra quyết định trong những công việc gia đình. Đồng thời, người chồng dễ có tư tưởng mình có quyền quyết định, có tiếng nói quan trọng không thể phản bác trong gia đình.
- Tránh tranh cãi với người gây bạo lực gia đình trong khu vực có thể có vũ khí: một trong những kỹ năng quan trọng để phòng, chống những tổn hại thể chất có thể được gây ra trong những tình huống bạo lực gia đình là nạn nhân cần tránh tranh cãi với người gây bạo lực trong khu vực có thể có vũ khí. Thật ra điều này không phải dễ bởi người gây bạo lực có thể dùng chân tay mình như vũ khí hoặc những vật dụng bình thường nhất trong gia đình để tấn công nạn nhân. Tuy nhiên khi cảm thấy rằng  nguy cơ của bạo lực gia đình có thể nảy sinh như việc kiếm cớ gây sự của người gây bạo lực (khi uống rượu say, khi bắt đầu to tiếng...), nạn nhân nên tìm cách đi ra khỏi nhà hoặc ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trên thực tế có nhiều vụ bạo lực gia đình xảy ra khi người vợ/ người chồng cố chấp hoặc không kiềm chế được nên cãi vã, gây lộn với những người đã có tiền sử gây bạo lực.
Biết số điện thoại của người (cơ quan) chịu trách nhiệm hòa giải, can thiệp, bảo vệ cá nhân như chính quyền, đại diện Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, cơ sở y tế... Nạn nhân bị bạo lực gia đình cần biết rằng họ không đơn độc trong cuộc chiến chống lại nạn bạo lực gia đình. Ở địa phương, chính quyền và rất nhiều những tổ chức đoàn thể mà họ tham gia có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ hoặc tham gia hòa giải những mâu thuẫn trong gia đình. Bên cạnh gia đình, người thân, những lực lượng này là sự giúp đỡ hữu hiệu cho nạn nhân bạo lực gia đình. Khi gặp tình huống bạo lực gia đình, nạn nhân có thể gọi điện thoại để tìm kiếm sự bảo vệ vì người gây bạo lực thường e ngại khi người có chức vụ, quyền hạn bắt gặp hành vi của mình.
Nguồn Lê Hồng Nhung VH-XH