CHUYÊN MỤC

Lãnh đạo UBND huyện kiểm tra tình hình sản xuất vụ Đông Xuân năm 2023-2024 trên địa bàn huyện

(ngày đăng bài: 11/03/2024)
     Trong thời gian qua, để triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024 có hiệu quả, đạt và vượt kế hoạch đề ra cả về diện tích, năng suất và sản lượng, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân năm 2023-2024; triển khai kế hoạch phòng chống hạn năm 2024 và các văn bản chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô; triển khai công tác thu hoạch Mía niên vụ 2023-2024 và phòng, chống cháy mía trên địa bàn huyện.

     Để nắm tình hình sản xuất vụ Đông – Xuân 2023-2024, UBND huyện đã tổ chức các đợt kiểm tra trực tiếp tại các xã, cụ thể ngày 21/2/2024, tổ chức kiểm tra, nắm tình hình sản xuất tại xã Đăk Rong và Sơn Lang và ngày 06/3/2024 tổ chức kiểm tra, nắm tình hình công tác sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024 tại các xã: Tơ Tung, Kông Lơng Khơng, Kông Bờ La và Đăk Hlơ do Đ/c Lê Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng đoàn. Tham gia cùng với Đoàn kiểm tra có đại diện lãnh đạo phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện và Văn phòng HĐND-UBND huyện; dự làm việc tại các xã có đại diện Thường trực Đảng ủy, Lãnh đạo UBND, công chức phụ trách lĩnh vực nông nghiệp xã.
 
 Untitled.jpg
Lãnh đạo huyện kiểm tra thực tế tại các xã
 
 Untitled1.jpg
Lãnh đạo huyện làm việc tại xã
 
     Qua kiểm tra thực tế và báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND các xã; nhìn chung, các xã đã quan tâm công tác chỉ đạo sản xuất, triển khai kế hoạch và các giải pháp phòng, chống hạn; triển khai công tác thu hoạch, phòng, chống cháy mía…. Trên toàn huyện, tiến độ sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024 (đến ngày 29/02/2024|) đã gieo trồng được 4.396 ha cây trồng các loại, đạt 76,9% KH. Trong đó: Cây lương thực có hạt: 1.464 ha, đạt 88,7 % kế hoạch (Cây lúa nước: đạt 99,7% kế hoạch; ngô lai: 61,1% kế hoạch); Cây tinh bột: 211 ha, đạt 51,5 % kế hoạch; Cây thực phẩm: 2.059 ha, đạt 93,7 % kế hoạch (đậu các loại: 101,4% KH; rau các loại: 83,1% KH); Cây CNNN: 547 ha, đạt 41,8% KH; cây trồng khác: 81 ha, đạt 71,7% KH. Tiến độ thu hoạch cây mía: 1.877/10.286 ha, đạt 18,2%; cây mì: 621/3.371 ha, đạt 18,4%. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại các xã, một số diện tích chưa được người dân quan tâm chăm sóc như: Làm cỏ, bón phân, lấy nước vào ruộng, xử lý ốc bươu vàng….; nguy cơ thiếu nước, cây phát triển kém, giảm năng suất là rất cao; do thời tiết nắng nóng nên một số diện tích cây trồng đã bị thiệt hại và có nguy cơ bị thiệt hại do hạn hán, nhất là cây lúa nước; một số công trình thủy lợi bị hư hỏng; việc thu hoạch mía còn chậm (xã Tơ Tung: thu hoạch khoảng 40% diện tích mía toàn xã, xã Kông Lơng Khơng: 29,7%, xã Kông Bờ La: 30% và xã Đăk Hlơ: 30%...); một số diện tích mía đã đến kỳ thu hoạch bị khô đọt, giảm năng suất…;
 
 Untitled2.jpg
Một số diện tích bị ảnh hưởng do thời tiết nắng nóng
 
     Trong thời gian tới, dự báo tình hình nắng hạn sẽ ngày càng phức tạp, có nguy cơ hạn hán và làm thiệt hại đến sản xuất của người dân. Để triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024 có hiệu quả, đồng thời hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng, nhất là thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước do tác động của hiện tượng El Nino, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh mùa khô năm 2023-2024, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện đồng bộ các giải pháp triển khai sản xuất, phòng, chống hạn, phòng chống cháy mía trên địa bàn, trong đó tập trung các giải pháp trọng tâm sau:

     Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2024 của UBND huyện về phòng, chống hạn hán trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Kbang năm 2024. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thường xuyên thăm đồng, làm cỏ, bón phân, lấy nước vào ruộng; thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh trên cây trồng, đặc biệt là phòng, trừ chuột gây hại, ốc bươu vàng…để cây sinh trưởng, phát triển tốt; thực hiện các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; tổ chức sử dụng và bảo vệ tốt các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt; khuyến cáo người dân chuyển đổi sang cây trồng cạn sử dụng ít nước tưới hơn để bảo đảm hiệu quả sản xuất.

     Tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp để phòng, chống hạn hán theo hướng dẫn của ngành chức năng; trong đó, tập trung việc quản lý, sử dụng, thực hiện điều tiết nước của các công trình thủy lợi để tận dụng mọi nguồn nước cho sản xuất, phấn đấu không để thiếu nước vào cuối mùa và tránh việc tranh chấp khi dùng nước; chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương để sửa chữa nhỏ các công trình thủy lợi; đối với những hư hỏng lớn, có báo cáo, đề xuất kịp thời để giải quyết, khắc phục phục vụ sản xuất.

     Chỉ đạo cán bộ, viên chức của Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện phụ trách từng địa bàn, phối hợp với UBND các xã, thị trấn nắm tình hình đồng ruộng; hướng dẫn nhân dân kỹ thuật sản xuất, biện pháp canh tác, kỹ thuật tưới nhằm tiết kiệm nước, tận dụng tối đa nguồn nước hiện có; hướng dẫn các biện pháp phòng chống hạn và phòng trừ sâu bệnh hại trong mùa hạn (nếu có).

     Thường xuyên kiểm tra, cập nhật tình hình các diện tích có nguy cơ bị hạn hán để kịp thời báo cáo, lập các thủ tục đề nghị hỗ trợ thiệt hại do thiên tai theo đúng quy định. Đối với những diện tích đất trồng lúa đã khuyến cáo chuyển đổi sang cây trồng khác nhưng người dân vẫn thực hiện trồng thì xem xét việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

     Đối với các xã trồng mía: Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống cháy mía như: Chủ động nắm lại toàn bộ diện tích chưa thu hoạch trên địa bàn từng xã để làm việc, phối hợp các Trạm đầu tư và tiêu thụ mía nguyên liệu -Nhà máy đường An Khê xây dựng phương án, kế hoạch thu mua mía. Chỉ đạo lãnh đạo UBND xã trực tiếp chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, theo dõi, nắm chắc số liệu diện tích mía thu hoạch trên địa bàn xã (cụ thể diện tích mía của từng hộ dân trên từng cánh đồng); trên sơ sở đó thông báo trên đài truyền thanh xã và trực tiếp cho các hộ dân biết về thời gian thu hoạch của Nhà máy đường An Khê để sắp xếp công lao động, máy móc, tập trung thu hoạch và vận chuyển mía về Nhà máy đường An Khê tiêu thụ; tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của cháy mía, cũng như xử lý của pháp luật đối với các trường hợp gây ra cháy mía đến các thôn, làng và đến các hộ gia đình trồng mía thông qua các cuộc họp và qua hệ thống truyền thanh của xã; vận động nhân dân đề cao cảnh giác, thường xuyên kiểm tra, thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy mía. Lưu ý: khi thực hiện đốt lá mía để vệ sinh ruộng mía sau thu hoạch phải làm sạch đường băng cản lửa, thông tin cho hộ có diện tích mía liền kề nắm được để phối hợp có biện pháp phòng chống cháy lan…
           
Trương Thị Chúc – Văn phòng HĐND-UBND huyện

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang