CHUYÊN MỤC

Ngành Giáo dục huyện Kbang sau 10 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

(ngày đăng bài: 14/07/2023)
     Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Huyện Kbang đã triển khai thực hiện cơ bản các nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được những kết quả đáng biểu dương.

      Toàn huyện có 44 đơn vị trường học với 536 lớp. Trong đó, 17 trường Mầm non với 161 lớp (3 lớp tư thục); 10 trường Tiểu học với 249 lớp; 17 trường THCS (TH&THCS: 09 trường, THCS: 08 trường) với 126 lớp và 01 Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; trong đó có 7 trường PTDT bán trú và 03 trường có học sinh bán trú. Ngành giáo dục đã tập trung chỉ đạo việc triển khai thực hiện chủ trương đổi mới nội dung, chương trình giáo dục phổ thông, thay sách giáo khoa và phương pháp giáo dục theo chuẩn kiến thức kỹ năng nhằm phát huy tư duy sáng tạo, tích cực của học sinh, đảm bảo hài hoà đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ, dạy nghề theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ chuyên ngành. Trong đó, chú trọng các hoạt động ngoại khoá, nhất là các hoạt động giáo dục đạo đức, chính trị, pháp luật, thẩm mỹ, thể chất, truyền thống lịch sử và địa lý, dân số, môi trường, phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, dịch bệnh, trật tự an toàn giao thông… nhằm hình thành nhân cách, lối sống lành mạnh và nâng cao năng lực hoạt động xã hội cho người học.
 
Untitled1.jpg
Hoạt động ngoại khóa của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai về giới thiệu di tích lịch sử nhà Lưu Niệm anh hùng Núp cho các em học sinh lớp 5

     Đối với giáo dục mầm non, mẫu giáo: Triển khai thực hiện học 02 buổi/ngày theo Chương trình Giáo dục mầm non ở 17/17 trường. Tỷ lệ nhóm, lớp học 02 buổi/ngày thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non tiếp tục được mở rộng, 100% lớp mẫu giáo 05 tuổi thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và thực hiện đánh giá Chuẩn phát triển trẻ 05 tuổi. Đến nay, 17/17 cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn huyện đã được kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia.

     Đối với cấp tiểu học: Tập trung chỉ đạo dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình; điều chỉnh nội dung phù hợp với yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh giá, phù hợp với đặc điểm tâm lý, sinh lý học sinh tiểu học; chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học; đổi mới phương pháp dạy học tiếng Anh; một số trường có điều kiện đã tổ chức dạy 02 buổi/ngày. Qua đó, giúp học sinh rèn luyện, thực hành, làm bài tập ngay tại lớp, giảm áp lực phải học thêm, học bài tại nhà. Đến nay, 10/10 cơ sở giáo dục cấp tiểu học đã được kiểm định chất lượng và công nhận đạt chuẩn quốc gia.
 
Untitled2.jpg
Trường PTDTBT TH&THCS Krong (xã Krong, huyện Kbang) điểm sáng trong công tác Kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1

     Đối với cấp trung học: Tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy phẩm chất, năng lực của người học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng tăng cường tự học, tự nghiên cứu thông qua việc đầu tư các phương tiện, trang thiết bị cho phòng học chuyên môn, phòng thực hành, ngoại ngữ. Triển khai việc tổ chức và quản lý sinh hoạt chuyên môn trên website “truonghocketnoi.edu.vn”, có 100% cán bộ quản lý, giáo viên và khoảng 50% học sinh các trường trung học cơ sở được cấp tài khoản để trao đổi, truy cập hệ thống thông tin trên mạng, bước đầu tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo chủ đề và tổ chức dạy học, thảo luận với học sinh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Các hoạt động phát triển năng lực học sinh được lãnh đạo Sở GDĐT, phòng GDĐT, các trường quan tâm chỉ đạo, tổ chức như: nghiên cứu khoa học kỹ thuật, vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn, thi Tiếng Anh, giải Toán và giải Toán bằng Tiếng Anh trên internet, thi hùng biện Tiếng Anh,… Đến nay, có 14/17 cơ sở giáo dục cấp trung học đã được kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia.

     Song song với việc thực hiện đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học, các trường cũng rất chú trọng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn liền hoạt động giáo dục, đào tạo của nhà trường với thực tiễn của xã hội nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Sáng kiến kinh nghiệm cấp trường, cấp huyện đã được nghiệm thu và đưa vào ứng dụng; các đề tài nghiên cứu khoa học trong thời gian qua thể hiện bằng nhiều hình thức: nghiên cứu biên soạn tài liệu giảng dạy, nghiên cứu về đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới cách đánh giá học sinh. Ngoài ra, các trường quan tâm đến công tác phối hợp với các doanh nghiệp, công ty, khu bảo tồn thiên nhiên, trường học, bệnh viện, trạm y tế…, tạo điều kiện để tổ chức cho học sinh tham quan, thực hành, trải nghiệm.

     Công tác tuyền truyền về xây dựng “xã hội học tập” được đẩy mạnh ngay từ ban đầu xây dựng triển khai thực hiện, làm cho các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến xã, dòng họ, gia đình và cá nhân hiểu rõ và không ngừng nâng cao nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng xã hội học tập và tham gia học tập thường xuyên, học tập liên tục và học suốt đời dưới mọi hình thức, ở mọi nơi, mọi lứa tuổi. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tích cực học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, xây dựng các mô hình học tập phù hợp để thực hiện mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập. Mạng lưới tổ chức Hội khuyến học được phủ kín trên địa bàn từ cấp huyện đến các xã, thị trấn đã thúc đẩy công tác khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh mẽ góp phần thực hiện các mục tiêu giáo dục, đào tạo của huyện nhà. Quan tâm xây dựng và phát triển các Trung tâm học tập cộng đồng; toàn huyện có 14 Trung tâm học tập cộng đồng/14 xã, thị trấn đi vào hoạt động hiệu quả.
 
 Untitled3.jpg
Trung tâm học tập cộng đồng xã Đông và xã Sơn Lang
 
     Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các ngành học, cấp học được bổ nhiệm, tuyển dụng đủ về số lượng. Công tác xã hội hóa giáo dục được tăng cường. Huyện luôn quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cả về chuyên môn và lý luận chính trị. Công tác quản lý không ngừng được đổi mới theo hướng phát huy tính chủ động của các cơ sở giáo dục. Nhằm tuyển chọn, công nhận và suy tôn giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp, bậc, tạo điều kiện để giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thể hiện năng lực, học tập, trao đổi kinh nghiệm về chăm sóc, giáo dục trẻ. Đến nay, toàn ngành hiện có 1052 người, gồm 87 Cán bộ quản lý, 860 giáo viên, 32 giáo viên hợp đồng, 57 nhân viên, 48 HĐLĐ 68. Đặc biệt, việc ứng dụng phần mềm trong công tác quản lý cán bộ, tài chính, chương trình dạy học đã mang lại hiệu quả thiết thực; chế độ thông tin, báo cáo trong hệ thống ngành giáo dục được thực hiện qua hệ thống website nội bộ, đảm bảo được tính kịp thời, chặt chẽ, thông suốt và hiệu quả; hình thành nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân về thực trạng giáo dục trên địa bàn huyện. Công tác thanh tra, kiểm tra các cấp từng bước được bổ sung, kiện toàn, đảm bảo đủ trình độ và năng lực để thực hiện nhiệm vụ, góp phần tích cực trong xây dựng nề nếp, kỷ cương trong ngành. Công tác kiểm tra, giám sát việc dạy thêm, học thêm; bạo lực học đường; tình trạng lạm thu; tinh giảm biên chế, thực hiện hợp đồng trong các cơ sở giáo dục được cấp uỷ, chính quyền và ngành giáo dục huyện chỉ đạo tiến hành thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW tại các cơ sở giáo dục. Việc lãnh đạo tổ chức các kỳ thi được thực hiện khá tốt, công tác thi đua, khen thưởng tiếp tục được đổi mới, kịp thời động viên và nhân rộng các điển hình tiên tiến trên lĩnh vực giáo dục.
 
Untitled4.jpg
Thường xuyên tổ chức Hội thi Giáo viên giỏi cấp huyện

     Bên cạnh đó, Các trường PTDTBT, trường vùng DTTS nói riêng và trường thuộc các cấp học, bậc học trên toàn huyện nói chung đã tổ chức và duy trì được hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục học sinh phù hợp với thực tiễn địa phương; đã xây dựng và phát triển các mô hình thư viện thân thiện, thư viện góc lớp; các hoạt động giáo dục tăng cường tiếng Việt, câu lạc bộ Tiếng Anh, hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, hoạt động văn hóa, văn nghệ, khiêu vũ thể thao, thể dục nhịp điệu, hoạt động ký cam kết duy trì sĩ số với hộ gia đình học sinh…, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc và chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Vì vậy, Kbang luôn được đánh giá là huyện có hệ thống trường PTDTBT phát triển tốt nhất, bền vững và có chất lượng giáo dục dân tộc ổn định nhất toàn tỉnh trong nhiều năm qua.

     Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW trên địa bàn huyện vẫn còn một số hạn chế, như:  Tỷ lệ huy động trẻ vào nhà trẻ còn thấp so với kế hoạch. Việc chuyển đổi trường mẫu giáo thành trường mầm non còn nhiều vướng mắc. Tình trạng giảm số lượng học sinh, giảm số lớp ở một số trường THCS ảnh hưởng đến công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục mũi nhọn chưa được duy trì bền vững. Việc triển khai dạy học chương trình Tiếng Anh mới ở các cấp học, qui mô còn thấp, chất lượng chưa đáp ứng kế hoạch triển khai Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017- 2025. Tỷ lệ cán bộ quản lý đạt chuẩn nghiệp vụ quản lý giáo dục còn thấp so với chỉ tiêu kế hoạch; một số cán bộ quản lý chưa theo kịp với yêu cầu đổi mới; còn tình trạng đội ngũ giáo viên thừa, thiếu chưa đồng bộ ở các cấp học; một số giáo viên chưa đổi mới phương pháp dạy học; chưa bổ sung đủ biên chế giáo viên mầm non, giáo viên bộ môn ở cấp tiểu học và THCS. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt là bồi dưỡng năng lực cho giáo viên ngoại ngữ đạt kết quả thấp so với yêu cầu triển khai. Việc thực hiện đổi mới nội dung, hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy năng lực và phẩm chất người học có nơi còn lúng túng, thiếu đồng bộ. Công tác huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục đào tạo chưa cao; hệ thống các trường tư thục trên địa bàn còn ít.

     Để tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Huyện Kbang đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đó là:

     Một là: Tiếp tục quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 29- NQ/TW, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, giáo viên và sự đồng thuận của xã hội trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Vận dụng đưa những nội dung cốt lõi của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh, Nghị quyết Đại hội của Đảng Huyện vào các chương trình, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2025 để thực hiện.

     Hai là: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục. Đổi mới phương pháp dạy và học, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh. Đổi mới căn bản và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục; coi trọng quản lý chất lượng và đề cao trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp, các cơ sở giáo dục.

     Bà là: Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các tiêu cực, sai phạm trong hoạt động giáo dục, nhất là hoạt động dạy thêm, học thêm; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, công tác thi đua và xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể vững mạnh.

     Bốn là: Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đúng theo chuyên môn, nghiệp vụ. Tập trung nâng cao trình độ lý luận chính trị, phẩm chất, đạo đức lối sống và chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử của đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong giai đoạn mới; bồi dưỡng nâng cao năng lực, giáo viên ngoại ngữ đáp ứng lộ trình triển khai Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

     Năm là: Tiếp tục điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới giáo dục đào tạo, giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; đào tạo phải gắn với nhu cầu xã hội. Triển khai thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo. Điều chinh và phát triển mạng lưới trường, lớp theo hướng đồng bộ và tập trung, đảm bảo yêu cầu phát triển về quy mô, chất lượng giáo dục và đào tạo của các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện. Hình thành nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân về thực trạng giáo dục trên địa bàn huyện. Kịp thời xử lý, giải quyết các hiện tượng tiêu cực, gây bức xúc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

     Sáu là: Tham mưu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa; xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học theo kế hoạch đầu tư công, theo hướng: tập trung, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các trường trong danh mục xã nông thôn mới, đạt chuẩn quốc gia. Tăng cường trang bị đủ thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa, 100% trường phổ thông đều có thư viện đạt chuẩn, có phòng vi tính có kết nối internet, 100% trường trung học đều có phòng học bộ môn, thí nghiệm - thực hành; 100% trường phổ thông được trang bị thiết bị tối thiểu phục vụ dạy học ngoại ngữ theo chương trình mới. Quan tâm trang bị các phương tiện, thiết bị để các trường hoạt động, giảng dạy về thể dục - thể thao, văn hóa, văn nghệ, mỹ thuật...; xây dựng trường xanh, sạch, đẹp, an toàn.

     Bảy là: Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; tham mưu củng cố Hội đồng giáo dục các cấp; phối hợp tốt với các cấp hội, đoàn thể; phát huy vai trò Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội Cựu giáo chức, Hội Khuyến học,... nhằm xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các chính sách về hỗ trợ cho học sinh diện chính sách có hoàn cảnh khó khăn; khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển giáo dục và đào tạo huyện nhà. Tiếp tục phát triển các quỹ học bổng, khuyến học, khuyến tài, giúp học sinh, sinh viên nghèo học giỏi; đẩy mạnh xã hội hoá với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có uy tín thành lập, liên doanh, liên kết đầu tư cơ sở vật chất, liên kết đào tạo, chuyển giao công nghệ cho các trường, các cơ sở giáo dục ở các ngành học, cấp học. Vận động, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục. Thực hiện tốt 03 môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình và xã hội. Tạo cơ hội cho mọi người, mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tiến tới một xã hội học tập./.
 
Trần Thị Phương- Phòng Nội vụ
 

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang