CHUYÊN MỤC

Nghĩa An: Chủ động nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền phòng chống tham nhũng

(ngày đăng bài: 10/12/2019)
        Trong những năm qua, xã Nghĩa An luôn nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về phòng chống tham nhũng, lãng phí, các cấp ủy đảng từ xã đến thôn, làng đã nghiêm túc quán triệt, tuyên truyền có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện hiệu quả Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” ngăn ngừa sai phạm, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Trong 2 năm thực hiện Nghị quyết, xã đã tổ chức tuyên truyền được 47 cuộc với 300 lượt người tham dự, trên 20 tin, bài phát thanh qua Đài phát thanh của xã với nhiều nội dung khác nhau như: Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật khiếu nại, tố cáo, Luật tố tụng và văn bản hướng dẫn được ban hành. Kết quả, nhiều cán bộ, đảng viên luôn giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, nêu gương về đạo đức, lối sống “liêm chính”, “chí công vô tư”. Nhận thức của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức đoàn thể nhân dân được tăng cường, nhân dân ý thức phát huy vai trò giám sát, thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn, tố giác những hành vi, biểu hiện tham nhũng, lãng phí. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân trong phòng, chống tham nhũng lãng phí.
IMG20191122204758.jpg
Đ/c Trần Ngọc Thạch- CT UBND xã Nghĩa An lồng ghép triển khai một số nội dung tuyên truyền về Luật phòng, chống tham nhũng tại các buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Hoàng Oanh

        Vì vậy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn xã đã đạt được kết quả khả quan. Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết TW 3 đến nay, trên địa bàn xã Nghĩa An không có vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp cấp ủy phải tập trung xử lý. Các trường hợp có liên quan liên đới trách nhiệm cá nhân xử lí kỷ luật, kiểm điểm nghiêm túc rút kinh nghiệm, tạo điều kiện cho thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, xây dựng, củng cố lòng tin của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội của xã.
        Thiết nghĩ, để phát huy những kết quả đã đạt được, với mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính. Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền từ xã đến cơ sở, MTTQ và các đoàn thể chính trị cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung:
        Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Phát huy vai trò trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể  chính trị - xã hội các cấp trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; vai trò giám sát của nhân dân trong việc phát hiện cán bộ, đảng viên có biểu hiện, hành vi tham nhũng trong các lĩnh vực: quản lý đất đai, kinh tế, tài chính, xây dựng cơ bản, quản lý xã hội… để chủ động các biện pháp khắc phục. Bảo vệ, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.
        Hai là, đẩy mạnh, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, tạo nên phong trào tự tu dưỡng, rèn luyện, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tệ tham nhũng, lãng phí trong Đảng, trong xã hội. Đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, phải nêu gương về đạo đức, lối sống và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí.
        Ba là, lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí như: thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; rà soát, sửa đổi, bổ sung và thực hiện nghiêm các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chuyển đổi vị trí công tác; minh bạch tài sản, thu nhập; đẩy mạnh cải cách hành chính. Thực hiện duy trì công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư theo quy định, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc phát sinh, không để xảy ra điểm nóng. Trong công tác tổ chức, cán bộ phải thực hiện nghiêm các quy định, quy trình về tiếp nhận, điều chuyển, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ, bảo đảm công bằng, dân chủ, công khai; minh bạch.
         Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra. Tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra trong các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng, lãng phí cao. Đẩy mạnh thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. tăng cường hoạt động giám sát; chỉ đạo cơ sở nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban kiểm tra Đảng và hoạt động giám sát cộng đồng; khuyến khích cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia giám sát, phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí.
Năm là, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Ủy ban nhân dân xã. Đẩy mạnh ứng dụng quản lý trong giải quyết công việc, công khai minh bạch các thủ tục hành chính để phòng ngừa tham nhũng./.
Hoàng Oanh