CHUYÊN MỤC

Nghĩa An: Tổ chức Hội nghị Quân dân chính đảng về sáp nhập thôn, làng

(ngày đăng bài: 18/04/2018)
         Vừa qua, UBND xã Nghĩa An đã tổ chức hội nghị quân dân chính Đảng về sáp nhập thôn, làng. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Võ Văn Hải - Bí thư Đảng ủy xã, các đồng chí trong HĐND, UBND, UBMTTQ xã và toàn thể cán bộ thôn, làng trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Văn Thủ - Chủ tịch UBND xã chủ trì hội nghị
IMG20180413200439.jpg
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hoàng Oanh

        Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thủ - Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh, Việc sáp nhập các thôn, làng nhằm làm giảm số lượng thôn, làng và người hoạt động không chuyên trách, góp phần làm giảm chi ngân sách, phát huy vai trò tự quản, tự chủ và hiệu quả huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, xây dựng Nông thôn mới. Sáp nhập thôn , làng  cần đảm bảo các tiêu chí, yêu cầu đề ra, đồng thuận với ý kiến của người dân, do đó, đồng chí yêu cầu các đại biểu cần tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả, đảm bảo thực hiện dân chủ, công khai và minh bạch tại địa phương.  
        Xã Nghĩa An hiện nay có 7 thôn, làng, theo kế hoạch, trong năm 2018, xã có 6 thôn, làng tham gia sáp nhập, và sau khi sáp nhập, số thôn, làng trong toàn xã sẽ giảm còn 4 thôn, làng. Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về một số khó khăn khi triển khai việc sáp nhập thôn, làng  như: tâm lý của người dân; các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính sau khi sáp nhập; vấn đề sử dụng thiết chế cơ sở vật chất của xóm sau sáp nhập, cần sớm có văn bản hướng dẫn để cơ sở triển khai đúng quy định...Đồng chí Võ Văn Hải – Bí thư Đảng ủy xã cũng khẳng định: “Hiện dân số xã Nghĩa An có hơn 4.000 người, trong đó có 2 làng người đồng bào Bahnar, có phong tục, tập quán, nét văn hóa truyền thống tương đồng nhau. Với đặc điểm của xã vùng miền núi, dân cư phân bố không đồng đều nên quy mô, diện tích thôn, làng ở Nghĩa An tương đối nhỏ làm phát sinh tổ chức, tăng lượng người hoạt động không chuyên trách, gây áp lực cho việc chi ngân sách của địa phương. Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng đến hoạt động của các chi bộ, tổ chức đoàn thể chính trị, khó khăn trong việc huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, nông thôn mới ở địa phương. Vì vậy, việc sáp nhập  thôn, làng mới được cấp ủy đảng, chính quyền xã Nghĩa An xác định là chủ trương đúng đắn và cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương nên xã Nghĩa An cần nghiên cứu kĩ các văn bản hướng dẫn, thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện việc sáp nhập theo đúng quy định, kế hoạch đề ra. Đồng chí Bí thư yêu cầu các đồng chí thành viên BCĐ, trưởng thôn, làng cần sát sao với việc triển khai thực hiện đề án tại các địa phương, kịp thời nắm bắt để hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu đề ra”.
        Được biết, Trên cơ sở sự đồng thuận của nhân dân, xã Nghĩa An đã lựa chọn sáp nhập Thôn 1 và Thôn 2 thành một thôn mới, Thôn 3 và Thôn 4 thành một thôn mới, Thôn 5 và Làng Kuao thành một thôn mới. Các thôn, làng sau khi sáp nhập đều nâng lên về diện tích, quy mô dân số và số hộ dân. Điều thiết thực hơn, những thôn, làng mới sáp nhập các chi bộ đảng có số lượng đảng viên tăng lên, các chi hội đoàn thể, như: Cựu chiến binh, phụ nữ, nông dân và đoàn thanh niên có đông hội viên; nguồn lực cho hoạt động xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, nông thôn mới tăng cao./.
                                                                                                                          Hoàng Oanh