CHUYÊN MỤC

Nghĩa An: Tình hình bệnh khảm lá trên cây mỳ và một số biện pháp phòng trừ

(ngày đăng bài: 19/02/2020)
        Thời gian qua, đoàn kiểm tra của xã đã trực tiếp cùng với Cán bộ thôn làng và các hộ nông dân đã xuống kiểm tra tình hình sản xuất của bà con nhân dân trên địa bàn xã. Qua đó, phạt hiện hiện nay trên địa bàn xã một số diện tích mỳ mới trồng vụ Đông Xuân 2019 – 2020 xuất hiện bệnh khảm lá tại khu vực đường đi khu sản xuất 19 hộ, thôn 1. UBND xã Nghĩa An triển khai đến người dân nắm được “Tình hình bệnh khảm lá trên cây mỳ và một số biện pháp phòng trừ”.
 
benhkhamlasan2.jpg

         Bệnh khảm lá virus hại cây mỳ lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) và qua hom giống nên khả năng lây lan rất nhanh, hiện tại chưa có thuốc đặc hiệu để phòng trừ, do vậy phòng trừ chủ yếu bằng cách tiêu hủy nguồn bệnh.
          * Triệu chứng của bệnh khảm lá trên cây mỳ:
          Triệu chứng đặc trưng là vết khảm vàng loang lổ trên lá, mức độ hại nhẹ lá không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, mức độ gây hại nặng làm cho lá bị biến dạng, xoăn, cong queo, nhăn nhúm.
          Hom giống lấy từ cây mỳ bị bệnh khi mọc sẽ có biểu hiện bệnh ngay và không cho thu hoạch; khi cây còn non bị nhiễm bệnh cũng không cho thu hoạch; cây lớn mới bị nhiễm vẫn biểu hiện bệnh nhưng nhẹ hơn, làm năng suất, chất lượng giảm. Triệu chứng bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây mỳ, từ 2 tháng tuổi trở đi cho thấy vi rus lây nhiễm từ khi cây mỳ còn non.
          * Một số biện pháp phòng trừ:
          - Đề nghị người dân tuyệt đối không sử dụng hom giống đã bị nhiễm bệnh khảm để làm giống trồng lại, đồng thời đối với các diện tích mỳ bị nhiễm bệnh nặng nên chuyển đổi sang trồng cây khác như ngô, đậu đỗ, mía, thời gian ít nhất 1 năm để tiêu diệt mầm bệnh rồi mới trồng lại.
          - Tuyệt đối không sử dụng giống sắn HL-S11 (còn gọi là giống siêu bột) vì giống này mẫn cảm với bệnh khảm lá và dễ bị bệnh, hạn chế sử dụng các giống KM419, K98-5, khuyến cáo người dân sử dụng giống KM94 vì hiện nay giống này ít bị nhiễm bệnh trong các loại giống.
          - Khi lấy giống từ các địa bàn khác ngoài huyện cần chú ý nguồn gốc giống có bị lây nhiễm bệnh khảm lá hay không, nhất là các vùng đã xác định bị nhiễm bệnh, đặc biệt là từ các huyện: Iapa, Kong Chro, An Khê, Phú Thiện.
          - Nên trồng đúng thời vụ, làm đất kỳ 2 – 3 lần trước khi trồng, đất đủ độ ẩm tốt mới tiến hành trồng, bón phân cân đối phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây, giúp cây mỳ sinh trưởng, phát triển thuận lợi.
          - Thường xuyên thăm đồng ruộng (ít nhất 1tuần/lần), để phát hiện bệnh kịp thời và xử lý triệt để nguồn bệnh ngay khi mới phát sinh ở giai đoạn cây mỳ còn nhỏ (dưới 3 tháng tuổi) và ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
          - Luân canh với cây trồng khác, không nên trồng cây thuốc lá cà chua, cà tím, bầu bí, ớt, chanh dây trên các diện tích đất trồng mỳ bị nhiễm bệnh vì đây là những cây kí chủ của bọ phấn trắng là môi giới truyền bệnh.
          * Trường hợp cây mỳ còn nhỏ có độ tuổi từ 3 tháng trở xuống:
          - Nếu ruộng có từ 50% số cây bị bệnh trở xuống thì tiến hành nhổ bỏ tiêu hủy toàn bộ số cây bị bệnh, tiếp tục chăm sóc số cây còn lại. Thu hoạch sớm sau khi thu hoạch xong tiêu hủy (thân lá, gốc rễ đem đốt).  Đồng thời luân canh với cây trồng khác ít nhất 01 năm để cắt nguồn bệnh.
          - Nếu ruộng có trên 50% số cây bị bệnh thì tiến hành tiêu hủy toàn bộ số cây có trên ruộng, đồng thời áp dụng biện pháp luân canh các loại cây trồng khác ít nhất 01 năm để cắt nguồn bệnh.
          * Trường hợp cây mỳ có độ tuổi từ 5 tháng trở lên:
          - Nếu ruộng có từ 70% số cây bị bệnh trở xuống thì tiến hành nhổ bỏ tiêu hủy toàn bộ số cây bị bệnh , tiếp tục chăm sóc số cây còn lại. Thu hoạch sớm sau khi thu hoạch xong tiêu hủy (thân lá, gốc rễ đem đốt).  Đồng thời luân canh với cây trồng khác ít nhất 01 năm để cắt nguồn bệnh.
          - Nếu ruộng có trên 70% số cây bị bệnh thì tiến hành tiêu hủy toàn bộ số cây có trên đồng ruộng (gồm thân, lá gốc, rễ đem đốt), tận dụng củ làm thức ăn cho gia súc, đồng thời áp dụng biện pháp luân canh các loại cây trồng khác ít nhất 01 năm để cắt nguồn bệnh.
          * Trường hợp ruộng không có khả năng cho thu hoạch thì tiến hành nhổ bỏ toàn bộ cây mỳ có trên đồng ruộng, tiêu hủy toàn bộ thân lá, gốc rễ (đem đốt)
          - Phun thuốc trừ môi giới truyền bệnh: Điều tra nếu ruộng có xuất hiện bọ phấn trắng thì phải tiến hành phun thuốc để diệt trừ ngay, phun cả trên ruộng bị nhiễm bệnh và các ruộng xung quanh để ngăn chặn bọ phấn di chuyển sang và truyền bệnh; Sử dụng một trong các loại thuốc BVTV như Hópan 75EC, Nurelle 25/2.5EC, Azorin 400WP (chú ý phun trước khi tiêu hủy cây bị bệnh từ 2 – 3 ngày để đảm bảo an toàn).
          Trên đây là một số biện pháp hướng dẫn phòng trừ bệnh khảm lá gây hại trên cây mỳ, đề nghị bà con nhân dân chủ động theo dõi tình hình bệnh hại và phòng trừ theo hướng dẫn. Trưởng các thôn, làng và chi hội nông dân thôn, làng tuyên truyền hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng trừ và rà soát nắm chắc các diện tích bị nhiễm bệnh báo cáo kịp thời về ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp xã./.
Hoàng Oanh