CHUYÊN MỤC

Huyện Kbang duy trì và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

(ngày đăng bài: 10/03/2022)
     Phổ cập giáo dục -Xóa mù chữ (PCGD-XMC) là nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững trật tự an ninh, quốc phòng của địa phương. Do vậy, duy trì và nâng cao chất lượng PCGD-XMC chính là nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, giúp nhân dân có cơ hội tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại trong lao động, sản xuất và đặc biệt là nâng cao chất lượng giáo dục. 
 

     Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh và của Sở GD&ĐT, huyện Kbang đã tập trung triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục và chất lượng phổ cập trọng tâm: Chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch cụ thể cho một năm học, tham mưu, phối hợp kịp thời với cấp uỷ, chính quyền, các già làng, trưởng bản, các ban ngành đoàn thể tại địa phương đến từng điểm làng để vận động, ký cam kết với từng hộ gia đình về nội dung phải đưa con em ra lớp; Nhà trường lập danh sách học sinh từng làng, phân công cụ thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường phụ trách từng địa bàn; thông báo rộng rãi đến cấp uỷ, chính quyền, cán bộ địa phương và trưởng làng được phân công phụ trách với nhà trường biết, để khi có học sinh nghỉ học, vắng học thì lập tức phối hợp đến tận nhà vận động đưa học sinh ra lớp ngay; tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, các đơn vị tổ chức tốt việc phụ đạo học sinh yếu kém, tăng cường giảng dạy cho học sinh dân tộc thiểu số, không chạy theo thành tích, thiếu trung thực trong đánh giá, thi cử; đẩy mạnh việc xây dựng các nội dung giáo dục đặc thù để nâng cao chất lượng giáo dục; Phát động phong trào “mỗi cán bộ, giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì đang khó khăn trong học tập”.
Untitled.jpg
Các thầy cô giáo lên tận rẫy để tìm học sinh

     Từ công tác chỉ đạo sát sao, phù hợp với điều kiện thực tế của huyện, việc nâng cao chất l­­ượng giáo dục được cải thiện rõ ràng; công tác tổ chức, vận động, quản lý thực hiện hiệu quả đã góp phần duy trì sĩ số học sinh đạt hiệu quả cao ở các cấp học, giảm thiểu tối đa số học sinh bỏ học, đây là điều kiện có tính quyết định đến việc nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ nói riêng của huyện nhà.

     Toàn huyện có 44 đơn vị trường học (38 trường đạt chuẩn quốc gia) gồm: 546 lớp, 15.761 học sinh, 8.807 học sinh dân tộc thiểu số, có 7 trường PTDTBT, 03 trường phổ thông có học sinh bán trú, với 1.553 học sinh hưởng chế độ bán trú; 01 trường THCS Dân tộc nội trú với quy mô 275 học sinh.

     Công tác phổ cập giáo dục: 14/14 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xoá mù chữ. Đối với bậc mầm non: có 14/14 xã đạt chuẩn Phổ cập giáo dục mầm non, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó: Số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp đạt 12,52%;  Số trẻ trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp đạt 98,62%; Số trẻ 5 tuổi đến trường đạt 99,85%; Số trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình GDMN đạt 100%.  Đối với bậc tiểu học: huyện Kbang đạt chuẩn PCGDTH mức độ 3. Trong đó: số trẻ 06 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; Số trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 94,26%; Số trẻ 11 tuổi còn đang học tiểu học là 5,66%; Số trẻ 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 98,18%. Đối với bậc THCS: huyện Kbang đạt chuẩn PCGDTHCS mức độ 2 (có 02/14 xã mức độ 3, 12/14 xã mức độ 2).
 
Untitled1.jpg
Trường TH Kông Bơ La đón Bằng công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1

     Công tác xóa mù chữ huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: tuyên truyền, vận động các đối tượng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi, chống bỏ học; lồng ghép dạy xóa mù chữ với công tác dạy phổ cập giáo dục, chống mù chữ. Thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, hàng năm, chính quyền các cấp đã duy trì và đẩy mạnh phong trào xóa mù chữ, giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học-chống mù chữ và cụ thể hóa thành các chỉ tiêu phấn đấu thực hiện. Đến nay, huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, góp phần nâng cao tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 toàn tỉnh đạt 91,98%.

     Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và xóa mù chữ cho người lớn của huyện vẫn còn một số khó khăn. Công tác vận động trẻ ra lớp, duy trì sĩ số, gặp nhiều khó khăn, nhất là vào thời điểm vụ mùa. Kinh phí hỗ trợ cho công tác phổ cập THCS ít, khó khăn trong việc duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập. Việc duy trì sĩ số, vận động học sinh ra lớp trong độ tuổi bậc THCS, lớp bổ túc văn hóa, lớp xóa mù chữ ở vùng dân tộc còn khó khăn. Công tác xóa mù chữ tại một số địa bàn chưa được quan tâm và duy trì thường xuyên, kết quả xóa mù chữ chưa thật sự bền vững.
 
Untitled2.jpg
Một tiết học ngoài trời của các em học sinh mầm non

     Nhằm đảm bảo mọi người dân đều được đi học để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, huyện Kbang đặt ra chỉ tiêu cụ thể cho năm tới: 100% các xã đã hoàn thành chuẩn PCGDXMC tiếp tục phấn đấu duy trì bền vững và phát triển chuẩn cho những năm về sau, đảm bảo lộ trình, kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới của huyện trong giai đoạn 2020-2025. Với các giải pháp sau:
 
     Một là: Đưa các chỉ tiêu về Phổ cập giáo dục và xóa mù chữ vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của huyện và các xã, thị trấn. Phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong triển khai, tổ chức, thực hiện công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân về công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ dưới nhiều hình thức.

     Hai là: Trong điều kiện cụ thể, từng địa phương có các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, củng cố các trường mầm non hiện có. Nâng cao tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến lớp mẫu giáo, thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày.

     Ba là: Tuyên truyền nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh và toàn xã hội về vị trí, tầm quan trọng của công tác phổ cập và xóa mù chữ cho người lớn. Đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho người trong độ tuổi lao động, giảm tỷ lệ người tái mù chữ ở người lớn, nhất là các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

     Bốn là: Tích cực thực hiện công tác phối gợp giữa gia đình- nhà trường- xã hội, tạo môi trường giáo dục sâu rộng, có sức cuốn hút học sinh đến trường, đi học đúng độ tuổi. Quan tâm đến việc thực hiện chế độ của học sinh bán trú ở các xã Lơ Ku, Krong, Đăk Rong, KonPne, Đak Smar…cả về vật chất lẫn tinh thần, giúp các em khắc phục mọi khó khăn để đến trường, hạn chế học sinh nghỉ học và bỏ học giữa chừng.

     Năm là: Thực hiện sáng tạo, có hiệu quả chủ trương xã hội hóa giáo dục, huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ cho các lớp phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở địa phương và phát động phong trào xã hội học tập, gia đình học tập, làm cho các đối tượng người học thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của mình việc hoàn thành chương trình các cấp học.

     Sáu là: Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên dưới nhiều hình thức. Tạo điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn trên chuẩn. Tiếp tục có các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy, học và giáo dục theo mục tiêu của từng cấp học và chương trình đổi mới giáo dục phổ thông./.
 
Trần Thị Phương - Phòng Nội vụ
 

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang