CHUYÊN MỤC

Nhìn lại 3 năm triển khai mô hình nông hội trên địa bàn huyện Kbang

(ngày đăng bài: 26/12/2022)
     Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. Huyện Kbang có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển ngành nông nghiệp. Việc thành lập nông hội sẽ tạo tiền đề cho phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất ở khu vực nông thôn; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của huyện trong chăn nuôi, trồng trọt; tăng cường mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Untitled.png
Quảng bá sản phẩm nông nghiệp ngày hội du lịch huyện Kbang
 
     Thực hiện Công văn số 2824-CV/TU, ngày 04/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện mô hình “Nông hội” trên địa bàn tỉnh, Hướng dẫn số 09-HD/BDVTU, ngày 05/11/2019 của Ban Dân vận Tỉnh ủy về việc thực hiện mô hình “Nông hội” trên địa bàn tỉnh; Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức quán triệt và ban hành các văn bản triển khai thực hiện các nội dung về xây dựng mô hình nông hội đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; đồng thời, chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện có hiệu quả, phù hợp với điều kiện tại địa phương.

     UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn quy chế hoạt động và các thủ tục để thành lập mô hình nông hội tại xã Kông Bờ La, Đăk Hlơ, xã Đông, xã Kông Lơng Khơng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị- xã hội thường xuyên tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân nắm vững về nội dung mô hình nông hội, tạo sự đồng thuận với mục tiêu, quan điểm thực hiện xây dựng mô hình nông hội, xem việc xây dựng nông hội là một nội dung quan trọng trong việc đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tiến tới hình thành và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, đa dạng hoá các loại hình sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Ban Dân vận Huyện uỷ phối hợp với UBND huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng thí điểm mô hình nông hội “dâu, tằm tơ và rau, hoa quả Sông Ba” trên địa bàn 02 xã Kông Bơ La, Đăk Hlơ, mô hình nông hội “nuôi bò xã Đông” và mô hình “Nuôi cá nước ngọt” xã Kông Lơng Khơng.
 
 Untitled2.jpg
Mô hình nuôi bò xã Đông thành lập tháng 7-2020, có 83 thành viên; trong đó, 20 thành viên là người dân tộc thiểu số, 14 đảng viên, 12 cán bộ công chức và cán bộ thôn, làng.
 
     Qua 3 năm hoạt động, toàn huyện Kbang đã thành lập được 03 mô hình “nông hội”, với tổng số 201 thành viên (có 16 uỷ viên Ban Chủ nhiệm, 39 thành viên là người đồng bào dân tộc thiểu số, 32 đảng viên, 14 cán bộ công chức, 16 cán bộ thôn).

     Mô hình nông hội “dâu, tằm tơ và rau, hoa quả Sông ba” trên địa bàn xã Đak Hlơ và Kông Bơ La, được thành lập vào ngày 07/11/2019 tại thôn Kơ Xum xã Kông Bờ La với 73 thành viên tham gia (có 06 thành viên là người dân tộc thiểu số; 14 đảng viên; 08 cán bộ công chức và 04 cán bộ hưu trí). Diện tích trồng dâu 38.40 ha; cây ăn quả 40 ha. Cơ chế hoạt động : chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên nông hội, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong việc trồng dâu nuôi tằm và sản xuất nông nghiệp nói chung, góp phần xây dựng nền nông nghiệp địa phương đa dạng theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện; cổ vũ, động viên, hỗ trợ các thành viên là nông dân trẻ khởi nghiệp và lập nghiệp; tìm kiếm và mang lại các quyền lợi về vật chất, tinh thần cho thành viên nông hội; hỗ trợ địa phương trong việc thực hiện các hoạt động xã hội khác. Trong thời gian qua, do nắng hạn kéo dài, thị trường không ổn định nên người dân đã phá bỏ hoàn toàn diện tích trồng dâu nuôi tằm và chuyển sang trồng mía.
 
 Untitled3.jpg
Thu hoạch kén tằm của người dân xã Đak Hlơ
 
     Mô hình nông hội “Nuôi bò xã Đông”, được thành lập vào ngày 30/7/2020 tại xã Đông với 83 thành viên (có 20 thành viên là dân tộc thiểu số, 14 đảng viên, 05 cán bộ công chức và 07 cán bộ thôn. Tổng đàn bò hiện có 326 con, điện tích trồng cỏ 12.6ha. Cơ chế hoạt động: chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên nông hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi tạo liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với chính quyền và các Doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, hướng tới phát triển chăn nuôi bò theo hướng bền vững, đầu ra ổn định cho sản phẩm đàn bò nhằm nâng cao giá trị đàn bò. Tìm kiếm nguồn vốn mở rộng quy mô đàn bò và mở rộng diện tích trồng cỏ. Nghiên cứu kinh phí, đối ứng mua máy ép cám viên, máy sơ chế sơ dừa cho nông hội và đặt tại vị trí thuận lợi nhất do nông hội thống nhất quyết định. Theo thống kê cuối năm 2021, nông hội đã chế biến được các sản phẩm: thức ăn vỗ béo bò, thức ăn gia cầm và phân trùn quế, đã xuất và cung cấp được trên 3000 kg thức ăn (trong đó, Nông hội đã sản xuất và cung cấp 270 kg còn lại là gia công cho hội viên); chế biến được 250 kg xơ dừa cung cấp cho hộ trồng rau, củ trên địa bàn.

      Mô hình nông hội “Nuôi cá nước ngọt” xã Kông Lơng Khơng, được thành lập vào ngày 27/5/2022 tại xã Kông Lơng Khơng với 45 thành viên (có 13 thành viên là người dân tộc thiểu số, 04 đảng viên, 01 cán bộ công chức và 04 cán bộ thôn). Tổng diện tích mặt nước là 18,5 ha. Cơ chế hoạt động: thực hiện theo nguyên tắc “03 không”, “03 tự”, “03 cùng” (không bộ máy, không kinh phí, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết định công việc; cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng). Đến nay, nông hội nuôi cá nước ngọt đã tạo ra được chuỗi lên kết từ đầu vào, đầu ra, nguồn thức ăn ổn định, cho thu nhập cao. Theo tính toán sơ bộ, sau 12 tháng nuôi (năm thứ nhất), doanh thu ước đạt hơn 2 tỷ đồng/10 hộ, trung bình mỗi hộ lãi 103,5 triệu đồng. Dự kiến doanh thu năm thứ 2 là hơn 2,1 tỷ đồng, mỗi hộ đạt lợi nhuận hơn 218 triệu đồng. Như vậy, tổng lợi nhuận của dự án trong 2 năm thực hiện sẽ hơn 3,2 tỷ đồng/10 hộ. Trong khi đó, 10 hộ vay đầu tư sẽ thu hồi vốn và lãi 321,9 triệu đồng/hộ. Lợi nhuận thu được từ dự án các hộ này tiếp tục đầu tư và một phần sử dụng chi phí cho gia đình, giúp ổn định cuộc sống.

     Việc triển khai xây dựng mô hình “Nông hội” trên địa bàn huyện trong 3 năm qua đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đã ban hành 11 văn bản triển khai thực hiện các mô hình (cấp uỷ 06; chính quyền 03; Mặt trận huyện và các tổ chức chính trị xã hội: 03). Hỗ trợ kinh phí và cơ sở vật chất Mô hình nông hội “dâu, tằm tơ và rau, hoa quả Sông ba” trên địa bàn xã Đak Hlơ và Kông Bơ La 02 ti vi 55 inch, lắp đặt 01 hệ thống Wifi để thành viên nông hội, nông dân truy cập thông tin; cho thanh niên nông hội vay đầu tư sản xuất kinh doanh 600 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân huyện. Các Doanh nghiệp đã hỗ trợ mô hình nông hội “Nuôi bò xã Đông” 03 thùng phân bón thông minh trị giá 30 triệu đồng và lắp đặt 01 ha hệ thống tưới nước tiết kiệm trị giá 40 triệu đồng. Các hộ dân của mô hình nông hội “Nuôi cá nước ngọt” xã Kông Lơng Khơng được hỗ trợ vay 400 triệu từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh để tập trung nạo vét và mở rộng ao hồ, mua cám và con giống. Nhờ đó, đã giúp người nông dân đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết thị trường, gắn với liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiến tới hình thành và phát triển Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, đa dạng hoá các loại hình sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Mô hình nông hội “Nuôi bò xã Đông” đã tạo dựng được mối quan hệ liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến nguồn thứcc ăn chăn nuôi bò và tiêu thụ sản phẩm gắn với chuỗi giá trị. Mô hình “Nuôi cá nước ngọt” tạo được chuỗi liên kết từ đầu vào, đầu ra, nguồn thức ăn ổn định, cho thu nhập cao.
 
Untitled4.jpg
Tận dụng ao nước phục vụ tưới để đầu tư thả cá của
gia đình ông Trần Văn Thuận xã Kông Lơng Khơng
 
     Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì hoạt động của các Nông hội cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: mô hình nông hội còn mới nên việc tuyên truyền vận động người dân tham gia còn lúng túng; việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa Nông hội với doanh nghiệp, Hợp tác xã chưa hiệu quả, các sản phẩm của các thành viên Nông hội khó tìm thị trường tiêu thụ, chủ yếu phụ thuộc vào thương lái với giá cả bấp bênh, lợi nhuận không cao; các ngành liên quan, UBND xã chưa chủ động định hướng nội dung hoạt động, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, kỹ năng điều hành sinh hoạt chuyên đề thành viên Ban Chủ nhiệm hoạt động còn hạn chế; chất lượng, hiệu quả hoạt động không hiệu quản và thiếu tính bền vững, chưa mang lại lợi ích cho thành viên…

     Để đề ra những phương hướng trong thời gian tới nhằm tiếp tục duy trì, thực hiện hiệu quả mô hình Nông hội trên địa bàn cũng như định hướng phát triển, nhân rộng các mô hình Nông hội nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân để sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản trên tinh thần tự nguyện của nông dân nhằm nâng cao thu nhập, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Trong thời gian tới các cấp ủy chính quyền, địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và nhất quán về nguyên tắc tổ chức thực hiện, chỉ thị văn bản của cấp trên. Nâng cao hơn nữa chất lượng, xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm, tạo ra những sản phẩm sạch, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Những nơi chưa vào cuộc phải vào cuộc ngay để thực hiện chủ trương chính sách, không đổ cho khách quan, không đổ cho khó khăn. Thực hiện rà soát các loại hình phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, các ngành nghề có thế mạnh, đủ điều kiện thì thành lập nông hội theo Nghị quyết của Đảng đề ra, phù hợp với nhu cầu nguyện vọng của nhân dân, tránh hình thức và mang lại lợi ích thực sự cho người dân. Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó Hội Nông dân các cấp có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động thành lập nông hội gắn kết với thiết chế tự nguyện của cộng đồng dân cư, tự chủ hoạt động theo nguyên tắc “03 không”, “03 tự”, “03 cùng” (không bộ máy, không kinh phí, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết định công việc; cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng). Nông hội đáp ứng nhu cầu của người dân về không gian sinh hoạt, bàn chuyện làng, chuyện xóm, chuyện làm ăn, trao đổi kinhn ghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thôgn tin về thị trường tiêu thụ nông sản./.
 
Trần Thị Phương - Phòng Nội vụ

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang