CHUYÊN MỤC

Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh đau mắt đỏ

(ngày đăng bài: 27/09/2023)
     Hiện nay, thời tiết mưa nắng diễn biến thất thường, cộng với độ ẩm cao thường là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi trùng sinh sôi phát triển nhanh hơn nên bệnh đau mắt đỏ cũng thường xảy ra trong thời gian này, nhất là trong thời điểm giao mùa hè - thu.

     Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Kbang, tính đến ngày 25/9/2023, toàn huyện có 435 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ tập trung chủ yếu tại Thị trấn Kbang và các xã phía Nam và vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt, trung bình mỗi ngày ngành Y tế huyện Kbang tiếp nhận từ 15 - 25 bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú bệnh đau mắt đó, cụ thể: Thị trấn Kbang (280 trường hợp); xã Đông (26 trường hợp); xã Nghĩa An (23 trường hợp); xã Tơ Tung (35 trường hợp); xã Lơ Ku (02 trường hợp); xã Kông Lơng Khơng (15 trường hợp); xã Sơ Pai (43 trường hợp); xã Sơn Lang (07 trường hợp); xã Krong (02 trường hợp); xã Kon Pne (02 trường hợp). Trong đó, tập trung chủ yếu ở các em học sinh (385 trường hợp) và một phần nhỏ số ca mắc là người dân trong cộng đồng (46 trường hợp),
 
5.jpg
Bệnh nhân ngồi chờ khám mắt

     Bệnh đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc cấp) là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng. Tuy nhiên, phổ biến vẫn là do nhóm vi rút Adeno và Picorna gây ra với các triệu chứng như: sốt nhẹ; cộm, đau, sưng, đỏ mắt; tiết nhiều ghèn và chảy nước mắt. 

     Bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với dịch tiết từ mắt qua bàn tay nhiễm vi rút hoặc dùng chung đồ dùng, vật dụng bị nhiễm mầm bệnh. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt còn lại. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Chính vì vậy người dân cần chủ động thực các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế để tránh biến chứng và lây lan dịch bệnh.
 
4.jpg
Người dân thăm khám đau mắt tại bệnh viện

     Tăng cường công tác phòng chống dịch
      Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đau mắt đỏ, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn cùng phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh công tác phòng, chống nhằm kịp thời kiểm soát và khống chế dịch bệnh đau mắt đỏ. Theo đó, chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện: Xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn huyện, tăng cường giám sát chặt tình hình dịch tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch đau mắt đỏ trên địa bàn; Hướng dẫn UBND các xã, thị trấn, Trạm Y tế, các phòng, ban, ngành có liên quan và các hội đoàn thể, nhà trẻ, trường học… triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn huyện; tập trung vào các vùng có số ca mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch; Tổ chức tốt việc điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo giữa người bệnh đau mắt đỏ với nhau.
 
     Phòng Giáo dục và đào tạo phối hợp với Trung tâm Y tế huyện triển khai các biện pháp phòng chống bệnh đau mắt đỏ trong trường học, nhà trẻ và chỉ đạo các trường học trên địa bàn huyện tuyên truyền đến các em học sinh cách phòng, chống bệnh đau mắt đỏ.
 
6.jpg

     Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, người dân cần thực hiện:
     1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch;
     2. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng;
     3. Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…;
     4. Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường;
     5. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh;
     6. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi mắc bệnh viêm kết mạc cấp;
     7. Người bệnh, người nghi mắc bệnh viêm kết mạc cấp cần hạn chế tiếp xúc với người khác;
     8. Người có các dấu hiệu viêm kết mạc cấp cần đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của nhân viên y tế để tránh biến chứng nặng.
     Đau mắt đỏ tuy là bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây lan nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập, lao động và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực. Chính vì vậy, người dân  cần có ý thức phòng bệnh, khi có các triệu chứng mắt có tia đỏ, ngứa cộm, chảy nước mắt, nhiều ghèn cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời và đúng cách, tránh để bệnh bùng phát và lây lan ra cộng đồng.
 
Nguyễn Văn Sinh – Văn phòng HĐND-UBND huyện

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang