CHUYÊN MỤC

UBND huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và Viện Sinh Thái học Miền Nam tổ chức Hội thảo tổng kết hoạt động năm 2023, chương trình hoạt động năm 2024 của dự án liên minh sinh kế xanh GLA2

(ngày đăng bài: 16/03/2024)
     Ngày 15/3/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Viện Sinh Thái học Miền Nam và UBND huyện tổ chức Hội thảo tổng kết hoạt động triển khai Dự án liên minh sinh kế xanh GLA2 tại huyện. Chủ trì Hội thảo gồm ông Trương Thanh Hà – Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm, ông Lưu Hồng Trường – Viện trưởng Viện sinh thái học Miền Nam và ông Lê Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang. Tham dự buổi Hội thảo có lãnh đạo và chuyên môn Viện sinh thái học Miền nam, Trung tâm con người và thiên nhiên; Đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị huyện Kbang: phòng Nông nghiệp và PTNT, Hạt Kiểm lâm, Văn phòng HĐND-UBND huyện và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện; Xã Kon Pne: Đại diện Lãnh đạo HĐND-UBND xã, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, cán bộ phụ trách tham gia dự án; Ban phát triển cộng đồng, Chi hội phụ nữ, Đoàn thanh niên 3 làng Kon Hleng, Kon Ktonh, Kon Kring; nhân viên cộng đồng xã; Xã Đông: Đại diện Lãnh đạo UBND xã, đại diện tổ hợp tác Voi Rừng; Xã Đăk Rong: Đại diện Lãnh đạo UBND xã, đại diện cộng đồng làng Kon Von 1 và làng Kon Lanh Te.

Untitled.jpg
Quang cảnh Hội thảo

     Dự án liên minh sinh kế xanh GLA2 được triển khai trên địa bàn huyện từ năm 2023, với mục tiêu của dự án là nhằm cải thiện sinh kế cho cộng đồng người dân tộc địa phương gắn với quản lý rừng bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu. Dự án được triển khai trên địa bàn 03 xã Kon Pne, xã Đăk Rong và xã Đông với nhiều nội dung như: Tổ chức cho cộng đồng tham gia hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực, tham quan học hỏi các mô hình sinh kế ở các địa phương khác như Sơn La, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Cà Mau;  Nghiên cứu chuỗi giá trị Lâm sản ngoài gỗ và thị trường nhằm xác định loại lâm sản ngoài gỗ tiềm năng; Xây dựng các mô hình sinh kế gắn với bảo vệ rừng như mô hình làng nông nghiệp thông minh ở xã Kon Pne; Kiện toàn ban quản lý bảo vệ rừng ở 3 làng xã Kon Pne theo hướng có sự tham gia của già làng và những người uy tín trong làng; Hỗ trợ phục hồi và phát huy văn hóa truyền thống cộng đồng thông qua ngày hội Đại đoàn kết với chủ đề “Đoàn kết để phát triển kinh tế và bảo vệ rừng”; Lồng ghép các hoạt động phát triển sinh kế, nâng cao năng lực của cộng đồng và bảo vệ tài nguyên rừng để chống chọi với biến đổi khí hậu trong quá trình thực hiện để đạt được hiệu quả về đa mục tiêu.

     Trong năm 2023, dự án đã triển khai thực hiện được 06 nội dung và đạt được một số kết quả cụ thể như sau:

     Thứ nhất về xây dựng các mô hình sinh kế bền vững thân thiện với rừng thông qua các gói tài trợ nhỏ cho cộng đồng: Dự án đã giới thiệu mô hình Làng nông lâm nghiệp thông minh tại xã Kon Pne; khảo sát mô hình thử nghiệm trồng giống lúa đen tại làng Kon Ktonh, Sản phẩm măng làng Kon Hleng; cộng đồng làng Kon Hleng đã viết 01 đề xuất và triển khai dự án xây dựng nhà sấy nông sản, lâm sản ngoài gỗ với diện tích 174 m² (trong đó: 90 m² nhà bảo quản và mái che; 84 m² nhà sấy và khu sơ chế) với tổng nguồn vốn 172.000.000 đồng (Vốn Dự án hỗ trợ: 126.000.000 đồng; Vốn cộng đồng đóng góp: 46.000.000 đồng); đã tổ chức đoàn đã đi thăm mô hình trồng Giổi xanh và Mô hình du lịch cộng đồng ở tỉnh Hòa Bình; Mô hình Măng sạch ở Vân Hồ, Sơn La.
 
Untitled1.jpg
               Hội nghị triển khai dự án GLA2 tại xã Kon Pne    Mô hình nhà sấy nông lâm sản được xây dựng tại làng Kon H’leng
 
Untitled2.jpg
Tổ chức thăm quan học hỏi mô hình trồng dổi và sản xuất măng tại Sơn La
 
     Thứ hai về phát triển sinh kế cộng đồng gắn với bảo vệ rừng bởi cộng dồng theo hướng liên kết chuỗi sản phẩm và phát triển doanh nghiệp cộng đồng: Dự án đã xác định được 02 mô hình sinh kế dựa vào lâm sản ngoài gỗ theo hướng liên kết chuỗi sản phẩm phù hợp với các hộ dân tộc địa phương là mô hình sản xuất măng le khô và mật rừng ong lỗ; xác định được 04 sản phẩm lâm sản ngoài gỗ tiềm năng để phát triển sản phẩm và liên kết chuỗi giá trị tại xã Kon Pne và xã Đông là Mật ong rừng, măng rừng, chè dây rừng, rượu cần; hỗ trợ Dự án “Rượu cần Đăk Giang-Đặc sản văn hoá của người Bah Nar” của Tổ hợp tác Voi rừng vào bán kết cuộc thi Dự án KHỞI NGHIỆP XANH lần 9/2023 với quy mô toàn quốc; Thành lập Tổ hợp tác cộng đồng làng Kon Hleng, xã Kon Pne gồm 40 thành viên (34 nam, 6 nữ) cùng nhau thực hiện dự án “Phát triển sinh kế bền vững có sự tham gia của cộng đồng thông qua phát triển sản phẩm măng rừng sấy và các lâm sản ngoài gỗ khác”; Kiện toàn bộ máy tổ hợp tác Voi rừng thuộc xã Đông gồm 15 thành viên (7 nam, 8 nữ), xây dựng thành công hồ sơ OCop cho sản phẩm chè dây và rượu cần Đăk Giang.
 
Untitled3.jpg      
THT Voi Rừng vào vòng bán kết cuộc thi khởi nghiệp xanh
 
     Thứ ba là tăng cường năng lực cho cộng đồng trong quản lý rừng bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu: Đã tập huấn gìn giữ sự sinh tồn của các loài động thực vật rừng; đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học bởi cộng đồng cho các thành viên tổ bảo vệ rừng xã Kon Pne; đánh giá năng lực và nhu cầu của phụ nữ trong quản lý, bảo vệ rừng; tổ chức Hội thảo đầu bờ đánh giá và phổ biến mô hình gây trồng giống lúa đen bản địa tại Kon Pne; Kiện toàn ban quản lý bảo vệ rừng ở 3 làng xã Kon Pne theo hướng có sự tham gia của già làng và những người uy tín trong làng; có 04 thành viên cộng đồng thuộc xã Kon Pne đã tham gia vào mạng lưới cộng đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên do PanNature quản lý, thông qua hoạt động của mạng lưới, các thành viên cùng nhau chia sẻ về các loại hình quản lý tài nguyên thiên nhiên ở địa phương mình (cách thức quản lý, bài học kinh nghiệm…) hướng tới mục tiêu quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, cải thiện sinh kế cộng đồng trên cơ sở phát huy sáng kiến và kinh nghiệm.

     Thứ tư là khôi phục và phát huy các giá trị truyền thống, phong tục cộng đồng trong quản lý, bảo vệ rừng và cải thiện sinh kế: Theo đó đã hỗ trợ xã Kon Pne phục hồi và phát huy văn hóa truyền thống cộng đồng thông qua ngày hội Đại đoàn kết với chủ đề “Đoàn kết để phát triển kinh tế và bảo vệ rừng” (Hỗ trợ các hoạt động tập luyện và biểu diễn múa cồng chiêng cho 3 đội văn nghệ 3 làng Kon Ktonh, Kon Hleng và Kon Krinh; tổ chức và tài trợ cho các trò chơi dân gian của người Bahnar: đẩy gậy, đi cà kheo, kéo co…)

     Thứ năm là hỗ trợ và tham vấn xây dựng chính quyền địa phương về đa dạng sinh học, sinh kế dựa vào rừng và quản lý, bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng: Theo đó, Dự án đã hỗ trợ sở NN&PTNT và Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng trong hoạt động của hội đồng quản lý Khu dự trữ sinh quyển

     Thứ sáu là hỗ trợ nữ cán bộ cộng đồng: Dự án đã chọn thêm 01 nữ là nhân viên cộng đồng tại xã Kon Pne để hỗ trợ cộng đồng thực hiện các hoạt động của dự án. Nhân viên cộng đồng được nâng cao năng lực thông qua các khoá tập huấn, trao đổi học hỏi các địa phương khác, chương trình đào tạo của Viện Sinh thái học Miền Nam. Đến nay, nhân viên cộng đồng tự tin trong giao tiếp với cộng đồng cũng như với bên ngoài địa phương, tăng hiểu biết trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp cộng đồng và phát triển sản phẩm dựa trên nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương.

     Trong năm 2024, dự án sẽ tiếp tục triển khai các nội dung đã thực hiện năm 2023, đồng thời thực hiện thêm một số nội dung như: Phát triển vườn ươm trồng thử một số loài cây bản địa để phát triển nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp; Tập huấn quản lý khai thác bền vững cho nguyên liệu khai thác trong rừng tự nhiên; thành lập 03 cơ chế quản lý tài chính bền vững và công bằng cho cộng đồng ở 3 làng của xã Kon Pne; Hỗ trợ tổ chức các lễ hội của buôn làng gắn với bảo vệ phát triển rừng; Tổ chức các hội thảo chuyên đề về bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững có sự tham gia của cộng đồng ở tỉnh Gia Lai.
 
Untitled4.jpg
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo
 
     Tại Hội thảo, các cơ quan, đơn vị, các xã, cộng đồng dân cư đã thảo luận và mong muốn dự án tiếp tục triển khai thực hiện, trong đó, đã đề xuất dự án tập trung triển khai một số nội dung như: thực hiện mô hình nhà sấy măng; mô hình trồng lúa đen; trồng và bảo tồn nguồn gen rừng; hỗ trợ định danh các loại cây dược liệu…
 
Untitled5.jpg
Đ/c Lê Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại Hội thảo
 
     Phát biểu tại buổi Hội thảo, Đ/c Lê Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện nhận thấy mục tiêu của Dự án liên minh sinh kế xanh GLA2 là phù hợp, tương đồng với định hướng phát triển của huyện; qua thực hiện Dự án, đã nâng cao nhận thức của người dân, người dân đã tự tin hơn trong sản xuất. Với tiềm năng về rừng rất lớn, huyện Kbang hiện có 127.283,91 ha rừng (đứng đầu tỉnh Gia Lai), huyện rất mong muốn dự án tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả góp phần trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển sinh kế cho người dân. Trong thời gian tời, để dự án phát huy hiệu quả, Đ/c Sơn đã đề nghị dự án tập trung triển khai thực hiện một số nội dung như: hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế cộng đồng; hỗ trợ Hợp tác xã phát triển; xây dựng nhãn mác, thương hiệu sản phẩm đặc trưng; phục dựng các lễ hội truyền thống…. Các nội dung thực hiện phải bám sát các chủ trương, đường lối của tỉnh, huyện và lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.
 
Trương Thị Chúc- Văn phòng HĐND-UBND huyện

Đăng ký nhận tin:

Thông tin liên hệ:


1478004194_map-icon.png Địa chỉ: Thị trấn Kbang - huyện Kbang - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269)3834792
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3834812
1478004004_Mail.png  Email: ubndkbang@gialai.gov.vn

Thông tin bản quyền:


Bản quyền thuộc về UBND huyện Kbang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Thị Định - Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Kbang
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT ngày 21/7/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang